Thói quen xấu khiến bạn thường xuyên bị tê chân

Ngồi sai tư thế có thể gây áp lực lên dây thần kinh hoặc giảm lưu lượng máu, dẫn đến tê chân. Đôi khi tình trạng này kéo dài hoặc không rõ nguyên nhân là dấu hiệu bệnh tiềm ẩn.

Tê thường xuyên hoặc cảm giác ngứa ran ở chân và bàn chân có thể là do các bệnh như đa xơ cứng (MS), tiểu đường hoặc đau cơ xơ hóa. Cảm giác này có thể được cảm nhận ở toàn bộ chân, dưới đầu gối hoặc ở các vùng khác nhau của bàn chân.

Bên cạnh đó, một số thói quen như ngồi sai tư thế hoặc lạm dụng rượu bia cũng có thể gây ra tình trạng này.

Nguyên nhân gây tê chân

Theo Medical News Today, thông thường, chân của một người bị tê tạm thời do tư thế của họ. Tuy nhiên, tê bàn chân mạn tính hoặc kéo dài hầu như luôn là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Tư thế sai

Thói quen tư thế gây áp lực lên dây thần kinh hoặc giảm lưu lượng máu ở chi dưới là nguyên nhân phổ biến nhất gây tê chân tạm thời. Nhiều người cho biết bàn chân của họ như bị "ngủ quên" và thuật ngữ y học là chứng dị cảm thoáng qua (tạm thời).

Những thói quen có thể khiến bàn chân và chân bị tê bao gồm vắt chéo chân quá lâu, ngồi hoặc quỳ trong thời gian dài, ngồi xổm, mặc quần, tất hoặc đeo giày quá chật.

 Ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài là thói quen thường gặp khiến bạn dễ bị tê chân. Ảnh: Medicalnewstoday.

Ngồi vắt chéo chân trong thời gian dài là thói quen thường gặp khiến bạn dễ bị tê chân. Ảnh: Medicalnewstoday.

Vết thương

Các chấn thương ở thân, cột sống, hông, chân, mắt cá chân và bàn chân có thể gây áp lực lên các dây thần kinh, khiến chân và bàn chân tê liệt.

Bệnh tiểu đường

Một số người mắc bệnh tiểu đường phát triển loại tổn thương thần kinh được gọi là bệnh thần kinh do tiểu đường. Bệnh này có thể gây tê, ngứa ran và đau ở bàn chân. Nếu nghiêm trọng, nó ảnh hưởng cả 2 chân. Ngoài ra, bàn tay và cánh tay cũng có thể bị tê. Bạn sẽ nhận thấy tình trạng này trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm.

Các vấn đề về lưng và đau thần kinh tọa

Những vấn đề ở lưng dưới, chẳng hạn vỡ hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống, có thể gây chèn ép các dây thần kinh đi đến chân, dẫn đến tê hoặc rối loạn cảm giác.

Đau thần kinh tọa là tên gọi của sự kích thích dây thần kinh tọa chạy từ lưng xuống chân. Nếu dây thần kinh này bị kích thích hoặc bị nén, một người có thể bị tê hoặc ngứa ran ở chân hoặc bàn chân của họ.

Hội chứng đường hầm cổ chân

Hội chứng đường hầm cổ chân xảy ra khi một dây thần kinh chạy dọc xuống phía sau của chân và dọc theo mặt trong của mắt cá chân và bàn chân bị nén, ép hoặc bị tổn thương. Những người bị hội chứng này có xu hướng cảm thấy tê, rát, ngứa ran và đau nhức ở mắt cá chân, gót chân và bàn chân.

Khối u hoặc sự phát triển bất thường khác

Các khối u, u nang, áp xe và khối lành tính (không phải ung thư) có thể gây áp lực lên não, tủy sống hoặc bất kỳ phần nào của chân và bàn chân. Áp lực này có thể hạn chế lưu lượng máu đến vùng này, gây tê.

Sử dụng rượu

Các chất độc trong rượu có thể gây tổn thương dây thần kinh có liên quan đến tê bì, đặc biệt là ở bàn chân. Uống rượu mạn tính hoặc quá nhiều cũng có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh gây tê. Loại tổn thương thần kinh này có liên quan đến việc giảm mức độ vitamin nhóm B, chẳng hạn B1 (thiamine), B9 (folate) và B12, do uống quá nhiều rượu.

Đau cơ xơ hóa

Đây là tình trạng mạn tính hoặc kéo dài, gây ra các cơn đau, nhức và đau trên cơ thể lan rộng. Một số người bị đau cơ xơ hóa cũng bị tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

Hầu hết người bị đau cơ xơ hóa trải qua nhiều triệu chứng bao gồm cứng và đau nhức không rõ lý do, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khi ngủ; kiệt sức mạn tính; các vấn đề về trí nhớ và khó suy nghĩ rõ ràng; hội chứng chân không yên.

Những người mắc tình trạng này đều trải qua các triệu chứng ở hơn một bộ phận của cơ thể trong ít nhất 3 tháng mỗi lần tái phát bệnh.

Tê chân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm như tiểu đường. Ảnh: Footspecialists.

Các biện pháp khắc phục tê chân

Theo Webmd, tê chỉ là một trong nhiều triệu chứng liên quan đến tê tạm thời và mạn tính. Nhiều người bị tê chân, bàn chân có các triệu chứng khác cùng lúc hoặc từng đợt, bao gồm ngứa ran, rát, nhột, ngứa, cảm giác có con gì bò dưới da.

Một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp giảm tê khó chịu ở chân và bàn chân:

- Nghỉ ngơi: Nhiều tình trạng gây tê chân và bàn chân, chẳng hạn áp lực dây thần kinh, cải thiện khi nghỉ ngơi.

- Chườm lạnh hoặc nóng: Nước đá có thể giúp giảm sưng gây áp lực lên dây thần kinh. Người bị tê chân nên chườm lạnh hoặc quấn túi chườm vào chân và bàn chân bị tê trong 15 phút, nhiều lần mỗi ngày.

Đôi khi, nhiệt có thể giúp nới lỏng các cơ bị cứng, đau hoặc căng gây áp lực lên dây thần kinh và gây tê. Tuy nhiên, bạn cần tránh để chân và bàn chân bị tê quá nóng vì điều này có thể hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng viêm, gây đau, tê.

- Xoa bóp chân và bàn chân bị tê giúp cải thiện lưu lượng máu và có thể làm giảm các triệu chứng.

- Tập thể dục: Thiếu vận động phù hợp có thể làm suy yếu tim và mạch máu, giảm khả năng bơm máu đến các chi dưới. Các hoạt động như yoga, pilates và thái cực quyền có thể thúc đẩy lưu lượng máu và giảm viêm hoặc đau mạn tính.

- Tắm muối Epsom: Muối Epsom chứa magiê, hợp chất được biết đến giúp tăng lưu lượng máu và tuần hoàn.

- Ngủ ngon: Nhiều tình trạng mạn tính liên quan đến tê chân và bàn chân sẽ càng trầm trọng hơn khi người bệnh bị thiếu ngủ.

- Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng: Suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu hụt vitamin nhóm B, có thể gây tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê bì. Bổ sung đủ vitamin và các chất dinh dưỡng khác cũng có thể làm giảm viêm và đau mạn tính, vốn có thể gây tê.

Phương Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-quen-xau-khien-ban-thuong-xuyen-bi-te-chan-post1331483.html