Thời 'kêu cứu'

Những năm gần đây, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng xã hội: 'kêu cứu'. Không chỉ các tổ chức xã hội, diễn đàn kêu gọi 'giải cứu' nông sản từ dưa hấu, củ cải,... cho nông dân mà rộng lớn hơn nhiều. Những ngày vừa qua là các doanh nghiệp BOT giao thông kêu cứu lên Thủ tướng, lên Chính phủ.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo từng gửi đơn kêu cứu lên Chính phủ. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo từng gửi đơn kêu cứu lên Chính phủ. Ảnh minh họa.

Việc doanh nghiệp gửi đơn lên Thủ tướng kêu cứu, xin cứu xét về một vấn đề nào đó không còn là “tiền lệ” nữa mà đã trở thành“thông lệ”. Mới đây nhất, Hiệp hội Hàng không Việt Nam gửi đơn kêu cứu Thủ tướng hỗ trợ vì dù đã cố gắng nhưng các doanh nghiệp hàng không đang rơi vào “kiệt quệ”.

Vẫn biết Covid-19 “tấn công” toàn diện lên mọi nền kinh tế, không riêng Việt Nam; không chỉ doanh nghiệp lớn lao đao mà cả người bán hàng rong từ chợ nông thôn đến hè phố. Mới hồi tháng 7, ông chủ xi măng Công Thanh (Thanh Hóa) do cho rằng mình bị “chèn ép” suốt hàng chục năm, không khởi công được khu đô thị Đông Hương cũng gửi đơn kêu cứu Thủ tướng.

Xa hơn một chút thì có các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi bất ngờ bị tạm dừng thông quan cũng kêu cứu Thủ tướng. Cũng cùng thời điểm đó, các doanh nghiệp bia, rượu gửi công văn cho Thủ tướng vì… doanh số giảm chóng mặt. Hồi đầu năm nay, khi bị phá dỡ công viên nước Thanh Hà, Cienco 5 cũng gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng.

Vẫn biết, đó có thể coi là một trong những biện pháp cuối cùng của doanh nghiệp đứng trước khó khăn do thương trường và bối cảnh kinh tế. Nhưng cũng không ít doanh nghiệp gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng là bởi những khó khăn trong thủ tục hành chính hay cách áp dụng pháp luật của các cơ quan hữu quan. Điển hình như đầu năm 2019, đích thân Tổ công tác của Thủ tướng phải vào cuộc để “giải cứu” cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu.

Chính phủ và Thủ tướng không thể “trăm tay nghìn mắt” để có thể giải quyết được tất cả các đơn kêu cứu. Hãy xem, các Bộ, ngành, chính quyền các tỉnh, thành phố nằm ở đâu? Sinh ra chính quyền để quản lý đất nước, có bàn tay “hữu hình” và “vô hình”; vậy “bàn tay vô hình” tức là các chế định “cởi nút” cho doanh nghiệp và phát huy sức sáng tạo ở đâu? Hay chỉ dừng lại trên lời nói, ở các bài diễn văn.

“Kêu cứu” tất nhiên có mặt tích cực là Chính phủ và cá nhân Thủ tướng nhìn nhận rõ hơn, điều gì đang cản trở thực hiện phương châm hành động, bộ máy và nền công vụ đang “khuyết tật” ở đâu. Có thể, nó trở thành tiền đề mở ra những chính sách khác, có lợi hơn cho cả Nhà nước và thị trường hoặc mở ra một cơ chế giải quyết các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn, đúng pháp luật hơn.

Tuy nhiên, ngoài cơ chế “kêu cứu” còn nền tài phán hành chính. Văn minh và thượng tôn pháp luật nằm ở nhận thức và cách giải quyết của cả doanh nghiệp và chính quyền!

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thoi-keu-cuu-d133346.html