Thói quen thăm người ốm tại bệnh viện: Duy trì hay bỏ?

Khi tôi đề cập tới vấn đề này, PGS.TS. BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, nói: 'Cần từ bỏ'. Theo TS Nguyễn Hoàng Bắc, trước hành động đi thăm người bệnh đang nằm trong bệnh viện, sẽ có câu hỏi: 'Thăm bệnh để làm gì? Giải quyết được vấn đề gì?'.

 Thăm người ốm tại bệnh viện đôi khi không tốt cho cả bệnh nhân và người đến thăm. Ảnh minh họa: ST

Thăm người ốm tại bệnh viện đôi khi không tốt cho cả bệnh nhân và người đến thăm. Ảnh minh họa: ST

Thông thường, thăm bệnh giải quyết 2 nhu cầu. Thứ nhất đáp ứng tình cảm của người bệnh. Khi người bệnh ở trong tình cảnh đau ốm, sẽ dễ có tâm lý cô đơn, cô độc, muốn người khác chăm sóc. Việc có nhiều người quen biết tới lui hỏi thăm, thể hiện sự quan tâm lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng có người bệnh hoàn toàn không muốn để người khác thấy bản thân đang ở cảnh yếu đuối, hình thức không chỉn chu, sức khỏe xuống dốc, nhưng vì người khác không hiểu được tâm lý này nên chủ thể cũng khó nói để người khác "đừng quan tâm" nữa. Thứ hai người đi thăm nhân danh sự quan tâm ấy, hoàn cảnh bệnh tật ấy để gần gũi, tạo ấn tượng, có lợi cho mối quan hệ cá nhân.

"Người bệnh cần nghỉ ngơi và dành thời gian cho nhân viên y tế chăm sóc nên chúng ta nên tôn trọng sự riêng tư ấy. Tôi đã chứng kiến nhiều người muốn giấu bệnh, không muốn người khác biết mình bị bệnh, hoặc họ không có tình cảm, không thích chính người đến thăm. Chứ không phải ai cũng sẵn sàng muốn đón khách. Nhưng về tâm lý, dù đang bị bệnh mà có người tới thăm mình thì vẫn phải vui vẻ hay miễn cưỡng tiếp. Tại sao khi ở khách sạn, một người khách đến thì tiếp tân phải hỏi khách có đồng ý tiếp không thì mới kết nối. Còn ở bệnh viện thì người bệnh không được bảo vệ quyền riêng tư, quyền nghỉ ngơi?!", PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc cho biết.

Rất nhiều chuyên gia y tế khác cũng đều đưa ra ý kiến cá nhân, cho biết không nên duy trì thói quen tới thăm người bệnh. Có những người tới thăm, ngoài việc hỏi han bệnh tình còn nhiệt tình tư vấn các bài thuốc "nghe nói" rất cảm tính khiến bệnh nhân có thể hoang mang, không tập trung vào các phương cách chữa trị của bệnh viện. Thậm chí người bệnh tự ý ngưng uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, để uống các bài thuốc "nghe nói" kia, bỏ qua thời gian vàng chữa trị, dẫn tới nguy hiểm cho bệnh nhân. Sau đó, họ lại chống chế rằng, vì "có bệnh thì vái tứ phương" nên ai mách phương thức chữa bệnh gì cũng thực hiện theo.

Ảnh minh họa

ThS.BS Trương Thanh Thiết, khoa Ngoại - Lồng ngực, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cơ sở y tế công chuyên chữa bệnh lao, phổi, cho biết, không chỉ người bệnh bị "làm phiền" bởi những người tới thăm bệnh, nhân viên y tế cũng bị làm phiền mà những người tới thăm bệnh còn mang môi trường nhiễm khuẩn bên ngoài vào bệnh viện, hoàn toàn không có lợi cho người bệnh cần thăm và những người bệnh khác. "Đặc biệt là trong môi trường lây nhiễm như khoa nhiễm hay mùa dịch bệnh như Covid-19 như hiện nay, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cũng không cho khách tới thăm bệnh", BS Thiết cho biết.

Tại sao khi ở khách sạn, một người khách đến thì tiếp tân phải hỏi khách có đồng ý tiếp không thì mới kết nối. Còn ở bệnh viện thì người bệnh không được bảo vệ quyền riêng tư, quyền nghỉ ngơi?

PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM

Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều người khách hồn nhiên và nhiệt tình quá mức khi đi thăm người bệnh. Có nhiều người tranh thủ dắt con vô bệnh viện để thăm ba của bạn vừa kết thúc 1 ca đại phẫu. Có nhiều người còn đưa cả ba mẹ già vào thăm người thân, chỉ vì lần trước ông bà nằm viện, người đó cũng tới thăm. Họ không khi nào suy nghĩ rằng, chính bản thân họ khi vào môi trường bệnh viện cũng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm. Trẻ nhỏ và người lớn tuổi thì nguy cơ này lại càng tăng cao.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc còn đưa ra các hệ lụy xã hội khác: "Đôi khi chỉ có 1 người nằm viện mà tới 20 người, tạo thành 1 đoàn tới thăm. Điều này gây quá tải trong bệnh viện. Thậm chí còn có bệnh nhân nhiều đoàn thăm trong 1 ngày, lối đi, thang máy đều quá tải nặng nề. Điều này lại gián tiếp tăng chi phí cho bệnh viện, cho xã hội, cho giao thông. Thử nghĩ xem, trên cả nước mỗi ngày có bao nhiêu người nằm viện, và bao nhiêu người sẽ tới thăm bệnh?".

Có thầy giáo dạy môn Lịch sử vừa viết trên trang cá nhân, bàn luận về việc này. Thầy kể vừa rồi, ở bộ môn có thầy giáo bị ốm nằm bệnh viện mấy hôm. "Mượn cớ đang dịch bệnh, tôi đã đề nghị công đoàn tổ chức thăm hỏi online. Nói chuyện hỏi thăm qua mail, chat, quà thăm hỏi của công đoàn và cá nhân thì chuyển khoản. Khỏe re! Người ốm cũng thấy ấm lòng vì được quan tâm. Bác sĩ, y tá, bệnh nhân cùng phòng không bị làm phiền. Người thăm hỏi không vất vả đi lại, không lo nguy cơ lây nhiễm chéo. Theo tôi, đây là một "mô hình" cần được nhân rộng kể cả sau Covid-19", thầy giáo chia sẻ suy nghĩ trên mạng xã hội.

BS.CK2 Trần Như Hưng Việt, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực mạch máu - bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM, cho biết, nên dừng thói quen đi thăm người bệnh mang tính chất xã giao. Tùy theo mối quan hệ thân thiết và hoàn cảnh tâm lý bệnh nhân, nếu là người nhà và bệnh tình chuyển biến tốt, sẵn sàng đón khách thì khi người bệnh xuất viện có thể ghé thăm trò chuyện. Còn nếu không, có thể thể hiện sự quan tâm khác, gián tiếp mà vẫn chân tình.

Thói quen đi thăm người bệnh đã được hình thành trong suy nghĩ, xuất phát bắt nguồn cũng từ tình cảm, sự sẻ chia, niềm thông cảm trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong xã hội văn minh, chúng ta nên cân nhắc về việc đi thăm người bệnh. Từ bỏ thói quen đã ăn sâu vào trong suy nghĩ, thời gian này chính là cơ hội do dịch bệnh Covid-19. Nhưng khi dịch bệnh đã được đẩy lùi do sự xuất hiện của vaccine và các loại thuốc kháng virus thế hệ mới, thì cũng không nên duy trì thói quen tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và mang lại nhiều hệ lụy này.

Uyển chuyển trong cuộc sống là cách vận hành của xã hội tiến bộ. Và sự thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân sẽ khiến cuộc sống được hoàn thiện và toàn vẹn hơn.

Đinh Thu Hiền

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thoi-quen-tham-nguoi-om-tai-benh-vien-duy-tri-hay-bo-20200813174800771.htm