Thời nào của nước ta 'ngủ đêm không phải đóng cửa'?

Đây là thời kỳ thịnh trị trong lịch sử phong kiến nước ta. Nạn trộm cắp gần như bị đẩy lùi, xã hội ổn định, người dân 'ngủ đêm không phải đóng cửa'.

Câu 1. Vua triều Lý nào vì ham ăn chơi để đất nước khánh kiệt, “giặc cướp nổi lên như ong”?

Lý Thần Tông
Lý Cao Tông
Lý Huệ Tông
Lý Chiêu Hoàng

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Cao Tông (1173-1210) là vị hoàng đế thứ 7 của triều Lý. Lên ngôi khi còn rất trẻ, vua ham mê chơi bời, đất nước suy yếu, "giặc cướp nổi lên như như ong". Khi nhận ra, vua đã xuống chiếu xin lỗi nhân dân, hứa sẽ sửa đổi, nhưng nhà Lý ngày càng suy yếu, dẫn đến sụp đổ năm 1225.

Câu 2. Triều Trần bắt đầu suy yếu từ thời trị vì của vua nào?

Trần Anh Tông
Trần Minh Tông
Trần Dụ Tông
Trần Hiến Tông

Trần Dụ Tông là hoàng đế thứ 7 của nhà Trần, trị vì đất nước từ 1341-1369. Sinh thời, Trần Dụ Tông là vị vua ăn chơi. Sứ thần phương Bắc cũng khẳng định về độ ăn chơi của Dụ Tông rằng "vua phương Bắc cũng không bằng”. Triều Trần, từ thời trị vì của ông, bắt đầu suy yếu.

Câu 3. Nước ta thời trị vì của vua nào “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”?

Trần Nhân Tông
Trần Anh Tông
Lê Thái Tông
Lê Thánh Tông

Dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460-1497) của nhà Hậu Lê, chế độ phong kiến phát triển cực thịnh, trong xã hội lúc bấy giờ “ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa”.

Câu 4. Thời kỳ trị vì của vị vua nào “thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”?

Lê Thái Tổ
Lê Thái Tông
Lê Nhân Tông
Cả A và B

Chế độ phong kiến nước ta trong buổi đầu của nhà Hậu Lê rất thịnh trị. Nói về thời kỳ này, dân gian vẫn thường có câu ca dao “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông / Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”. Thái Tổ, Thái Tông ở đây chính là vua Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông của nhà Hậu Lê.

Câu 5. Thời kỳ trị vì của vua nào có 7 tên tái phạm tội ăn trộm suýt bị tử hình?

Lý Thái Tông
Trần Thái Tông
Lê Thái Tông
Mạc Thái Tông

Theo Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, năm 1434, dưới thời vua Lê Thái Tông "có bảy tên cùng tái phạm tội ăn trộm, tất cả đều đáng bị tử hình. Bọn Lê Sát và Lê Ngân lấy làm khó nghĩ vì phải giết một lúc quá nhiều người". Nguyễn Trãi khuyên vua nên dùng nhân đức trị dân. Để răn đe và thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, trong số 7 tên, 2 tên trộm bị xử tử hình, số còn lại bị đem đi lưu đày.

Câu 6. Nhà Hậu Lê bắt đầu suy yếu từ thời vua nào?

Lê Uy Mục
Lê Tương Dực
Lê Thần Tông
Lê Trang Tông

Sau khi vua Lê Túc Tông qua đời không có con nối dõi, người anh thứ hai là Lê Tuấn, tức Lê Uy Mục, lên ngôi. Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua nghiện rượu, hoang dâm, thích ra oai, tàn hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại hoành hành, trăm họ oán giận, điềm loạn đã xuất hiện từ đấy".

Câu 7. Thời kỳ trị vì của vua nào triều Mạc được đánh giá thịnh trị nhất của triều đại này?

Mạc Cao Tông
Mạc Thái Tông
Mạc Hiến Tông
Mạc Tuyên Tông

Trong thời kỳ nhà Mạc nắm quyền (1527-1592), thời kỳ thịnh trị nhất là khi vua Mạc Thái Tông (1530-1540), đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định, không gây những xáo trộn. Theo sử sách, thời Mạc không có một cuộc khởi nghĩa nông dân, phần nào cho thấy nhà Mạc được lòng dân.

Câu 8. Dưới thời trị vì của vị vua nào, lãnh thổ nước ta được mở rộng nhất so với các giai đoạn trước?

Gia Long
Minh Mạng
Thiệu Trị
Tự Đức

Dưới thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn (1820-1841), lãnh thổ nước ta được mở rộng từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau. Đại Nam bấy giờ là một quốc gia rộng lớn, hùng mạnh, các nước lân bang đều phải nể trọng.

Thói ăn chơi của vua Lý Cao Tông

Sau thời gian dài thịnh trị, nhà Lý dưới thời Lý Cao Tông bắt đầu suy yếu trầm trọng, giặc cướp nổi lên như ong.

Nguyễn Thanh Điệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thoi-nao-cua-nuoc-ta-ngu-dem-khong-phai-dong-cua-post845963.html