Thời kỳ bất ổn và thắt chặt chính sách đã đến

Thống kê từ đầu năm đến nay đã có đến 28 ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, trong đó nhiều ngân hàng thậm chí đã có không ít hơn 2 lần tăng lãi suất, gây ra nỗi lo ngại khắp các thị trường tài sản. Nỗi lo sợ về chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhiều nhà đầu tư tháo chạy và nhiều người nhìn thấy danh mục tài sản của mình bị hao hụt dần.

Hàng loạt ngân hàng trung ương tăng lãi suất

Hôm 26/9, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) – ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới và cũng là tổ chức đầu tiên trong lộ trình thắt chặt chính sách, đã có lần thứ 3 tăng thêm lãi suất cơ bản trong năm nay, đánh dấu lần tăng thứ 8 kể từ cuối năm 2015 đến nay. Theo kế hoạch sẽ còn thêm 1 lần tăng trong năm nay, 3 lần trong năm 2019 và 1 lần trong năm 2020, tức sẽ còn ít nhất 5 lần tăng nữa. Trong khi đó, chủ tịch FED Jerome Powell gần đây cũng gợi ý đến khả năng sẽ còn nhiều đợt nâng lãi suất hơn nữa.

Hai nước láng giềng của Mỹ là Canada và Mexico cũng có động thái tương tự. Ngân hàng trung ương Canada đã có 2 lần tăng thêm trong năm nay, và đã có 4 lần tăng kể từ khi bắt đầu tăng lãi suất trở lại từ tháng 7/2015. Mexico cũng có 2 lần tăng diễn ra vào tháng 2 và tháng 6/2018 và đã có tổng cộng 13 lần tăng lãi suất kéo dài từ tháng 12/2015 đến nay, nâng từ mức thấp 3% lên 7,75% như hiện nay.

Tại châu Âu, Ngân hàng trung ương Anh (BOE) cũng đã có 2 lần tăng lãi suất chỉ trong vòng 10 tháng, diễn ra vào tháng 11/2017 và tháng 8 vừa qua, với tổng mức tăng 0,5%. Khả năng BOE sẽ còn tiếp tục thắt chặt chính sách hơn nữa, khi mà thời kỳ đỉnh cao lãi suất đồng Bảng Anh lên tới 5% vào năm 2008. Tháng 9 vừa qua cũng chứng kiến hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất, như Nga tăng thêm 0,25% vào hôm 14/9, Na Uy tăng thêm 0,25% vào hôm 20/9, Cộng Hòa Sẽ tăng thêm 0,25% vào hôm 26/9 và cũng là lần tăng thứ 6 từ tháng 11/2017 đến nay, riêng trong năm nay đã có 4 lần tăng.

Ở châu Á, Ấn Độ đã có 2 lần tăng trong năm nay với tổng mức tăng 0,5%; Ả Rập Sau di cũng tăng thêm 0,5% trong 2 lần tăng diễn ra vào tháng 6 và mới nhất là hôm 27/9.

Tại các nền kinh tế đang đối mặt với khủng hoảng, mọi thứ còn diễn ra quyết liệt hơn nhằm ổn định giá trị của đồng nội tệ. Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hôm 13/9 vừa qua đã tăng mạnh lãi suất thêm 625 điểm cơ bản lên 24%, đánh dầu lần tăng thứ 3 chỉ riêng trong năm nay với tổng mức tăng thêm lên tới 1.600 điểm cơ bản (100 điểm cơ bản tương ứng với 1%). Hôm 27/9, Indonesia đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 5 trong 4 tháng vừa qua, và tổng lãi suất nâng thêm là 1.5%. Argentina từ tháng 4 đến nay đã có tổng cộng 10 lần tăng lãi suất, từ mức 27,25% lên tới kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay là 72,83%.

Xu hướng tăng lãi suất mạnh mẽ quay trở lại khiến nhiều người tin rằng các quốc gia khác không sớm thì muộn cũng sẽ nhập cuộc, nếu như không muốn dòng tiền đầu tư tìm đến những nền kinh tế có suất sinh lời tốt hơn. Thống kê từ đầu năm đến nay đã có đến 28 ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, trong đó nhiều ngân hàng thậm chí đã có không ít hơn 2 lần tăng lãi suất, gây ra nỗi lo ngại khắp các thị trường tài sản.

Sự điều chỉnh của thị trường tài sản là tất yếu

Sau một thời kỳ dài duy trì chính sách nới lỏng để kích thích nền kinh tế phục hồi từ khủng hoảng cách đây 10 năm, một lượng tiền rẻ đã được bơm vào các thị trường tài sản từ các gói giải cứu, kích thích kinh tế và chính sách lãi suất thấp kỷ lục. Giá nhà đất nhiều nơi tăng nóng và hình thành nên những bong bóng tiềm ẩn. Thị trường chứng khoán tại nhiều nơi liên tiếp lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Mọi người ai cũng cảm thấy giàu có hơn nhờ giá tài sản gia tăng.

Ở các nền kinh tế cận biên và mới nổi, không chỉ dòng vốn nội địa gia tăng từ chính sách nới lỏng của ngân hàng trung ương , mà dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các quốc gia phát triển cũng liên tục đổ vào, tạo nên các cơn sốt về giá tài sản. Nhiều công ty được định giá lên trời, các thương vụ M&A dễ dãi và nhiều doanh nghiệp tha hồ huy động tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, mà luôn đảm bảo sẽ thành công nhờ lượng vốn đầu tư dồi dào và thị trường luôn duy trì xu hướng đi lên.

Các ngân hàng trung ương nhìn vào đồ thị gia tăng của các thị trường tài sản và có thể xoa tay mỉm cười vì chính mình đã đóng góp một phần công sức vào sự giàu có, mà không nghĩ rằng những chính sách nới lỏng của mình cũng đang tạo ra những rủi ro tiềm tàng, những bong bóng tài sản và những mồi lửa cho một cuộc khủng hoảng kế tiếp.

Các thị trường tài sản đã và đang phản ứng mạnh với nỗi lo sợ về chính sách thắt chặt

Và mồi lửa đó dường như đang bắt đầu le lói những tia lửa đầu tiên khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách trở lại, với sự báo hiệu từ làn sóng bán tháo khắp các thị trường tài chính. Giá nhà đất nhiều thành phố tụt dốc không phanh, dòng vốn tháo chạy khỏi các nền kinh tế mới nổi, các thị trường chứng khoán dần trở nên quen thuộc với những phiên giao dịch lao dốc không phanh, lợi suất trái phiếu liên tiếp leo thang.

Dường như nhận thấy các bất ổn là vẫn chưa đủ, tổng thống Mỹ Donald Trump còn khoét sâu vào sự dễ tổn thương của nền kinh tế toàn cầu bằng các cuộc chiến tranh thương mại, trong đó Trung Quốc là đối thủ chính trên chiến trường, khiến nhiều người lo sợ nền kinh tế Trung Quốc vốn tăng trưởng nóng trong suốt hàng chục năm khó có thể hạ cánh mềm mại như kế hoạch.

Trong bối cảnh đó, các thị trường tài sản rơi vào xu hướng điều chỉnh là tất yếu. Và chưa biết hệ quả của những điều này sẽ còn tác động đến đâu, bởi vì điều đó không chỉ đơn giản là làm cho các tỷ phú hay tầng lớp người giàu sụt giảm tài sản như báo chí tập trung khai thác gần đây, mà những thiệt hại nặng nề hơn là nhiều công ty sẽ đối mặt với khả năng phá sản, nợ xấu tăng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và người dân sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn khi thu nhập giảm xuống còn chi phí lại gia tăng khi lạm phát quay trở lại.

ĐỒNG AN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/th%C3%B2i-k%E1%BB%B3-b%C3%A1t-%E1%BB%8Fn-v%C3%A0-th%C3%A1t-ch%E1%BA%A1t-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch-d%C3%A3-d%C3%A9n-14917.html