Thời hoa lửa với xứ Quảng kiên trung

Thời tiết ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) như chiều lòng những người ở tuổi xưa nay hiếm về chung vui trong ngày lễ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Người còn, người mất, nhưng tất cả con người và sự việc vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức chúng tôi về một thời hoa lửa, gian khổ mà rất đỗi tự hào.

Tình cờ trong sự kiện này, chúng tôi gặp lại một học trò nay là nhà báo tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi tác nghiệp. Tin bài gửi về tòa soạn xong xuôi, anh chàng tự nhận là không biết gì về chiến tranh “xoay” chúng tôi cả một buổi tối với hàng loạt câu hỏi: Tuyên huấn trong chiến tranh hoạt động thế nào? Có bộ đội bảo vệ không hay tự bảo vệ mình? Ăn, ở trong rừng ra sao? Vì sao chiến trường Quảng-Đà ác liệt, nhiều hy sinh gian khổ như vậy?... Chúng tôi lần lượt trả lời từng câu hỏi một cách ngắn gọn nhất. Và thầy trò chúng tôi bỗng dưng nảy ra ý tưởng sẽ thực hiện một cuốn sách phổ biến kiến thức về chiến tranh dễ hiểu và ngắn gọn cho lớp trẻ. Nhưng đó là chuyện tương lai, giờ chúng tôi chỉ muốn xâu chuỗi những câu trả lời buổi tối hôm nọ để bạn đọc hình dung chúng tôi đã sống và làm việc ở chiến trường như thế nào.

Nhận thức đúng đắn vai trò của công tác chính trị-tư tưởng, Khu ủy Khu V đã thành lập Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V vào tháng 5-1960, ngay sau khi có Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về đường lối cách mạng ở miền Nam Việt Nam từ đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang tiến đến giải phóng miền Nam. Đến năm 1964, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã hoàn chỉnh bộ máy chuyên môn với lực lượng cán bộ hơn 600 người. Khi quân Mỹ đổ bộ vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ vô cùng ác liệt, Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã chỉ đạo đưa cán bộ tỏa xuống các địa phương bám sát dân để tuyên truyền, vận động nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Nguồn nhân lực của Ban Tuyên huấn Khu ủy khá đa dạng, cả người địa phương nằm vùng, người tập kết ra Bắc trở về và những người từ miền Bắc vào... Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện miền núi Trà My (tỉnh Quảng Nam) rộng lớn, chưa chia làm hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My như bây giờ, là nơi đóng quân của Khu ủy Khu V và Ban Tuyên huấn Khu ủy. Thường chúng tôi đóng quân ở một nơi chừng 3-4 tháng, dựng nhà tranh để ở, có khi sống trong hang đá. Nơi nào bị địch phát hiện, thả bom, chúng tôi liền di chuyển đến nơi khác. Có nơi làm việc và khu sản xuất tăng gia riêng biệt, khoảng cách tính bằng một ngày đi bộ. Chúng tôi là phóng viên Thông tấn xã Khu V có thời gian phải thay phiên nhau đi đến khu sản xuất tăng gia làm nông dân thực thụ có khi cả tháng trời. Chuyện ăn uống rất cực khổ, đóng quân trên núi cao phải tự túc mọi thứ. Hồi đó, tôi nặng 41kg mà phải cõng 40kg gạo từ kho lương về nơi làm việc hết 9 ngày. Có kỷ niệm đáng nhớ là đêm xuống, dừng chân giữa đường, nước lũ dâng, phải nhanh chóng đi lên những vị trí đất cao để tránh bị cuốn trôi. Chất đạm chủ yếu là mua mắm cá cơm đóng trong thùng thiếc 25kg rồi pha nước đem nấu. Ăn tươi thì chỉ khi nào đi săn hoặc câu cá mới có. Rau thì quanh năm ăn rau rừng và măng. Ăn uống mấy năm trời như thế, cái khổ cũng quen nên nói thật sau này dù hoàn cảnh ra sao chúng tôi cũng không thấy vất vả; còn thời bình bây giờ so với thời xưa là cả sự thay đổi to lớn, toàn diện của đất nước mà chúng tôi không mấy ai mơ đến.

Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V có đầy đủ các bộ phận, một quân chủng đặc biệt trên mặt trận chính trị-tư tưởng: Thông tấn, báo chí, điện ảnh, văn nghệ, tiểu ban huấn học… Thông tấn xã Khu V có 60 phóng viên đủ các bộ phận chuyên môn: Phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật. Hằng ngày, Thông tấn xã Khu V chuyển ra Việt Nam Thông tấn xã tin, bài phản ánh kịp thời cuộc chiến tranh nhân dân tại miền Trung, đồng thời thu thập, biên soạn tin tức thế giới để làm tài liệu tham khảo. Thường thì lấy tin từ các huyện đội, các đơn vị quân đội báo về, trong đó có nguồn tin của Thông tấn quân sự. Song nhiều lúc chúng tôi âm thầm xuống đồng bằng đi theo các cánh quân để trực tiếp viết bài. Đi công tác như vậy, được cấp một khẩu súng ngắn không có bộ đội hộ tống, chuyện gặp địch xảy ra như cơm bữa. Có lần nhóm 3 người chúng tôi bị cả một tiểu đoàn lính ngụy phục kích. Nếu địch cứ chờ chúng tôi lại gần để bắt sống thì sẽ khó thoát hơn, đằng này chúng lại bắn vãi đạn từ xa và đó là cơ hội để chúng tôi chạy thoát, trở về căn cứ an toàn.

Nhiều anh em, đồng chí không may mắn như chúng tôi, kết thúc cuộc chiến tranh, cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V có 128 liệt sĩ, 93 thương binh, 14 người bị địch bắt tù đày trao trả sau Hiệp định Paris, có 56 người và các thế hệ con cháu bị nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi vẫn nhớ bóng dáng anh em đồng nghiệp hôm nào bám dân, bám chiến trường rồi lại nghe tin các anh, các chị hy sinh, như: Nhà văn, Anh hùng LLVT nhân dân Chu Cẩm Phong; nhà văn Dương Thị Xuân Quý; nghệ sĩ múa Phương Thảo; nhà thơ Nguyễn Mỹ; nhà báo Lê Ái Mỹ và Trọng Định; các họa sĩ: Hà Xuân Phong, Trương Công Nghĩa, Phan Hồng Châu, Phạm Đức Minh, Nguyễn Quang Việt, Nguyễn Xuân Nam, Trịnh Xuân Núi... Có thể nói, Quảng-Đà là vùng chiến sự ác liệt nhất của Khu V. Tại sao lại như vậy? Có thể nói một cách khái quát, vì đó là nơi Mỹ đổ quân vào xâm lược nước ta, nơi đầu não của Quân đoàn 1 chính quyền Sài Gòn, đồng thời có vùng căn cứ cách mạng ở phía Tây, dọc dãy Trường Sơn, nơi đầu não Khu ủy Khu V, nơi có vị trí quan trọng về quân sự, chính trị... Quả vậy, từ ngày 8-3-1965, Mỹ đổ quân lên bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng, đánh dấu việc quân Mỹ trực tiếp tham chiến tại chiến trường miền Nam Việt Nam, tới mùa xuân năm 1975, chiến trường không lúc nào ngớt tiếng súng. Có người giải thích thêm, văn hóa và con người xứ Quảng hình thành từ hàng trăm năm, lưu dân theo chúa Nguyễn vào Nam vốn kiên cường, bất khuất nên con cháu họ dù có đối đầu với đế quốc hùng mạnh cũng không hề sợ hãi, quyết đánh đến cùng. Thế nên, quân dân xứ Quảng mới được cả nước ngợi ca “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Khó khăn, gian khổ như vậy nhưng Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V đã có rất nhiều thành tựu để lại cho đời sau, đặc biệt trong văn học nghệ thuật. Điện ảnh Khu V có những bộ phim tài liệu vô cùng giá trị, đạt được các giải thưởng như giải Nguyễn Đình Chiểu với bộ phim “Những người dân quê tôi” của đạo diễn, quay phim Trần Văn Thủy, sau đó bộ phim này đoạt giải Bồ câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức) năm 1970. Phan Tứ viết tiểu thuyết “Gia đình má Bảy”, “Mẫn và tôi”. Thu Bồn có trường ca “Chim Chơ-rao” được giải thưởng Hội Nhà văn Á-Phi. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Phan Tứ, nhà thơ Thu Bồn đã vinh dự được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều văn nghệ sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước. Chính vùng đất kiên cường, cùng với phong trào cách mạng Khu V đã nuôi dưỡng nhiều tài năng báo chí, văn học nghệ thuật.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ cán bộ Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V năm nào đều trưởng thành, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo trong các bộ, ban, ngành, tiếp tục cống hiến cho đất nước và nhân dân. Được sống để trở về đã là một may mắn, ai cũng tự hứa với lòng mình đem hết tài năng và sức lực để đôi khi làm tiếp, nối dài ước mơ và công việc dang dở của bao người đã nằm xuống.

Ghi chép của TS, nhà văn PHẠM VIỆT LONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thoi-hoa-lua-voi-xu-quang-kien-trung-548474