Thời kỳ lãi suất đồng loạt xuống mức âm tại châu Á đang dần đến

Nhiều chuyên gia kinh tế đang cảnh báo nếu xu thế lãi suất âm tiếp diễn và tiếp tục lan rộng, nó sẽ gây tổn hại đến hệ thống tài chính và nền kinh tế thực.

Ảnh: AP

Nhà đầu tư và chuyên gia quản lý quỹ trên khắp thế giới đang phải đương đầu với một hiện tượng mới: Làn sóng nợ lợi suất âm đang lan dần.

Theo tính toán của Nikkei, giá trị lượng trái phiếu có lợi suất âm đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay lên mức khoảng 17 nghìn tỷ USD.

Nhà đầu tư đang mua gom những loại nợ này dù rằng họ biết thừa rằng chắc chắn họ sẽ lỗ nếu họ nắm số trái phiếu đó cho đến khi nó đáo hạn, họ kỳ vọng vào khả năng họ sẽ kiếm được tiền nếu giá trái phiếu tăng.

Hiện đang xuất hiện ngày một nhiều đồn đoán rằng Ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vốn đã quá lỏng lẻo nhằm ứng phó với việc kinh tế nhiều nước suy thoái.

Tại châu Âu, một ngân hàng thậm chí còn đang cho người mua nhà vay thế chấp với lãi suất âm, như vậy cũng đồng nghĩa với việc họ đang trả tiền cho khách hàng để khách hàng vay tiền. Điều này không khỏi khiến cho tạo ra tình trạng bong bóng tài sản tại khu vực, theo đồn đoán của nhiều người.

Nhiều chuyên gia kinh tế đang cảnh báo nếu xu thế lãi suất âm tiếp diễn và tiếp tục lan rộng, nó sẽ gây tổn hại đến hệ thống tài chính và nền kinh tế thực. Nhóm các nước châu Á đang chuẩn bị cho kỷ nguyên lãi suất âm, kết quả của tăng trưởng kinh tế chững lại.

Giờ đây một phần tư chứng khoán nợ được xếp hạng đầu tư của thế giới đang có lãi suất âm. Trái phiếu có lợi suất âm đang ngày một trở nên phổ biến hơn tại châu Âu và Nhật, nơi mà ngân hàng trung ương đã để lãi suất rơi xuống dưới ngưỡng 0%.

Trái phiếu chính phủ Thụy Sỹ giờ đây có lãi suất âm với cả loại trái phiếu đáo hạn vào năm 2064.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm hiện đang giao dịch dưới ngưỡng 1,6%. Nếu điều chỉnh với tỷ lệ lạm phát dưới 2%, mức lợi suất trên ở mức âm.

Tại châu Á, trái phiếu chính phủ Nhật đang có lợi suất âm. Lợi suất trái phiếu chính phủ thực tế ở dưới 0% tại nhiều thị trường châu Á như Australia, New Zealand, Hồng Kông và Đài Loan. Điều này dường như cũng xảy ra ở cả Hàn Quốc và Singapore.

Tại châu Âu, các tổ chức tài chính có thể huy động vốn ở mức chi phí âm. Tháng 8/2019, Jyske Bank, ngân hàng lớn thứ 3 tại Đan Mạch, bắt đầu cung cấp khoản vay thế chấp thời hạn 10 năm ở mức lãi suất cố định 0,5%, đây là ngân hàng đầu tiên trên thế giới trả tiền cho người vay thế chấp.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/thoi-ky-lai-suat-dong-loat-xuong-muc-am-tai-chau-a-dang-dan-den-3519719.html