Thời thanh xuân

Anh đến đều đặn, tuần một lần, điều đó thành cái lệ. Bộ quần áo giản dị nhưng chỉnh tề tôn thêm vẻ chân thành của anh. Một chàng trai làng Đông. Nhận xét một cách khách quan thì anh thật hiền, cần mẫn.

Lúc nào cũng nhẹ nhàng, không vồ vập, chẳng cuồng si. Anh luôn ở tư thế dò xét chờ đợi. Anh nói chuyện thỏ thẻ như con gái. Chuyện diễn ra êm đềm dễ đến một năm trời nhưng tôi chưa một lần rung động trước anh. Chỉ thấy anh thật đáng thương vì có lẽ anh đã ít nhiều đặt hy vọng ở tôi...

Bởi anh không thuộc mẫu người tôi đặt ra cho mình. Từ ngày tôi nghe bà ngoại kể về thời ngày xưa, thời con gái của bà, tôi đã tự nhủ mình sẽ tìm một đối tượng cho thật phù hợp, thật giống với thần tượng. Có vậy mới môn đăng hộ đối.

Minh họa: Đinh Hương

Minh họa: Đinh Hương

Bà bảo thời bà đẹp lắm, thơ lắm. Trai gái xưa yêu nhau không được tự do nhưng đằm thắm và lãng mạn, chân thành và tha thiết chứ chẳng thực dụng, chóng nhớ và mau quên, thay đổi bạn như cơm bữa.

Ngày ấy bà đẹp nhất nhì làng Hà Thao. Biết bao chàng trai muốn chinh phục bà. Họ ăn nói văn hoa, rất hiểu biết và chàng nào cũng phóng khoáng. Trong số những người đi theo tán tỉnh bà, ông Điền là người duy nhất được bà để ý đến.

Ông Điền cao to, sức vóc, đẹp trai, sống mũi cao, mắt sáng, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Ông hát rất hay và chơi đàn điệu nghệ. Ông thường đàn hát cho bà nghe, những bài hát về tình yêu trai gái, về hoa cỏ mùa xuân, hay về những mơ ước dịu dàng êm ái hạnh phúc bên tổ ấm.

Ngày xưa nhà bà có căn gác nhỏ trông ra khu vườn rộng. Mỗi tối thứ Bảy, ông Điền đứng dưới ngước lên huýt sáo. Bà nghe thấy đã luýnh quýnh sửa sang quần áo chuẩn bị đi chơi. Ông Điền am hiểu tâm lý phụ nữ, rằng họ cũng rất lãng mạn và thích được cưng chiều. Bà thường xuyên nhận được những bó hoa tươi lung linh phô sắc.

Đêm về, bà thường hay nằm mơ thấy ông. Ông là người đàn ông ga lăng, che chở chăm sóc bà tận tình. Cuộc sống nơi làng quê của thời xuân sắc bà êm đềm như những nốt đàn ông chơi. Bà tin tưởng ở ông, đến một lúc nào đó chín muồi, bà sẽ vui vẻ đồng ý theo ông, thành một cuộc trầu cau.

- Vậy tại sao bà không lấy ông Điền nữa mà lại lấy ông ngoại bây giờ? Tôi hỏi. Bà cười bảo:

- Do duyên số cháu gái ạ. Có phải ai yêu nhau cũng lấy được nhau đâu. Ông Điền đợt đó phải vào chiến trường, bà ở hậu phương. Vì hoàn cảnh ấy nên các cụ ở quê rất ngại, thêm nữa vì cụ thân sinh hai bên gán gả nên bà đã lấy ông ngoại cháu bây giờ. Bà không được phép chối từ. Lệnh của cụ không ai có thể lay chuyển. Ông ngoại là người mộc mạc, chất phác, không lãng mạn như ông Điền.

Thần tượng của tôi đây ư? Đây chính là ông Điền - một người phong độ đầy chất nghệ sĩ ư? Người đàn ông hào hoa trong cái ngày xưa đẹp đẽ bà kể cho tôi đây ư? Trước mắt tôi là một ông già hom hem, khắc khổ, mái tóc bạc phơ. Tôi đứng buông tay chết lặng hồi lâu, đầu óc choáng váng, cảm thấy vô cùng thất vọng.

Thực tình ngày ấy bà đau khổ lắm, lúc nào cũng có tâm trạng nhớ nhung. Các cụ ngày xưa bảo, người lính ra trận chả biết sống chết ra sao. Trong khi đó con gái có thì.

Ông ngoại có dị tật ở chân và mắt, lại có hai anh là bộ đội nên không phải ra chiến trường. Bà cũng thấy thương ông ngoại. Rồi bà cũng phải chấp nhận theo ý người lớn. Bây giờ thi thoảng ông Điền vẫn đến chơi với bà, mang theo cả vợ ông ấy nữa.

- Bà ơi, nếu ngày xưa bà lấy ông Điền thì chắc bà sẽ hạnh phúc lắm bà nhỉ?

- Biết làm sao được hả cháu. Có thể thời yêu nhau thì đẹp nhưng về sống với nhau rồi thì không hợp nhau nữa. Lại thấy người mình ngưỡng vọng bình thường thôi.

- Nhưng phần lớn lấy được người mình yêu là hạnh phúc phải không bà?

- Ừ, mà sao cháu hỏi cặn kẽ thế?

Tôi nhí nhảnh:

- Cháu đang tìm người như ông Điền thời trẻ mà bà. Bà ủng hộ cháu nhé. Đám con trai ở xóm mình cục cằn quá. Không biết ăn nói gì cả. Lớn rồi mà có người còn vô ý thức, chả giữ gìn vệ sinh thôn xóm.

Bà khuyên:

- Cẩn thận kẻo hết thời con gái mà vẫn chưa tìm được người ưng ý đâu. À Thủy này, bà bảo, cái anh chàng mặc áo bộ đội cũng được đấy cháu ạ.

- Không đâu bà. Anh ấy hiền nhưng khô cứng lắm. Nghe cách nói chuyện thì cháu biết là anh ấy thích cháu. Cháu sẽ tìm một người như thần tượng, như ông Điền ngày xưa của bà cơ. Một người lãng mạn, có học vấn một chút, nói chung là am hiểu nghệ thuật. Đã không lấy chồng thì thôi…

- Chàng trai ở làng Đông cũng được chứ sao. Người như thế có tính tận tụy và thương yêu vợ con.

Tôi ngửa mặt, điệu bộ nheo nheo mắt, ôm cổ bà, nhí nhảnh:

- Bà nghe mẹ cháu nói đúng không ạ? Huhu. Không lấy được người mình thích thì thà ở vậy còn hơn, bà nhỉ? Cái Mong, cái Lệ, cái Nhớ, chúng nó đều đã lấy được người như ý. Nhóm thân nhau chỉ còn cháu, không thể để chúng nó chê cười vì không biết chọn.

- Cha bố cô, đáo để quá! Chắc có ai người ta rước đi cho đấy.

* * *

Bạn bè cũng bảo tôi đã là đứa đứng tuổi rồi, còn mơ mộng viển vông gì ở cái tuổi hăm hai, hăm ba. Mau mà lo cho yên bề đi. Hay nói nhất là Nhớ và Lệ. Tôi chẳng nghe chúng nó, chẳng lo lắng gì cả. Tôi sẽ chờ dịp, trên đời này còn khối người đàn ông lãng mạn, ga lăng, chiều bạn gái. Vội gì phải lấy một chàng khờ khạo, cù lần, quanh năm chỉ biết đến mỗi việc làm ăn, tối mệt lăn ra ngủ. Là con gái cũng có cái giá của mình chứ.

Tôi thường xuyên sang với ngoại hơn, có hôm hai chị em gái sang ngủ cùng ngoại cho ngoại bớt buồn. Khi thì chỉ mình tôi. Ở gần ngoại, tôi thường đòi nghe ngoại kể về thời con gái của ngoại và lúc nào cũng như uống từng lời, không chán. Đôi khi những lời của ngoại ru lòng tôi vào những giấc mơ tưởng tượng êm đềm. Tôi thấy mình hạnh phúc trong những giấc mơ đó. Ôi, tôi sẽ đạt được điều mình mong ước. Một hôm, tôi gợi ý:

- Bà ngoại ơi, cháu muốn gặp ông Điền có được không?

- Cháu gặp để làm gì? Bà hỏi.

- Thì cháu cũng phải được gặp thần tượng của mình chứ.

- Rồi cô sẽ được gặp. Ông Điền thi thoảng vẫn cùng vợ về đây. Chắc cũng sắp thôi cháu ạ.

Tôi mừng thầm. Vậy là sắp được gặp thần tượng rồi. Ông Điền chắc vẫn còn phong độ lắm. Tôi tưởng tượng ra khuôn mặt trắng hồng, mũi cao, mắt sáng, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ của ông. Bao nhiêu năm rồi, có lẽ ông vẫn giữ được dáng vẻ thời trai.

Chàng trai giản dị vẫn âm thầm đến với tôi đều đặn. Những câu chuyện của tôi và anh không quá vồ vập nhưng cũng chẳng quá tẻ nhạt. Nó quá bình thường. Tôi định lựa một lúc nào đó sẽ trả lời anh dứt khoát. Để anh khỏi tốn sức theo đuổi tôi. Để tôi đi theo con đường của mình. Tôi không thể trao đời mình cho một người cứ tẻ nhạt dần trong tim.

Một hôm hai chị em tôi từ chợ về qua bà thì thấy ngoài sân dựng một chiếc xe máy mới. Có tiếng cặp vợ chồng lớn tuổi nói chuyện rôm rả với bà ngoại. Tôi kéo em đi cửa bên, từ từ tiến lại chào.

- Chị em chúng cháu chào ông bà ạ.

- Ừ, hai cháu đấy à? Ông già quay sang chị em tôi. Bà ngoại cười:

- Hai cháu tôi đấy ạ.

- Xinh gái quá đi mất, bà nhỉ? Cả hai đứa đều xinh. Tiếng vị khách lanh lảnh.

Bà ngoại vẫy hai chị em tôi lại gần, đon đả giới thiệu:

- Thủy này, đây là ông bà Điền mà bà đã kể, hôm nay ông bà lên chơi. Thế là được gặp thần tượng của mình rồi nhé! Muốn hỏi chuyện ông thì ngồi xuống đây, dần dần rồi ông Điền nói chuyện.

- À hà. Hai chị em đều xinh - ông Điền vuốt chòm râu bảo: - Ông có thằng cháu nội, nó được lắm. Bố nó làm cho cái cửa hàng ở đầu làng để làm ăn. Cô nào chịu làm cháu dâu ông nào? Chị hay em? Rồi ông bảo bố nó mua cho đôi vợ chồng trẻ cái xe mà chạy. Bố nó chả tiếc gì. Nhà có điều kiện thì chả cho con cái thì cho ai.

Ông Điền khiến máu tự ái của tôi sôi lên. Đã đành là thế, nhưng cách nói của ông như thể đang khoe của và muốn lấy sự giàu có ra để nhử tôi và em gái. Tôi chết chân, thất thần nhìn ông, không chớp mắt.

Thần tượng của tôi đây ư? Đây chính là ông Điền - một người phong độ đầy chất nghệ sĩ ư? Người đàn ông hào hoa trong cái ngày xưa đẹp đẽ bà kể cho tôi đây ư? Trước mắt tôi là một ông già hom hem, khắc khổ, mái tóc bạc phơ. Sao ông lại có thể nói chuyện như thế. Tôi đứng buông tay chết lặng hồi lâu, đầu óc choáng váng, cảm thấy vô cùng thất vọng. Tôi nhận ra sai lầm của mình.

Đã khờ ngốc tưởng tượng và hy vọng vào một điều gì đó không có thực, phù phiếm và viển vông. Tôi đã vô tình không nhận ra sự khắc nghiệt phũ phàng của thời gian. Thời gian có thể làm thay đổi tất cả. Thời gian đẽo gọt thần tượng của tôi đến nông nỗi này sao? Tôi phải tìm bến nào để lòng mình neo lại, để thấy mình còn hy vọng vào những giá trị thật của tình yêu và tuổi trẻ?

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Học

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/355614/thoi-thanh-xuan.html