'Thời kỳ thắt lưng buộc bụng' đã kết thúc bất chấp kết quả Brexit?

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond vừa đưa ra tuyên bố 'thời kỳ thắt lưng buộc bụng đã sắp đi tới hồi kết' trong khi vạch ra khoản chi tiêu công mới. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các kế hoạch tài chính có thể sẽ thay đổi nếu Anh không thể đi đến một thỏa thuận trong việc rút khỏi khối EU theo dự tính.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tỏ ra lạc quan khi rời trụ sở Bộ Tài chính tại số 11 phố Downing

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tỏ ra lạc quan khi rời trụ sở Bộ Tài chính tại số 11 phố Downing

Đây được xem là công bố mang tính khả quan trong khi vào 2 tuần trước một hội nghị lớn của EU có sự góp mặt của Thủ tướng May vẫn chưa đưa ra được kế hoạch cụ thể nào về việc rời liên minh của Anh.

Lời hứa từ các khoản thuế

Phát biểu về kế hoạch ngân sách cuối cùng trước khi Anh rời khỏi khối EU theo lịch trình dự định là tháng 3/2019, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond tuyên bố sẽ áp đặt khoản thuế mới lên những “gã khổng lồ” trong ngành kỹ thuật số đa quốc gia lâu nay đã và đang bị chỉ trích nhiều vì chỉ phải trả rất ít thuế ở nhiều nước châu Âu.

Nhưng thông điệp chính trị lớn mà ông truyền tải là một lời hứa sẽ kết thúc thời kỳ thắt lưng buộc bụng qua việc tăng chi tiêu vào dịch vụ công như: Y tế, giáo dục, quốc phòng và thậm chí cả cho việc sửa chữa ổ gà trên các đường cao tốc. Số tiền nhân viên có thể kiếm được trước khi phải nộp thuế thu nhập cũng sẽ được nâng lên, qua đó tăng thu nhập khả chi.

Tuy nhiên, các chính sách mới của Anh vẫn bị lu mờ trước sự kiện Brexit. Các cuộc đàm phán về nó tại Brussels vẫn tiếp tục bị đình trệ và nếu không đi được tới một thỏa thuận, Anh sẽ phải đối mặt với khởi đầu “đầy chông gai” trong tháng 3 tới có thể khiến các cảng bị tắc nghẽn và phá vỡ chuỗi cung ứng khi chính thức rời khỏi khối EU. Các khoản đầu tư đã giảm trong thời gian gần đây khi nhiều công ty trì hoãn hoặc hủy bỏ các quyết định trước một kịch bản hậu Brexit không rõ ràng.

Tại phiên họp với các nhà lập pháp vừa qua, ông Hammond đã trao đổi rằng nếu Anh có thể đạt được thỏa thuận chung với khối EU, “lợi tức Brexit kép” sẽ đến khi thị trường ổn định trở lại và chính phủ có thể sử dụng tới khoản tiền dự phòng cho kịch bản tồi tệ nhất diễn trong tháng 3 năm tới nếu không đi được đến thỏa thuận chung.

Nhưng kế hoạch tài chính của ông Hammond thường dựa trên giả định rằng, Anh sẽ đàm phán để đạt được kiểu ly khai mà ông đặt hy vọng từ EU. Những người ủng hộ một Brexit dứt khoát trong Đảng bảo thủ của ông Hammond muốn ly khai một cách hoàn toàn khỏi khối và có một số còn đe dọa sẽ bỏ phiếu chống lại bất cứ thỏa thuận Brexit nào mà Anh vẫn còn liên kết quá chặt chẽ với EU. Vì vậy, phát biểu của vị Bộ trưởng Tài chính trong lúc này sẽ được nhìn nhận như là một lời nhắc nhở tới họ về những hậu quả kinh tế - chính trị của bất cứ động thái nào đem tới rủi ro cho cuộc ly khai có trật tự rõ ràng khỏi khối theo kế hoạch mà Bộ Tài chính do ông đứng đầu vạch ra.

Xoa dịu sự “mệt mỏi” của người dân

Trên thực tế, các quan chức đều biết người dân Anh đã quá mệt mỏi sau nhiều năm bị cắt giảm các dịch vụ công cộng quan trọng trong thời kỳ đất nước tìm cách ổn định tài chính sau cơn khủng hoảng toàn cầu. Quả là vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng các phiếu bầu ủng hộ Brexit một phần là sự phản ứng của người dân đối với chính sách thắt lưng buộc bụng, đặc biệt là những người ở các khu vực của đất nước không được hưởng lợi từ sự toàn cầu hóa.

Các nhà phê bình cho rằng, ông Hammond vẫn không có kế hoạch chủ động trong việc lật ngược các chính sách tiết kiệm trên và một số cắt giảm sẽ tiếp tục duy trì, đặc biệt là chi phí đầu tư. “Thời kỳ tiết kiệm vẫn chưa kết thúc” - Jeremy Corbyn, người đứng đầu đảng Lao động đối lập phát biểu và nói thêm rằng tình trạng này đã gây ra “khó khăn thực sự tới hàng triệu người lao động bình dân”.

Mặc dù nền kinh tế Anh đã bị chậm lại, nó vẫn đang phát triển và Hammond vẫn còn chỗ để vận động vì các loại thuế đã nâng cao hơn mức dự đoán. Điều đó cho phép ông biến những cam kết của Thủ tướng Theresa May thành hiện thực, người đã hứa sẽ gia tăng đáng kể chi tiêu để giảm thiểu áp lực đang đè lên dịch vụ y tế quốc gia của Anh.

Ông cho biết, thâm hụt ngân sách sẽ ít hơn 1,4% tổng ngân sách trong năm tới, với khoản vay năm nay là 11,6 tỷ bảng Anh, tương đương với 14,7 tỉ USD, thấp hơn so với dự đoán vào đầu mùa xuân năm nay. Dự đoán tăng trưởng trong năm tới đã tăng lên là 1,6% so với con số trước đó là 1,3%.

Nhưng nhìn tổng thể tình cảnh vẫn chưa hề thực sự tươi sáng. Nợ vẫn cao, bằng khoảng 84% tổng sản phẩm quốc nội trong khi nợ trong năm 2001 rơi vào khoảng 34% và tăng trưởng năng suất vẫn rất thấp.

Bên cạnh các khoản thuế, ông Hammond cũng hứa về một khoản thuế đối với một số bao bì nhựa và đầu tư hiện đại hóa vào sân bay Heathrow ở London. Một trong những thông báo lớn nhất là kế hoạch cho thuế dịch vụ kỹ thuật số mới nhắm vào các công ty công nghệ lớn đang phải đóng rất ít thuế ở Anh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/thoi-ky-that-lung-buoc-bung-da-ket-thuc-bat-chap-ket-qua-brexit-3961172-b.html