Thời kỳ huy hoàng của Alibaba đã qua khi Jack Ma quyết định nghỉ hưu?

Thông báo nghỉ hưu của Jack Ma, chủ tịch kiêm đồng sáng lập Alibaba, đặt ra câu hỏi: Liệu những ngày tươi đẹp nhất của tập đoàn này đã qua hay chưa?, theo tờ The Wall Street Journal.

Chủ tịch kiêm đồng sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Jack Ma quyết định nghỉ hưu trong vòng một năm tới. Ảnh: AFP

Nghỉ hưu nhưng tầm ảnh hưởng vẫn còn

Hôm 10-9, đúng vào ngày sinh nhật của mình, Jack Ma thông báo ông sẽ rời ghế chủ tịch tập đoàn Alibaba trong vòng một năm tới để quay trở lại các hoạt động liên quan đến giáo dục vì ông vốn là giáo viên tiếng Anh trước khi rẽ hướng sang con đường kinh doanh.

Người tiếp quản chiếc ghế của ông là Daniel Zhang, Giám đốc điều hành Alibaba.

Việc ông nghỉ hưu có thể không gây xáo trộn các hoạt động ở một tập đoàn khổng lồ có trị giá vốn hóa 421 tỉ đô mà ông là người đồng sáng lập cách đây 19 năm nhưng đó có thể không phải là một điềm tốt lành.

Giám đốc điều hành Daniel Zhang, có thâm niên làm việc 11 năm ở Alibaba, cũng là người đóng vai trò trong thành công của Alibaba. Ông là người đã sáng kiến ra lễ hội mua sắm giảm giá Ngày Độc thân vào ngày 11-11 hàng năm ở Trung Quốc, tương tự như Ngày Thứ Sáu đen (Black Friday) ở Mỹ.

Hồi năm ngoái, giá trị hàng hóa giao dịch qua các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba vào Ngày Độc thân đạt mức kỷ lục 25 tỉ đô la.

Zhang cùng với các lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm khác bao gồm Phó Chủ tịch điều hành Alibaba, Joseph Tsai, trực tiếp quản lý các hoạt động hàng ngày của Alibaba kể từ khi Jack Ma rời ghế giám đốc điều hành Alibaba vào năm 2013.

Vấn đề của Alibaba không phải nằm ở thông báo nghỉ hưu của Jack Ma mà là liệu điều đó có thực sự diễn ra theo đúng nghĩa của nó hay không.

Jack Ma là cổ đông lớn thứ ba của Aliababa với 6,4% cổ phần và là thành viên trọn đời của Alibaba Partnership, một nhóm điều hành 36 người của Alibaba, do vậy, ảnh hưởng của ông vẫn còn ngay cả khi ông không còn giữ vai trò chèo lái Alibaba.

Ông cũng là người nắm quyền bỏ phiếu lớn nhất tại công ty tài chính Ant Financial, đơn vị thành viên của Alibaba, đang điều hành hệ thống thanh toán di động thông dụng nhất Trung Quốc.

Cho dù không còn nắm một vai trò chính thức nào, Jack Ma vẫn còn sức ảnh hưởng lớn tại Alibaba và điều này đặt ra những câu hỏi về việc trách nhiệm quản lý tập đoàn này thực sự nằm ở người nào.

Trong vòng hai năm qua, Jack Ma đã bán 26,6 triệu cổ phiếu Alibaba trị giá khoảng 4,3 tỉ đô la nếu tính theo thị giá hiện tại của cổ phiếu Alibaba trên Sàn giao dịch chứng khoán New York để phục vụ các mục đích cá nhân và các cam kết từ thiện, theo bản công bố thông tin nộp cho Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC).

Giới đầu tư có thể suy luận việc ông bán bớt cổ phiếu và quyết định nghỉ hưu như là một chỉ dấu không tốt đẹp về tương lai của Alibaba.

Alibaba đang gặp khó

Logo của Alibaba ở bên ngoài trụ sở của tập đoàn này tại TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: AP

Một lý do lớn hơn để gây lo lắng cho giới đầu tư là việc Jack Ma rời ghế chủ tịch Alibaba có thể là dấu hiệu cho thấy triển vọng tăng trưởng khó khăn của Alibaba trong thời gian tới giữa lúc chính phủ Trung Quốc gia tăng kiểm soát nền kinh tế và thúc đẩy lợi ích của các doanh nghiệp nhà nước.

Quy mô khổng lồ và sự hiện diện khắp nơi trong đời sống hàng ngày của các tập đoàn công nghệ thành công nhất Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu cũng đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra xung đột với chính phủ.

Chẳng hạn, các cơ quan quản lý tài chính ở Trung Quốc đã đặt ra những biện pháp hạn chế hoạt động của Ant Financial trong năm nay, một phần là vì thành công của công ty này trong việc thu hút nguồn tiền của khách hàng đã "gặm nhấm" vào lãnh địa kinh doanh của các ngân hàng nhà nước.

Dù Alibaba vẫn giữ vị thế thống lĩnh thị trường thương mại điện tử Trung Quốc nhưng áp lực đang gia tăng đối với Taobao và Tmall, hai nền tảng thương mại điện tử của Alibaba khi những đối thủ mới xuất hiện bao gồm công ty thương mại điện tử Pinduoduo được tập đoàn Tencent hậu thuẫn tài chính.

Cổ phiếu của Pinduoduo bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) hồi tháng 7 với mức định giá 20 tỉ đô la.

Trong năm qua, Alibaba đã ồ ạt rót tiền đầu tư cho mảng cửa hàng trực tiếp, giao đồ ăn, nền tảng phát sóng video trực tuyến.

Các khoản đầu tư này giúp doanh thu của Alibaba tăng vọt 62% trong quí 2-2018 lên mức 12 tỉ đô la nhưng lợi nhuận hoạt động chỉ đạt hơn 1,1 tỉ đô la Mỹ, giảm đến 54% so với cùng kỳ năm ngoái do biên lợi nhuận mỏng.

Hầu hết các khoản đầu tư mới của Alibaba như hệ thống siêu thị thực phẩm tươi Hema hay nền tảng giao đồ ăn Ele.me đều không có khả năng kiếm nhiều lợi nhuận.

Ele.me được Alibaba thâu tóm với giá 9,5 tỉ đô hồi tháng 4, đang cạnh tranh vất vả với nền tảng giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc Meituan Dianping (được tập đoàn Tencent rót vốn).

Cả hai nền tảng này đã “nướng” hàng tỉ đô la cho các chiến dịch giảm giá dịch vụ để giành giật khách hàng.

Trong khi đó, tăng trưởng doanh thu của Alibaba ở mảng thương mại điện tử trong quí 2 đã hạ nhiệt, chỉ tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoài, thấp hơn mức tăng của quí trước.

Giá cổ phiếu Alibaba đã giảm về mức 161 đô la so với mức đỉnh kỷ lục gần 210 đô la được thiết lập hồi tháng 6.

Về hưu để giảm rủi ro cho Alibaba?

Theo tờ Nikkei Asian Review, thông báo nghỉ hưu của Jack Ma, một trong những doanh nhân nổi tiếng và có tầm nhìn nhất châu Á, là tín hiệu cho thấy ông có thể đã chọn thời điểm tốt đẹp nhất để ra đi nhằm giảm thiểu rủi ro cho Alibaba.

Một số nhà phân tích cho rằng, Jack Ma có thể đã thấy trước điềm xấu đối với ông trong tương lai.

Shaun Rein, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu thị trường China Market Research Group ở Thượng Hải nói: “Jack Ma đã trở nên quá nổi trội và điều này nguy hiểm cho công ty của ông. Tại Trung Quốc, các doanh nhân quá gây chú ý luôn đối mặt với nguy hiểm. Phần lớn họ bị bắt hoặc bị điều tra. Vậy nên, việc Jack Ma lùi bước và ít gây chú ý hơn là bước đi quan trọng”.

Người phát ngôn của Alibaba phủ nhận Jack Ma thông báo về hưu vì cân nhắc các rủi ro chính trị và gọi suy đoán này là “vô căn cứ”.

“Jack và những người đồng sáng lập công ty đã thành lập nhóm điều hành Alibaba Partnership để phục vụ mục đích chuyển giao quyền quản lý cách đây 10 năm”, người phát ngôn nói.

Jack Ma nổi tiếng nhờ tầm ảnh hưởng quốc tế và lối suy nghĩ độc lập. Khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 8, ông đã gặp Jack Ma ở TP. Hàng Châu trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Vào tháng 9-2016, trong chuyến viếng thăm trụ sở Alibaba ở Hàng Châu trước khi dự hội nghị thượng đỉnh khối các nền kinh tế lớn G20 ở thành phố này, Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, đã thuyết phục Jack Ma làm cố vấn cho chính phủ Indonesia trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Khi Jack Ma đến thăm New York, Mỹ hồi tháng 1 năm ngoái trước lễ nhậm chức của Donald Trump, vị tổng thống mới đắc cử này đã dành 40 phút để gặp Jack Ma và sau đó gọi đây là “cuộc gặp tuyệt vời”.

Elliott Zaagman, nhà tư vấn trong lĩnh vực văn hóa doanh nghiệp ở công ty tư vấn Goldenspan Consulting, có trụ sở ở Bắc Kinh, nói:
“Khó tìm được ai dưới quyền của Jack Ma ở Alibaba có năng lực tỏa sáng hơn ông. Song tính cách dám chấp nhận rủi ro và nghĩ lớn của Jack Ma không phù hợp cho giai đoạn tiếp theo của Trung Quốc khi mà nền kinh tế tăng trưởng chững lại”.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CBS (Mỹ) hồi năm 2014, Jack Ma thẳng thắn nói: “Đừng bao giờ làm ăn với chính phủ. Hãy “yêu” chính phủ nhưng đừng cưới. Vậy nên, chúng tôi chưa bao giờ có dự án nào với chính phủ”.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278561/thoi-ky-huy-hoang-cua-alibaba-da-qua-khi-jack-ma-quyet-dinh-nghi-huu.html