Thời 'tay bút, tay súng' của phóng viên Thông tấn: Gan dạ chiến đấu

Khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, công nhân viên Thông tấn xã Giải phóng tham gia đội du kích cơ quan cầm súng chiến đấu bảo vệ căn cứ, phương tiện làm việc.

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) trong trận chống càn Junction City (1967). (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng (nay là TTXVN) trong trận chống càn Junction City (1967). (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Khi địch càn vào căn cứ, cán bộ, phóng viên, công nhân viên Thông tấn xã Giải phóng tham gia đội du kích cơ quan cầm súng chiến đấu bảo vệ căn cứ, phương tiện làm việc.

Vừa chiến đấu vừa bảo đảm thông tin liên lạc liên tục với Hà Nội, với các địa phương, các đơn vị chủ lực và các chiến trường trọng điểm do các Tổ phóng viên và điện đài của cơ quan cử đi.

Tham gia bẻ gẫy chiến dịch Junction City

Chiến tranh ác liệt, đòi hỏi mỗi phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng vừa làm nhiệm vụ nhà báo, vừa là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu như những người lính thực thụ.

Từ ngày 2/2-15/3/1967, quân Mỹ mở chiến dịch càn quét lớn nhất ở miền Nam mang tên Junction City với 45.000 quân, hàng ngàn xe tăng, đủ loại pháo hiện đại cùng các loại máy bay phản lực, trực thăng, có sự hỗ trợ của “pháo đài bay” B.52, hòng triệt phá các cơ quan đầu não của Trung ương Cục miền Nam. Quân Mỹ tập trung đánh vào khu căn cứ Trung ương Cục nằm ở hai bên Quốc lộ 22 thuộc vùng Bắc Tây Ninh. Trước sự đánh trả quyết liệt của quân giải phóng, địch đã phải rút lui sau 13 ngày đêm càn quét, bỏ lại chiến trường nhiều xác xe tăng, pháo và máy bay.

Nhà báo Vũ Tiến Cường, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, nhớ lại: "Sau khi nghe đồng chí Trần Ấm – phóng viên chiến trường từ Bộ Chỉ huy tiền phương Quân Giải phóng, cắt đường rừng tức tốc trở về cơ quan báo cáo: Giặc Mỹ đang mở trận càn lớn vào vùng hậu cứ của ta, đồng chí Võ Nhân Lý (Vũ Linh), Giám đốc cơ quan Thông tấn xã Giải phóng hạ lệnh dời cứ. Rời khu vực 'Cây Dầu Dơi,' vượt Trảng 'Cố vấn,' cơ quan đến bám trụ ven Trảng Tranh, canh Phum Cháy. Đây là địa điểm thứ năm mà cơ quan dời đến thiết lập căn cứ qua bao tháng ngày chinh chiến. Đến nơi, các bộ phận điện đài, phóng viên-biên tập tin ảnh, văn thư khẩn trương dựng xây lán trại mới, thiết kế hầm hào, công sự vừa sẵn sàng đánh địch vừa chuẩn bị đón Xuân Đinh Mùi (1967)."

Nhà báo Vũ Tiến Cường xem thông tin thời sự trên báo. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Các thanh niên nam, nữ trẻ khỏe, hăng hái nhiệt tình từ các bộ phận nghiệp vụ được tập hợp thành đội du kích cơ quan. Thủ trưởng cơ quan vừa chỉ đạo tác nghiệp vừa trực tiếp cầm quân chỉ huy chiến đấu. Bom rơi, đạn nổ khói lửa ngút trời trong ngày Tết Nguyên đán cổ truyền. Máy bay giặc gầm rú trên trời, dưới đất, xe tăng Mỹ ào ạt rồ máy đinh tai nhức óc, sục vào các cánh rừng.

Thông tấn xã Giải phóng đã cử một tổ gồm ba phóng viên tin là Nguyễn Văn Đàm, Nguyễn Trọng Linh, Trần Ấm (bút danh Hồng Long) và một phóng viên ảnh là Nguyễn Đặng cùng tổ điện báo do đồng chí Nguyễn Thế Quỳnh làm tổ trưởng đi theo các mũi tiến quân của Quân Giải phóng, kịp thời đưa tin thắng trận của quân và dân ta. Có ngày tổ điện báo lên máy 3 lần vẫn chưa phát hết tin, bài. Trong chiến dịch này, tổ điện báo 15 lần bị địch đánh bom; 2 cán bộ của Thông tấn xã Giải phóng tham gia đánh xe tăng bảo vệ căn cứ đã hy sinh.

Tại căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, đồng chí Ngọc Đặng đã anh dũng hy sinh sau khi bắn cháy hai xe bọc thép của Mỹ (gần Trảng Cố vấn). Sau này, ông đã được truy tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt xe cơ giới."

Nhà báo Vũ Tiến Cường bồi hồi nhắc lại: “Đây là trận chiến đấu ác liệt nhất của đội ngũ những nhà báo - chiến sĩ Thông tấn xã Giải phóng. Trận này, Nhà báo Trần Ngọc Đặng đã hy sinh oanh liệt.”

Phòng truyền thống TTXVN hiện đang lưu giữ tấm bia mộ được đúc trong những năm chiến tranh ác liệt, khắc tên Dũng sĩ diệt cơ giới Trần Ngọc Đặng, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Nhà báo Vũ Tiến Cường là người đã trực tiếp khắc chữ trên tấm bia đặc biệt này.

Tiêu diệt sinh lực địch

Tại chiến trường Khu V vô cùng gian khổ ác liệt, dưới mưa bom bão đạn của những trận rải thảm B52, các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ vẫn kiên cường bám trụ để chụp ảnh, viết tin ghi lại những hình ảnh, sự kiện nóng hổi ở chiến trường, góp phần cổ vũ, động viên kịp thời quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng và các tỉnh khu vực miền Trung-Tây Nguyên anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Những dòng tin, bức ảnh sống động được truyền về Tổng xã đã phản ánh trung thực nhất về sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, những gian khổ, hy sinh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta trên chiến trường Khu V, đó chính là những bằng chứng sống tố cáo với toàn thế giới về tội ác tàn bạo của Mỹ-Ngụy gây ra đối với đồng bào ta.

Nhiều trận đánh thắng địch vang dội có sự tham gia của các nhà báo-chiến sỹ Thông tấn xã Giải phóng khu V đã được ghi vào sổ vàng lịch sử như ngày 20/4/1968, bắn cháy máy bay trinh sát L19 tại cầu Chìm, Trà My; ngày 15/9/1968, bắn diệt 14 tên lính Mỹ xâm lược tại dốc Bình Minh; ngày 10/12/1968, bắn diệt 2 tên lính Mỹ xâm lược ở đồi Dốc Nón; ngày 10/4/1969, bắn diệt 17 tên lính Mỹ xâm lược ở Thôn 4, Trà My…

Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. (Nguồn: TTXVN)

Qua những đợt tham gia chiến dịch, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khen ngợi Thông tấn xã Giải phóng đưa tin “kịp thời, chính xác, góp phần vào chiến thắng.” Đồng chí còn trực tiếp chỉ đạo đưa tin, bài và duyệt tin, bài của phóng viên. Cuối chiến dịch, Thông tấn xã Giải phóng tăng cường thêm các phóng viên để viết các gương điển hình tiên tiến.

Tại mặt trận Thừa Thiên-Huế, phóng viên Nguyễn Đình Báu đã bắt được tên chỉ huy Mỹ trốn chạy. Trong khi làm nhiệm vụ và tham gia chiến đấu, một số phóng viên đã hy sinh anh dũng, đó là các phóng viên Thẩm Đức Hòa, Nguyễn Đình Báu (hy sinh tại mặt trận Thừa Thiên-Huế), Lương Nghĩa Dũng (hy sinh tại Quảng Trị năm 1972 trong khi cùng chiến sỹ xe tăng truy kích địch).

Trong chiến dịch Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 lịch sử, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng có mặt suốt từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau.

Đồng chí Võ Nhân Lý dẫn đầu hơn 10 phóng viên theo các cánh quân tiến về Sài Gòn. Chiến dịch kéo dài nhiều đợt với sự tham gia lớn nhất của lực lượng thông tấn, đây cũng là thời kỳ mất mát về người lớn nhất của cơ quan trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bám sát chiến trường, các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng đã thông tin kịp thời các chiến thắng vang dội của quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968), chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh.”

Thông tin của Thông tấn xã Giải phóng đã nhân lên gấp bội hiệu quả của chiến công, góp phần động viên, cổ vũ toàn quân, toàn dân đập tan mọi âm mưu của kẻ thù, quyết chiến quyết thắng quân xâm lược Mỹ và tay sai.

Trong Chiến dịch Chenla 1 (tháng 8/1970), Chenla 2 (tháng 8/1971), Mỹ và quân đội chính quyền Sài Gòn huy động hàng vạn quân cùng với quân đội của Lon Nol - lực lượng thân Mỹ ở Campuchia, tìm cách bao vây tiêu diệt các cơ quan Trung ương Cục miền Nam, trong đó có Thông tấn xã Giải phóng. Lực lượng tự vệ của Thông tấn xã Giải phóng do Giám đốc Vũ Linh chỉ huy vừa bao vây, vừa gọi hàng toàn bộ một tiểu đoàn lính Lon Nol chốt chặn tại Đầm Be (phía Bắc quốc lộ 7), vừa bảo vệ được căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, vừa tạo điều kiện cho các đơn vị khác triển khai xây dựng căn cứ mới./.

Đọc thêm:

Hoàng Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thoi-tay-but-tay-sung-cua-phong-vien-thong-tan-gan-da-chien-dau/647726.vnp