Thời khắc hỗn loạn tại Nhà Trắng sau khi hai máy bay đâm vào tháp đôi

Tổng thống Bush đã ủy quyền cho Phó tổng thống Cheney ra lệnh bắn rơi bất cứ máy bay nào bị không tặc sau khi hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi ở New York.

Trong những thời khắc hoảng loạn sau khi hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York sáng 11/9/2001, Phó tổng thống Mỹ khi đó là Richard Cheney đang có mặt tại văn phòng làm việc của ông ở Nhà Trắng cùng các cộng sự.

Ông Cheney tìm cách liên lạc với Tổng thống George W. Bush, khi đó đang tham gia buổi đọc sách cho các em nhỏ ở một trường học tại bang Florida, cựu phó tổng thống Mỹ viết trong cuốn tự truyện, theo Washington Post.

Buổi sáng hỗn loạn ở Nhà Trắng

Không lâu sau khi hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới, các đặc vụ đột ngột đề nghị ông Cheney rời khỏi phòng làm việc để đến nơi trú ẩn an toàn ngay lập tức.

"Trước khi tôi có thể đáp lại, cậu ấy đã di chuyển ra phía sau, đặt một tay vào thắt lưng, tay còn lại vào vai, cứ thế đưa tôi ra khỏi văn phòng", ông Cheney viết trong tự truyện.

Phó tổng thống Cheney được đưa tới một hầm trú ẩn đặc biệt, có chức năng điều hành chính phủ Mỹ trong những tình huống khẩn cấp, ngay bên dưới Nhà Trắng.

Trong cuốn sách "Chiếc máy bay duy nhất trên bầu trời", tác giả Garrett M. Graff dẫn lời bà Mary Matalin, một trong các cố vấn cấp cao của Phó tổng thống Cheney, cho biết tất cả đều bàng hoàng và bất ngờ bởi "chưa từng chứng kiến điều tương tự".

"Đất nước rơi vào tình trạng chiến tranh. Rồi xuất hiện các báo cáo về việc có thêm những máy bay khác bị không tặc đang hướng về Washington, trong đó có chiếc máy bay sau đó không lâu đã đâm vào Lầu Năm Góc", bà Matalin nói.

 Phó tổng thống Cheney và các cố vấn trong hầm chỉ huy bên dưới Nhà Trắng ngày 11/9/2001. Ảnh: Getty.

Phó tổng thống Cheney và các cố vấn trong hầm chỉ huy bên dưới Nhà Trắng ngày 11/9/2001. Ảnh: Getty.

Sau khi thông tin về vụ tấn công khủng bố được chuyển tới Florida, Tổng thống Bush nhanh chóng được đưa lên chuyên cơ Air Force One nhằm bảo đảm an toàn.

Phó tổng thống Cheney được đưa tới trú ẩn tại Trung tâm Điều hành khẩn cấp cùng các quan chức Nhà Trắng, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Condoleezza Rice.

Nhiệm vụ của giới chức Mỹ khi đó là "ngăn chặn những cuộc tấn công tiếp theo", và quan trọng hơn là "bảo đảm sự hoạt động liên tục của chính phủ Mỹ", ông Cheney cho biết.

Từ Trung tâm Điều hành khẩn cấp, ông Cheney bị đẩy vào tình thế khó khăn chưa từng có khi phải xin ý kiến của Tổng thống Bush về phương án xử lý những máy bay bị không tặc, chở theo hàng trăm công dân Mỹ, có thể được sử dụng để tiến hành các vụ tấn công tiếp theo.

Karl Rove, một trợ lý cấp cao của Tổng thống Bush, cho biết ông đã ở bên cạnh người đứng đầu chính phủ Mỹ khi ông Bush trao đổi qua điện thoại với ông Cheney.

"Ông ấy nói 'Có', và rồi ngừng lại để nghe. Rồi một câu trả lời 'Có' nữa. Buổi sáng hôm đó trở nên siêu thực. Rồi tổng thống nói 'Ông có sự ủy quyền của tôi', và lại nghe thêm một lúc lâu. Ông ấy sau đó chấm dứt cuộc nói chuyện. Khi trao đổi với chúng tôi, Tổng thống Bush nói đã cho phép bắn rơi những chiếc máy bay bị không tặc", ông Rove nhớ lại.

Ra lệnh bắn rơi máy bay bị không tặc

Giống như cấp phó Cheney, Tổng thống Bush hiểu rõ sức nặng của mệnh lệnh bắn rơi máy bay chở công dân Mỹ. Theo Washington Post, có nhiều báo cáo về những máy bay hướng về các mục tiêu ở thủ đô Washington, D.C.

"Tôi từng là phi công của vệ binh quốc gia. Tôi không tưởng tượng được việc phải nhận một mệnh lệnh như vậy", Tổng thống Bush nói sau khi cho phép quân đội Mỹ bắn rơi những máy bay bị không tặc kiểm soát.

Trong cuốn tự truyện của mình, ông Cheney cho biết đã đưa ra nhiều mệnh lệnh sau khi được Tổng thống Bush cho phép.

"Vào khoảng 10h15, một sĩ quan quân đội bước vào phòng, cho biết một máy bay được cho là đã bị không tặc, đang hướng về Washington, D.C. và còn cách 130 km. Cậu ấy hỏi tôi liệu lực lượng phòng không có được phép đánh chặn máy bay này không", ông Cheney cho biết.

Khoảnh khắc trợ lý thông báo với Tổng thống Bush về vụ khủng bố tại New York. Ảnh: AFP.

Điều này đặt Phó tổng thống Cheney trước lựa chọn có ra lệnh cho tiêm kích Mỹ bắn rơi máy bay thương mại được cho là chở theo hàng trăm thường dân hay không, nhằm ngăn nguy cơ một vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra.

"Tôi đã trả lời 'Có' mà không do dự. Một lúc sau, người này quay lại nói 'Ngài phó tổng thống, chỉ còn 100 km. Họ có quyền đánh chặn không?'. Một lần nữa, tôi nói cho phép", ông Cheney viết.

Ở một thời điểm khác, lúc này có một chiếc máy bay chỉ cách Nhà Trắng chưa đầy 10 km, ông Cheney ra lệnh: "Nếu chiếc máy bay trở thành mối đe dọa, hãy bắn rơi nó".

Tuy nhiên, các phi công Mỹ đã không khai hỏa vào những máy bay thương mại trong ngày 11/9.

Trong ngày hỗn loạn khi xảy ra vụ tấn công khủng bố, một số chỉ thị của Phó tổng thống Cheney không được truyền tới các phi công, theo một báo cáo được công bố sau này.

Chiếc máy bay số hiệu 93 của hãng United Airlines, một trong các máy bay bị không tặc, đã rơi trước khi đến mục tiêu theo kế hoạch của những kẻ khủng bố, nhưng theo một kịch bản hoàn toàn khác.

"Khi biết được số phận của những chiếc máy bay bị không tặc trước đó (hai chiếc đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới), hành khách trên chuyến bay số 93 đã xông vào buồng lái. Bằng cách hy sinh tính mạng của chính họ, những phụ nữ và đàn ông dũng cảm đã bảo vệ rất nhiều mạng sống, có thể gồm cả những người có mặt tại Nhà Trắng hôm đó", ông Cheney viết.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-khac-hon-loan-tai-nha-trang-sau-khi-hai-may-bay-dam-vao-thap-doi-post1130402.html