Thời tiết bất thường, thiệt hại khó lường

Trận mưa đá kéo dài hai ngày 2 và 3/3 tại tỉnh Lai Châu và Yên Bái đã gây nhiều thiệt hại cho người dân. Tại Hà Nội, mưa to kèm gió mạnh kéo dài khiến nhiều tuyến đường nhanh chóng ngập lụt…

Hiện tượng thời tiết đó đã được giới chuyên gia, nhà nghiên cứu về khí tượng thủy văn dự báo khi Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và bị tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.

Mưa đá tại Yên Bái.

Mưa đá tại Yên Bái.

Trận mưa đá kéo dài gần nửa tiếng đồng hồ tối ngày 2/3 đã gây mất điện và thiệt hại đáng kể cho người dân tại hai tỉnh Lai Châu và Yên Bái. Theo phản ảnh của người dân TP Yên Bái, trận mưa bắt đầu từ 19h và kéo dài khoảng 30 phút, khiến nhiều cụm dân cư tại thành phố mất điện. Kích thước các viên đá không quá lớn nhưng rơi xuống với mật độ dày. Mưa đá kèm theo dông lốc lớn khiến một số điểm bị ngập, nhiều cây cối và cột điện bị gãy đổ đè ôtô, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Hiện tượng mưa đá cũng xảy ra tại tỉnh Lai Châu chiều tối ngày 2/3 và sáng ngày 3/3. Cụ thể, vào thời gian trên, trên địa bàn tỉnh Lai Châu bất ngờ xảy ra mưa đá kèm theo dông lốc, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản và hoa màu của nhân dân. Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu cho biết: Vào hồi 17 giờ 40 phút, trên địa bàn huyện Tân Uyên xuất hiện mưa đá kèm theo gió lốc, làm thiệt hại về nhà cửa của khoảng 200 hộ dân, tập trung ở các xã Nậm Sỏ, Nậm Cần, thị trấn Tân Uyên. Mưa đá cũng làm khoảng 50ha chè bị dập nát búp non, 20ha lúa bị thiệt hại 20-30%, 12ha rau màu và chanh leo bị dập nát, gãy ngọn... ước tính thiệt hại ban đầu gần 1,2 tỷ đồng. Tại huyện Phong Thổ, chiều tối 2/2 và 9 giờ sáng 3/3, mưa đá xuất hiện tại 3 xã vùng cao Dào San, Tung Qua Lìn, Mù Sang, làm thiệt hại về nhà cửa và hoa màu của nhân dân, trường học, giao thông đi lại khó khăn. Chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng thống kê thiệt hại và hỗ trợ nhân dân khắc phục. Hồi đầu năm, cả nước cũng đã chứng kiến một trận mưa đá bất thường tại một số tỉnh miền Bắc.

Ông Hoàng Phúc Lâm- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, nguyên nhân của hiện tượng kể trên là do khối không khí lạnh (KKL) từ phía Bắc tràn xuống khá yếu và chỉ gây ra rét trong khoảng 1-2 ngày, sau đó nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng dần. KKL sẽ tiếp tục gây mưa trong đêm và sáng ngày 4/3. Nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này giảm xuống phổ biến từ 14-17 độ C, từ ngày 5/3 mưa giảm và nhiệt độ bắt đầu có xu hướng tăng nhanh. Cũng theo ông Lâm, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã ban hành bản tin nhận định sớm vào chiều thứ 6 (ngày 28/2), trong đó có cảnh báo Bắc Bộ và Hà Nội từ chiều ngày 2/3 đến ngày 4/3 có nguy cơ cao xảy ra giông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. “Đợt rét này không quá mạnh, do vậy nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng nhanh, từ ngày 6/3 nhiệt độ cao nhất trong ngày có khả năng ở mức từ 25-28 độ C, những ngày tiếp theo nhiệt độ tiếp tục tăng nhanh, mỗi ngày tăng từ 2-3 độ. Ngày 8-9/3 nhiệt độ sẽ tăng ở mức từ 29-32 độ C ở Hà Nội, một số nơi ở miền Bắc như phía Tây Bắc Bộ có thể lên tới 33-35 độ C, xuất hiện nắng nóng cục bộ”- ông Lâm nhận định.

Những gì đã diễn ra lúc này là hiện tượng thời tiết rất bất thường đã được giới chuyên gia, nhà nghiên cứu về khí tượng thủy văn dự báo từ trước. Đã có nhiều chuyên gia dự báo, năm 2020 sẽ xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường. Và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và bị tác động nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Tại một cuộc tọa đàm liên quan đến vấn đề này GS. TS Trần Hồng Thái-Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TNMT) đã từng nhận định, những năm gần đây, diễn biến của thiên tai ngày càng khốc liệt, phức tạp, khó lường, khí hậu ngày càng nóng, khô, mưa bão nhiều... Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề liên quan đến thời tiết, khí hậu bất thường như băng giá, mưa đá xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc; hạn hán, ngập mặn và biển xâm thực sâu vào đất liền ở các tỉnh phía Nam là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động nặng nề đến Việt Nam.

Giới chuyên gia cho rằng, với tình hình diễn biến thời tiết phức tạp, bất thường hiện nay, việc dự báo thời tiết đúng và chính xác đóng vai trò quan trọng đòi hỏi việc đầu tư, nâng cao khả năng. Ngành khí tượng thủy văn cần phải đầu tư hơn nữa về công nghệ quan trắc, dự báo nhằm giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thanh Hà

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/thoi-tiet-bat-thuong-thiet-hai-kho-luong-tintuc460552