Thói quen 'tiền trao – cháo múc' làm khó thanh toán phi tiền mặt

Hơn 80% giao dịch chi tiêu hàng ngày của người dân vẫn chủ yếu bằng tiền mặt dù cả nước đã có gần 94 triệu tài khoản ngân hàng của các cá nhân.

Mặc dù Chính phủ và ngành ngân hàng có nhiều biện pháp thúc đẩy, song thanh toán phi tiền mặt ở nước ta tiến triển khá chậm. Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post) cho hay, chỉ khoảng 30% đơn hàng của Viettel Post là thanh toán không dùng tiền mặt, 70% còn lại là hình thức thanh toán tiền mặt (COD).

“Công ty chúng tôi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt từ năm 2016 nhưng văn hóa “tiền trao cháo múc” đã hình thành quá lâu ở khách hàng, mặc dù chúng tôi đưa ra nhiều hình thức khuyến khích như giảm cước vận chuyển đến 20-30% song sau hơn 4 năm triển khai, tỷ lệ này cũng chỉ mới đạt 30%”, ông Sơn cho hay.

Theo số liệu thống kê của NHNN, thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh thời gian qua. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN trong 6 tháng đầu năm 2020 xử lý khoảng 69,2 triệu giao dịch, với giá trị xấp xỉ 50 triệu tỷ đồng, tăng 14,9% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử đã xử lý gần 498 triệu giao dịch đạt giá trị 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 72,4% về số lượng và tăng 102,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên; đến cuối tháng 6 năm 2020 đã đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019). Đến nay, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 TCCƯDVTT thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019)…

Dù vậy, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cũng thừa nhận, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt của người dân – dù đã giảm- nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt.

Dẫn lại một số liệu được Hiệp hội khảo sát năm ngoái, ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn Phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho biết, có tới 86% người mua vẫn lựa chọn hình thức nhận hàng – trả tiền (COD).

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI:

Mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao. Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) năm 2019, gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng vẫn còn 80% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt. Ở góc độ doanh nghiệp, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam dù đã trở thành nhu cầu tất yếu, nhưng cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân đây có cả vấn đề nhận thức và ý thức. Trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, môi trường pháp lý vẫn còn nhiều trở ngại.

Theo ông Trọng, để thúc đẩy hơn nữa quá trình thanh toán không dùng tiền mặt thì cơ quan quản lý cần có cơ chế chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai. Đồng thời, phải cho cộng đồng thấy được thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi hơn phương thức thanh toán truyền thống ra sao: từ việc đăng ký sử dụng tới khâu ứng dụng, mức độ bảo mật, chi phí...; Cơ quan nhà nước phải là đơn vị đi đầu triển khai ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào các dịch vụ công.

Với quá trình chuyển đổi số, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự vào cuộc quyết liệt mới tạo được khí thế và xu hướng của cộng đồng. Với cơ quan quản lý, ông Trọng bày tỏ mong muốn phải có cơ chế chính sách về thanh toán có tính tương đồng với thực tiễn.

Về phía nhà cung cấp, các đơn vị cung cấp giải pháp hay trung gian thanh toán cần có sự liên kết với nhau để đồng nhất giúp người dùng dễ dàng sử dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần có một số giải pháp công nghệ thanh toán mới (Smart POS, NFC,...).

Về phía doanh nghiệp dùng dịch vụ, theo ông Trọng hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đang quá nhiều, nhưng lại không đồng bộ với nhau dẫn tới lãng phí trong việc mở rộng thị trường và bối rối cho người sử dụng lựa chọn kênh thanh toán. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán nên tích hợp đồng bộ với nhau để tiết kiệm nguồn lực phủ thị trường về dịch vụ.

Điều quan trọng nhất để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo lãnh đạo nhiều ngân hàng là phải đưa ra những chính sách có lợi cho người dùng, đặc biệt là doanh nghiệp. Đồng thời, phải từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Đương nhiên, để làm được điều này, cần phải trang bị kỹ năng cho người tiêu dùng tránh bị lợi dụng, lừa đảo khi mua sắm trực tuyến, tạo niềm tin cho người dân khi thanh toán điện tử. Hiện nay, nhiều người e ngại thanh toán phi tiền mặt ngoài thói quen còn bởi lo ngại về mức độ an toàn, bảo mật thông tin.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thoi-quen-tien-trao--chao-muc-lam-kho-thanh-toan-phi-tien-mat-d128442.html