Thời kinh tế chia sẻ

Kinh tế chia sẻ (sharing economy) được biết đến nhiều tại Việt Nam khi hai công ty lớn trên thế giới là Uber và Grab đặt chân vào thị trường năm 2014. Từ đó đến nay, theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM, cứ bốn người Việt Nam được hỏi thì có ba người cho biết họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh chia sẻ và 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ theo mô hình này.

Chỉ một năm sau khi Grab và Uber gia nhập thị trường, những công ty taxi truyền thống cũng bắt đầu triển khai ứng dụng gọi xe cho mình. Đồng thời, từ những Grab hay Uber đã xuất hiện những loại hình kinh doanh khác nhau dựa trên nền tảng công nghệ như “dịch vụ tìm người giúp việc kiểu Uber” của JupViec.vn, hay “nền tảng du lịch trực tuyến kiểu Grab” như Luxstay.com. Hàng loạt các startup ra đời dựa trên việc tận dụng nguồn lực sẵn có, sử dụng nền tảng trực tuyến và dữ liệu lớn (big data) để kết nối chủ sở hữu với người cần sử dụng.

Không dừng lại ở ứng dụng gọi xe, hệ sinh thái của Grab phát triển rất nhanh và dần tiến đến mục tiêu siêu ứng dụng khi cung cấp dịch vụ gọi xe trực tuyến với GrabCar và GrabBike, dịch vụ giao nhận hàng hóa với GrabExpress, gọi món ăn với GrabFood, cùng công nghệ thanh toán trực tuyến GrabPay...

Nền kinh tế chia sẻ được định nghĩa là một thuật ngữ đề cập đến mô hình kinh doanh khai thác các yếu tố tài nguyên sẵn có của người dùng cuối cùng và kết hợp với các yếu tố công nghệ để hợp thành một mô hình kinh doanh. Mô hình này thường do các doanh nghiệp khởi nghiệp khởi xướng - họ không sở hữu bất kỳ một nhà máy hay một kho hàng nào nhưng lại có cả một kho tài nguyên sẵn có trên toàn cầu và luôn sẵn sàng gia nhập vào hệ thống.

Nền kinh tế chia sẻ được bắt đầu manh nha khái niệm năm 1995, khởi điểm tại Mỹ với mô hình ban đầu có tính chất “chia sẻ ngang hàng” nhưng không rõ rệt. Nó khởi đầu bằng dịch vụ website thông tin cho thuê quảng cáo, người tìm việc, việc tìm người... và giúp cho những cá nhân có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền quảng cáo. Mô hình kinh doanh này thật sự phát triển mạnh mẽ khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng năm 2008, người dân buộc phải thay đổi cách tiêu dùng để thích ứng với bối cảnh khó khăn. Việc “chia sẻ” những tài nguyên sẵn có bằng các ứng dụng công nghệ cùng những khoản lợi nhuận khổng lồ đem lại cho nhà cung ứng dịch vụ lẫn người cho thuê và sử dụng tài nguyên, đã khiến mô hình kinh doanh này nhanh chóng phát triển vượt ra khỏi biên giới Mỹ, lan rộng khắp châu Âu và toàn thế giới.

Trong sự thành công của kinh tế chia sẻ có thể kể đến nhiều tên tuổi nổi tiếng như Airbnb, Uber, RabbitTask... Năm 2008, dịch vụ chia sẻ chỗ ở Airbnb.com ra đời và đã thu hút được khoảng ba nghìn tòa lâu đài, biệt thự; hai nghìn căn hộ và hàng chục nghìn ngôi nhà bình thường khác trên toàn thế giới tham gia và hệ thống cho thuê và chia sẻ chỗ ở. Đến năm 2015, dịch vụ Airbnb.com đã được định giá khoảng 20 tỷ USD. Cùng với Airbnb.com, trong năm 2016, rất nhiều các dịch vụ khác đã và đang tiếp tục phát triển mạnh, chia sẻ và cho thuê gần như mọi thứ: Từ máy nông nghiệp, máy công nghiệp, các thiết bị công nghiệp nặng, cho đến máy ảnh, đồ chơi, thiết bị thể thao (xe đạp, ván trượt...) cho vay tiền, gọi vốn, chia sẻ wifi cho nhau, chăm sóc thú cưng, cho thuê xe tự lái, cho thuê nhân viên, thuê sách...

Như vậy, lợi ích đạt được của nền kinh tế chia sẻ là rất lớn. Cụ thể là tiết kiệm chi phí, giúp bảo vệ môi trường, tăng tính hiệu quả của nền kinh tế, giảm bớt sự lãng phí tài nguyên xã hội và sự dư thừa năng lực của các sản phẩm dịch vụ. Đây chính là những yếu tố khiến mô hình nền kinh tế chia sẻ có những tiềm năng phát triển lớn mạnh hơn nữa trong tương lai, sẽ không chỉ là một thị trường ngách hay một hiện tượng nhất thời mà là tương lai của môi trường kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích vượt trội trên, mô hình nền kinh tế chia sẻ cũng tồn tại nhiều mối lo ngại cho sự phát triển của nó, đặc biệt là tính pháp lý. Những thách thức về khung pháp lý đặt ra cho mô hình kinh doanh chia sẻ, đó là sự cạnh tranh “không công bằng”, tình trạng này đang khiến cơ quan quản lý của nhiều quốc gia bối rối. Bên cạnh đó, việc trốn thuế của các công ty tham gia nền kinh tế chia sẻ cũng sẽ trở thành mối quan tâm lớn của Chính phủ các quốc gia, khi mà những khoản lợi nhuận mà các công ty này thu được ước tính lên tới những con số khổng lồ. Những công ty này hiện vẫn duy trì danh nghĩa là công ty tư nhân, điều này cho phép họ linh động điều chỉnh, không phải báo cáo số liệu với cổ đông, không bị kiểm toán độc lập và không ai có thể giám sát tài khoản.

Đối với Việt Nam, để phát triển nền kinh tế chia sẻ bền vững, các chuyên gia khuyến cáo Chính phủ cần nhanh chóng có cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách cho mô hình kinh doanh mới này. Theo họ, nếu không có biện pháp quản lý mô hình kinh doanh mới này, thì sự phát triển nhanh chóng của nó có thể đưa tới những biến thể sai lệch tại Việt Nam. Chính phủ cần nghiên cứu ban hành luật để điều chỉnh và quản lý đối với kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, vừa bảo đảm môi trường thuận lợi cho nó phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hangthang/kinh-te/item/38385002-thoi-kinh-te-chia-se.html