Thói quen xấu phải điều chỉnh bằng thiết chế pháp luật

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội thu hút hàng triệu người dân tham gia. Tại các sự kiện, cảnh tượng chen lấn, phản cảm đã có chiều hướng giảm, ý thức người dân có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, những hành động văn minh vẫn phụ thuộc nhiều vào công tác tổ chức, hàng rào an ninh được chuẩn bị kỹ lưỡng.

 Du khách chen chân chiêm ngưỡng hoa anh đào tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Ảnh: Thanh Hải

Du khách chen chân chiêm ngưỡng hoa anh đào tại vườn hoa Lý Thái Tổ. Ảnh: Thanh Hải

Tự giác hay ép buộc?
Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội 2019 diễn ra thời gian qua đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng công chúng Thủ đô và du khách quốc tế. Sau 3 lần diễn ra, bên cạnh thành công trong công tác tổ chức, ý thức người có nhiều chuyển biến tích cực. Điều dễ thấy nhất là việc người dân không còn phải chen lấn, hành động ngắt, bẻ hoa được hạn chế. Để có được thành công ấy, ngoài ý thức tự giác của người dân còn phải kể đến sự kiểm soát chặt chẽ của đội ngũ bảo vệ, thanh niên tình nguyện do Ban Tổ chức sắp xếp. Theo Phó trưởng Phòng Quản lý di sản - Sở VH&TT Hà Nội Bùi Hương Thủy - thành viên Ban Tổ chức Lễ hội hoa anh đào: Trong thời gian diễn ra lễ hội, Ban Tổ chức đã sắp xếp, bố trí 600 người chia làm 3 ca gồm Công an, Ban Quản lý Hồ Gươm và đoàn thanh niên thường xuyên trực, nhắc nhở người dân giữ gìn cảnh quan chung. Cũng chính nhờ việc hạn chế tối đa việc ngắt, bẻ hoa, số lượng hơn 200.000 cành hoa anh đào và 100 cây anh đào được mang đến lễ hội vẫn còn trọn vẹn, Ban Tổ chức đã quyết định kéo dài thời gian trưng bày thêm 2 ngày.
Mặc dù vậy, nếu nhìn nhận ở góc độ tính tự giác, giữ gìn cảnh quan chung thì một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn thiếu ý thức. Sáng ngày thứ 2 diễn ra lễ hội (30/3), hàng vạn người dân đã đổ về khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ. Sau một ngày trưng bày, một số cành hoa anh đào bị héo, nhân viên Công ty Công viên cây xanh Hà Nội tiến hành thay thế. Thay vì tạo điều kiện cho nhân viên có không gian để thu gom hoa cũ, một số người dân lại “xin hoa” để mang về nhà. Một nhân viên Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã phải nhắc nhở: “Anh chị xin cũng không mang về được nên đừng cố nài nỉ, nhân viên an ninh chỉ cần nhìn thấy sẽ bắt trả lại. Chúng tôi thu gom hoa cũ về không phải vứt đi mà có quy trình xử lý”.
Cũng tại lễ hội này, Ban Tổ chức lễ hội đã phối hợp với các nghệ nhân kết hàng trăm cành anh đào thành các biểu tượng như Khuê Văn Các (Việt Nam), Núi Phú Sĩ (Nhật Bản), Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc)… Nhiều người mong muốn lưu lại hình ảnh đẹp đã “xả thân” níu, kéo hoặc “thả mình” vào hoa để “selfie” bất chấp sự nhắc nhở quyết liệt của nhân viên an ninh.
Trong Tết Kỷ hợi 2019, TP Hà Nội cũng trang trí hàng triệu bông hoa xung quanh Hồ Gươm, tạo không khí Xuân vui tươi. Nhưng chỉ sau màn bắn pháo hoa đêm giao thừa, hàng loạt chậu hoa khu vực đối diện vườn hoa Lý Thái Tổ bị giẫm đạp. Nhiều chuyên gia văn hóa đã nhìn nhận, một bộ phận người dân vẫn đang hưởng thụ cái đẹp bằng hành vi xấu xí.
Thay đổi thói quen
Ý thức tham gia các hội hoa Xuân, hoa hồng, hoa anh đào đã nhiều lần cho thấy văn hóa ứng xử của một bộ phận người dân Việt Nam hiện đại nói chung và người Thủ đô bị đánh giá là phản cảm, xấu xí. Nhận định về vấn đề này PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm điều tra xã hội học cho rằng, ý thức của người dân chỉ thay đổi khi nó trở thành thói quen, ăn sâu vào ý thức người dân. Tuy nhiên, thói quen của người dân thì không thể điều khiển bằng mệnh lệnh mà cần một quá trình. Vậy, chúng ta chỉ có thể điều chỉnh thói quen bằng thiết chế pháp luật. Đó là minh chứng cho thấy, để ý thức tốt vẫn cần sự hiện diện của hơn 600 công an, Ban Quản lý, thanh niên tình nguyện như trong Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội vừa diễn ra.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ quản lý, hành vi níu, kéo, “xin hoa” cũng không hội tụ đủ tiêu chí, điều kiện để xử lý về mặt pháp luật mà đó chỉ là hành vi không đẹp. Như vậy, nó vẫn nằm trong phạm trù phải nêu gương của những người tham gia lễ hội, đặc biệt là những người lớn tuổi, tấm gương của thế hệ trẻ.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thoi-quen-xau-phai-dieu-chinh-bang-thiet-che-phap-luat-339969.html