Thời tiết biến chuyển ra sao trong những tháng tới?

Theo thông tin chia sẻ trong họp báo thường kỳ quý II tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định, năm 2018 tình hình thiên tai, khí tượng diễn biến phức tạp. Dự báo số lượng bão áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng tương đương so với trung bình nhiều năm…

Theo dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2018 khoảng 12 - 14 cơn. Trong đó, khoảng 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Xu thế chung là bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động nhiều nhưng yếu ở Bắc Biển Đông vào đầu mùa, ít nhưng mạnh vào nửa cuối mùa.

Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nhận định về tình hình thời tiết trong năm 2018. Ảnh: Đinh Luyện

Theo ông Lê Thanh Hải, thời điểm tháng 7 và tháng 8 tới đây, các đợt mưa lớn sẽ đổ bộ vào Bắc Bộ. Thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn trung bình các năm trước. Các đợt mưa lớn, trái mùa vẫn có thể xuất hiện ở Bắc Bộ và có nguy cơ cao gây ra lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu thuộc vùng núi phía Bắc.

Trung Bộ có tổng lượng mưa như các năm trước, sau đó có xu thế giảm hơn so với trung bình nhiều năm ở 3 tháng cuối năm. Cao điểm mùa lũ ở Trung Bộ sẽ có lượng mưa ở mức thấp hơn so với 2016, 2017. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, thời điểm kết thúc mùa mưa có khả năng sớm hơn so với trung bình nhiều năm.

Diễn biến mưa bão phức tạp gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Đinh Luyện

Những tháng cuối năm 2018, các vùng biển phía Bắc thường có sóng lớn do chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Tại các tỉnh, thành phố ven biển miền Đông Nam Bộ, trong tháng 12 xuất hiện ngập lụt trong khu vực đô thị do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với nước dâng do gió mùa Đông Bắc. Các thiên tai khí tượng thủy văn khác vẫn có khả năng diễn biến phức tạp, khó lường.

Được biết, nhằm chủ động trong công tác phòng chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân công cụ thể trách nhiệm và sự phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ.

Trong đó chú trọng đến công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Việc dự báo cần phải bảo đảm thường xuyên, liên tục, theo sát diễn biến của thiên tai, tăng cường việc cảnh báo sớm, cung cấp kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; việc nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn cần được tiếp tục thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả;

Việc triển khai hiệu quả công tác phòng, tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các đơn vị thuộc Bộ cần được chủ động; công tác khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra phải kịp thời; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn và các biện pháp phòng, tránh thiên tai đến cộng đồng dân cư để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai cần được đẩy mạnh.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thoi-tiet-bien-chuyen-ra-sao-trong-nhung-thang-toi-76917.html