Thôi quên đi mình từng mơ mộng

'Đồng thoại' là bài thơ của Trần Lê Sơn Ý. Bài thơ như một lời nhắn nhủ về những mộng mơ từng đến trong đời.

Như những con bướm vàng chẳng bao giờ đợi nổi nắng tháng ba

Tôi chỉ thấy quanh mình hoa mùa xuân và cỏ mật

Thôi ước làm chi một đời bất tận

Chỉ mong một ngày biết nắng tháng tư

***

Chẳng bao giờ tôi dám ước mơ

Được một lần sống trong đời nhau sống hết

Chỉ xin làm con phù du đơn độc

Một lần bay chạm mặt bình minh

***

Tôi đã hát những đêm đông xám buốt, những trưa vàng

Hát trên đầu ngọn sóng, hát dưới đồi sỏi xanh

Hát bằng nỗi sợ hãi của chú ve

Dưới sân khấu chỉ có mùa hè mặc áo đen làm thính giả

***

Chỉ giản đơn thôi

mà bị phạt thành những đám mây không mang nổi chính mình

lang thang cuối bể đầu sông

Để khi nhẹ nhàng chạm đất

Là cơn mưa trọn đời không nhớ nổi tiền thân

Lời bình

Bài thơ Đồng thoại của Trần Lê Sơn Ý gợi lên suy tư về thân phận con người - một kẻ giàu mơ mộng nhưng đã đôi lần chạm mặt những “hình phạt” của cuộc đời.

Kẻ mộng mơ mang hình hài của con bướm vàng không đợi nổi tháng ba, của hoa mùa xuân và cỏ mật, của những hi vọng phía bình minh. Thế nhưng, mộng mơ trả về những đắn đo, sợ hãi.

Kẻ mộng mơ không dám ước mơ là một thức nhận có phần bi đát khi cuộc đời va đập vào những thực tại đầy giới hạn. Chẳng có gì bất tận, chẳng thể sống hết đời nhau trong khoảnh khắc, dẫu vậy, vẫn phải hát lên trong niềm cô đơn của chú ve mùa hạ.

Đám mây không mang nổi chính mình là một hình ảnh ám gợi về mộng mơ và sự thất bại của mộng mơ. Cơn mưa không nhớ nổi tiền thân hay hạt nước sa giữa cuộc đời quên đi mình đã từng mơ mộng?

Trần Lê Sơn Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-quen-di-minh-tung-mo-mong-post1211658.html