Thói quen chi tiêu của giới siêu giàu tiết lộ đồng tiền tham nhũng

Một nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) đã tìm thấy hơn 300 tỷ bảng Anh được chuyển qua các ngân hàng, công ty luật và kế toán của Anh trước khi chi cho chiếc nhẫn kim cương Cartier trị giá 1 triệu bảng Anh, kiệt tác nghệ thuật từ Sothotti, và áo khoác da cá sấu Tom Ford với túi xách da cá sấu trị giá 50.000 bảng từ cửa hàng Harrods ở London.

Trong phân tích hơn 400 vụ hối lộ, tham nhũng và rửa tiền toàn cầu ở 116 quốc gia, một báo cáo từ tổ chức Minh bạch Quốc tế tiết lộ, 582 công ty hoặc cá nhân ở Anh đã giúp những người giàu mang "nguồn tiền nghi ngờ" vào nước này.

Số tiền này được trả thông qua khoảng 17.000 "công ty vỏ bọc" (hay còn gọi là "công ty ma") - trong đó có 1.455 công ty được đăng ký tại cùng một văn phòng dịch vụ phía trên một quán rượu ở Birmingham.

Nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã phân tích 400 vụ rửa tiền và tham nhũng.

Nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã phân tích 400 vụ rửa tiền và tham nhũng.

Thông thường, người đăng kí các công ty ma thường chọn những "thiên đường thuế" như Panama và Bahamas do điều kiện mở doanh nghiệp dễ dàng. Duncan Hames, Giám đốc chính sách của Transparency International UK (Tổ chức Minh bạch Quốc tế Anh) cho biết: "Từ lâu, chúng tôi đã biết rằng các dịch vụ đẳng cấp thế giới của Anh đã thu hút một loạt khách hàng, bao gồm cả những người có tiền và quá khứ để che giấu. Bây giờ, lần đầu tiên, chúng ta đã làm sáng tỏ những công ty này là ai và họ đã vướng vào một số vụ bê bối tham nhũng lớn nhất trong thời đại chúng ta như thế nào. Điều này sẽ là lời cảnh tỉnh cho chính phủ và các cơ quan quản lý để đưa ra những cải cách rất cần thiết cho hệ thống phòng thủ của Anh chống lại tiền bẩn".

Trong một trường hợp, Vlad Luca Filat - con trai nay 22 tuổi của Vlad Filat, cựu Thủ tướng Moldova - theo học ngành kinh doanh Đại học City ở London. Một cuộc điều tra của Cơ quan chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho thấy lối sống xa hoa của Vlad Luca Filat trong thành phố London - bao gồm thuê một căn hộ penthouse với giá 1.000 bảng mỗi ngày và sở hữu siêu xe SUV Bentley Bentayga trị giá 200.000 bảng - được tài trợ bởi các khoản tiền gửi lớn từ các công ty nước ngoài, bao gồm cả ở Quần đảo Cayman và Thổ Nhĩ Kỳ.

Số tiền mặt lớn được trả qua 3 tài khoản ngân hàng HSBC, bao gồm 98.000 bảng trong một khoảng thời gian 3 ngày. Các bài đăng trên Facebook cho thấy Vlad Luca Filat uống Dom Perignon tại các bữa tiệc trên bãi biển ở St Tropez.

Đối với những đứa trẻ có thể không đủ thông minh để vào các trường hoặc trường đại học hàng đầu nhờ thành tích học tập, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng hơn 300.000 bảng đã được chi cho các chuyên gia tư vấn giáo dục giúp đỡ để đảm bảo các vị trí tại các tổ chức uy tín nhất.

Các khoản phí lớn đã được trả cho một nhà tư vấn giáo dục từ các quỹ liên quan đến chương trình rửa tiền quy mô toàn cầu có tên Troika Laundromat (dính líu đến ít nhất 75 công ty ma trên khắp thế giới) giúp phụ huynh có được chỗ cho con em mình vào các trường tư thục hàng đầu.

Luca Filat (phải), con trai của cựu thủ tướng Moldova, Vlad Filat, tiệc tùng tại một hồ bơi ở St Tropez.

Daniel Bruce, Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Anh cho biết: "Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật đã có những tiến bộ thực sự trong những năm gần đây để giảm bớt những nơi để các cá nhân tham nhũng ẩn náu, nhưng những phát hiện của chúng tôi khẳng định rằng vẫn còn quá dễ dàng đối với tội phạm và tham nhũng để tìm kiếm sự không bị trừng phạt với sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp Anh.

Bất chấp sự cống hiến của các chuyên gia trong cuộc chiến chống tham nhũng, vẫn còn quá nhiều hành vi xấu. Các doanh nghiệp và chính phủ nên nhân đôi nỗ lực của họ, thông qua tài nguyên và ý chí, để loại bỏ các bàn tay chìa ra giúp đỡ cho những người đã lạm dụng các vị trí quyền lực để tham nhũng".

Trong khi Tổ chức Minh bạch Quốc tế kêu gọi đại tu chế độ giám sát chống rửa tiền của Anh, các chuyên gia về tài chính bất hợp pháp nói rằng điều đó cũng sẽ khó kiềm chế dòng tiền bất hợp pháp. Anast Nesvetailova, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế Đại học City ở London, bình luận: "London là điểm đến cuối cùng cho sự giàu có bất hợp pháp".

Duy Ân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/thoi-quen-chi-tieu-cua-gioi-sieu-giau-tiet-lo-dong-tien-tham-nhung-569893/