Thời tiết giao mùa, nhiều dịch bệnh tăng

Hiện, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội có tình trạng gia tăng một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, tay chân miệng, viêm da… do khí hậu thay đổi. Vì vậy, mỗi người dân nên tự trang bị cho mình những kiến thức phòng bệnh cần thiết.

Các chuyên gia cảnh báo thời tiết giao mùa sẽ tạo điều kiện cho một số dịch bệnh gia tăng. Ảnh: Thu Trang.

Các chuyên gia cảnh báo thời tiết giao mùa sẽ tạo điều kiện cho một số dịch bệnh gia tăng. Ảnh: Thu Trang.

Chưa hạ nhiệt

Thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có khoảng 140.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần.

Tại Hà Nội, nếu như trong tháng 8/2019 ghi nhận từ 200 ca đến 300 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì đến tháng 9/2019, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên từ 400 đến 500 ca/tuần, xuất hiện tại tất cả các quận, huyện, thị xã, song chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết khá đông. Bác sỹ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, nếu như tháng 7, khoa chỉ tiếp nhận 10 ca sốt xuất huyết thì tháng 8 có đến 18 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca nhập viện đã tăng gấp đôi tháng 8.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bác sỹ Trần Kim Anh, Phụ trách Khoa Các bệnh nhiệt đới cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị cho 45 ca mắc sốt xuất huyết. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 445 ca sốt xuất huyết.

Bác sỹ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 8, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận hàng chục trường hợp đến khám sốt xuất huyết, số ca phải nhập viện để điều trị nội trú tăng cao, với 66 bệnh nhân nặng.

Điều đáng nói, không ít trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh khi đã xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như buồn nôn, đau bụng, lơ mơ, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.

Lý giải về điều này, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch sốt xuất huyết đang bước vào thời kỳ cao điểm khi thời tiết mưa, nắng đan xen tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.

Tại một số cơ sở khác như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai…, mùa hè năm nay có nhiều người lớn mắc bệnh thủy đậu, trong khi đây là bệnh của mùa Đông- Xuân và chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ từ 2 tuổi đến 8 tuổi. Tại Khoa Vi rút- Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương hiện đang điều trị cho 4 người trong cùng một gia đình mắc thủy đậu.

Khi thời tiết chuyển từ hè sang thu cũng là thời điểm thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ xuất hiện. Bác sỹ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt trung ương lưu ý, đây là bệnh dễ lây lan với tốc độ chóng mặt nên nhiều gia đình, tất cả các thành viên đều bị đau mắt đỏ.

Đặc biệt, vừa qua nhiều ca bệnh whitmore xuất hiện tại một số tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Yên Bái, Thái Nguyên khiến dư luận thêm hoang mang, lo lắng. Theo lãnh đạo Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2019 Trung tâm đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này; riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca nặng được chuyển đến, trong đó một bệnh nhân bị vi khuẩn ăn mất phần tổ chức mềm của cánh mũi. Bệnh nhân chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Theo các chuyên gia y tế, whitmore hay còn gọi là bệnh melioidosis do trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là qua vết trầy xước nhỏ ngoài da. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, nhưng là bệnh không dễ dàng lây từ người sang người, nên người dân không phải quá lo lắng.

Hơn nữa, việc phòng bệnh cũng đơn giản, chỉ cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, nhất là những nơi bị ô nhiễm nặng. Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời phải sử dụng giày, dép và găng tay khi tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Phòng chống dịch cơ động

Để phòng chống dịch bệnh vào thời điểm giao mùa, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động việc phòng ngừa... Bên cạnh đó, tuân thủ thực hiện theo những hướng dẫn phòng bệnh mà ngành Y tế đưa ra. Với bệnh sốt xuất huyết, việc phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Đối với những bệnh như đau mắt đỏ, tay chân miệng, cần bảo đảm giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, dùng riêng vật dụng cá nhân. Khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, không tự chữa bệnh tại nhà để tránh biến chứng xảy ra. Khi mắc bệnh, người bệnh phải được cách ly, tránh lây lan ra cộng đồng.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế thường xuyên tự đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong đó có việc chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh từ các cửa khẩu quốc tế, tại cộng đồng và cơ sở y tế. Khi phát hiện thấy ca bệnh phải cách ly, khoanh vùng xử lý ngay, không để lây lan.

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố có 5 đội phòng, chống dịch cơ động và mỗi trung tâm y tế cấp quận, huyện, thị xã có từ 1 đến 2 đội phòng, chống dịch cơ động. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, mỗi đội phòng, chống dịch cơ động đều có bác sỹ lâm sàng, bác sỹ dịch tễ, bác sỹ phòng, chống dịch, có lái xe thường trực, có các thiết bị, máy phun tiêu độc, khử trùng trên xe. Khi nhận được thông tin có ca bệnh truyền nhiễm, đội lập tức lên đường, tiếp cận và triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng, điều tra xử lý tại cộng đồng.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, nhất là hành khách đến từ vùng có dịch bệnh. Cụ thể, bố trí máy đo thân nhiệt và lập phòng cách ly tại sân bay để sẵn sàng xử lý các tình huống nghi mắc bệnh.

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, để hạn chế tính lây lan của dịch bệnh, các địa phương cần vận động sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và ý thức tự giác của mỗi người dân.

Ngay tại gia đình, khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm cần báo ngay cho cán bộ y tế tại địa bàn, tuân thủ hướng dẫn cách ly người bệnh. Ở nhà trường, khi có học sinh, cô giáo, nhân viên trường học mắc bệnh phải cách ly, vệ sinh khử khuẩn theo quy định, nhằm giảm thiểu sự hiện diện, lây lan của mầm bệnh.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội:

Trong quá trình kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, nếu phát hiện cá nhân hoặc đơn vị nào cố tình giấu dịch, không tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thoi-tiet-giao-mua-nhieu-dich-benh-tang-112247-112247.html