Thời tiết giao mùa, trẻ nhập viện gia tăng

Trong vài tuần trở lại đây, Nam Bộ bước vào giai đoạn đầu mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, khiến trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.

Số trẻ đến khám tại BV Bà Rịa đang có xu hướng tăng, nhất là bệnh hô hấp; tay, chân, miệng.

Số trẻ đến khám tại BV Bà Rịa đang có xu hướng tăng, nhất là bệnh hô hấp; tay, chân, miệng.

BỆNH NHI NHẬP VIỆN TĂNG

Giữa trưa một ngày cuối tháng 4, các y bác sĩ Khoa Nhi, BV Bà Rịa vẫn tất bật thăm khám, tiếp nhận bệnh nhi mới nhập viện. Khoa Nhi gần như đã kín chỗ.

Nằm điều trị tại Khoa Nhi, BV Bà Rịa được 4 ngày, đến nay, sức khỏe của bé V.M.K, 6 tháng tuổi, con chị Lê Thị Hiền (TT. Long Hải, huyện Long Điền) đã có tiến triển tốt. Chị Hiền cho biết, 1 tuần trước bé bị sốt, ho nên chị đưa con nhập viện điều trị.

Ngoài bé K., Khoa Nhi BV Bà Rịa còn nhiều bé dưới 5 tuổi đang nằm điều trị. Sau khi nhập viện cấp cứu 1 ngày, bé H.H., 2 tuổi, ở phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ đã hạ sốt và tỉnh táo hơn. Chị Nguyễn Thị Lành, mẹ bé H. lo lắng cho biết, trước đó thấy con bị sốt cao và rối loạn tiêu hóa, chị cho con đi khám tại BV Phú Mỹ. Bé được cho uống thuốc hạ sốt nhưng vẫn không giảm. “Tôi đang lau người cho con thì cháu bị co giật nên phải cho nhập viện cấp cứu. Bé được chẩn đoán viêm thanh quản phổi và đang được các bác sĩ tích cực theo dõi điều trị”, chị Lành nói.

Bác sĩ Võ Văn Đạt, Phó Khoa Nhi, BV Bà Rịa cho biết, những ngày qua, số trẻ đến khám bệnh tăng. Mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 25-30 bệnh nhi nhập viện. Hiện có gần 100 trẻ đang điều trị nội trú và dự kiến số ca bệnh sẽ còn tăng trong những ngày tới. Theo bác sĩ Võ Văn Đạt, hầu hết các trường hợp nhập viện thời gian này đều bị viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Bệnh nhân chủ yếu thuộc lứa tuổi từ 1 tháng tuổi đến 15 tuổi và tập trung nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Cùng với các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thời điểm này, bệnh tay chân miệng cũng gia tăng.

Tương tự, tại BV Vũng Tàu, số trẻ nhập viện thời điểm này cũng tăng cao. Theo thống kê, riêng tháng 3/2021 có 1.113 trẻ đến khám bệnh. Trong đó, 172 trẻ bị nặng phải nhập viện điều trị nội trú, chủ yếu là trẻ bị viêm phổi, viêm họng và tay chân miệng...

Chị Đoàn Thị Mỹ Tiên, ở phường 10, TP. Vũng Tàu có con trai 27 tháng đang nằm điều trị tại BV Vũng Tàu do bị viêm phổi nặng. Chị Tiên cho biết, ban đầu thấy con ho, sốt, chị đưa tới phòng khám gần nhà. Tuy nhiên, buổi tối bé sốt cao và ói liên tục nên chị phải nhập viện cấp cứu. Chị Tiên cho hay: “Thấy con vẫn chơi bình thường, tôi nghĩ con bị sốt siêu vi, nhưng khi tới làm xét nghiệm, bác sĩ thông báo con bị viên phổi nặng, khiến tôi rất lo lắng”.

TĂNG CƯỜNG PHÒNG BỆNH

Trong giai đoạn giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột làm cho virút sinh sôi nảy nở trong môi trường mạnh hơn. Bác sĩ Võ Văn Đạt khuyến cáo, để phòng bệnh hô hấp ở trẻ khi thời tiết chuyển mùa, phụ huynh cần giữ vệ sinh cho trẻ và đeo khẩu trang khi cho trẻ ra ngoài. Hằng ngày, phụ huynh cho trẻ vệ sinh mũi, họng, vệ sinh thân thể, tắm ở phòng kín tránh gió lùa; không cho trẻ ra nắng nhiều.

Ngoài ra, chế độ ăn của trẻ cũng cần được bảo đảm đủ dinh dưỡng, bổ sung rau quả để cung cấp vitamine và khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng. Trẻ cần uống đủ nước, có thể bổ sung thêm nước ép trái cây. Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ đầy đủ, không nên cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh, nhất là uống nước lạnh.

“Tiêm phòng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh cho trẻ. Phụ huynh nên cho con tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm, phế cầu và những bệnh lý theo quy định của Bộ Y tế. Thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, phụ huynh cần đưa đi khám để điều trị”, bác sĩ Đạt khuyến cáo.

Để phòng ngừa các bệnh hô hấp khi giao mùa, nên bổ sung vitamine C hàng ngày. Vitamine C không chỉ giúp ngăn ngừa cảm cúm, hỗ trợ tăng cường sức đề kháng mà còn giúp phục hồi các tế bào bị thương tổn. Ngoài ra, trẻ nên ăn nhiều thực phẩm chứa kẽm như: Thịt nạc, gan heo, lòng đỏ trứng, các loại cá… Những loại thực phẩm này có thể trực tiếp khống chế sự sinh sôi nảy nở của virút cảm cúm, đồng thời tăng cường khả năng đề kháng cho cơ thể.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng lây nhiễm chéo bệnh trong cùng một gia đình. Khi trong gia đình có người bị nhiễm bệnh cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang…

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202104/thoi-tiet-giao-mua-tre-nhap-vien-gia-tang-924051/