'Thời hoa lửa' của những nữ lái xe Trường Sơn

Vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3-1931/26-3-2021) năm nay, những nữ chiến sĩ của Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn được hội ngộ trong một không gian mang đậm dấu ấn của lịch sử ở Khu di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để được cùng nhau ôn lại ký ức về những năm tháng lái xe ở rừng Trường Sơn.

Những nữ chiến sĩ năm xưa giờ đây đã ở vào tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng câu chuyện mà họ kể cho thế hệ trẻ ngày nay đã góp phần “truyền lửa” cho những chủ nhân tương lai của đất nước có thêm nội lực phấn đấu dựng xây đất nước ngày càng phát triển.

Lá đơn tình nguyện vào chiến trường viết bằng máu

Trong khung cảnh tái hiện hình ảnh ở rừng Trường Sơn năm xưa với chiếc võng mắc vào thân cây trong rừng, trạm giao liên, chiếc xe tải… được tái hiện tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò đã khiến cho những câu chuyện về tuổi thanh xuân của các nữ chiến sĩ trở nên xúc động nghẹn ngào.

Kể lại những ngày tháng còn là một thiếu nữ 17 tuổi, tình nguyện cầm lá đơn viết bằng máu để đi vào chiến trường, chiến sĩ Lê Thị Hải Nhi, hiện đang ở Mê Linh (Hà Nội) năm nay đã 75 tuổi bồi hồi nhớ lại: "Tôi mồ côi cả bố mẹ khi còn nhỏ. Vì thế không vấn vương nhiều với gia đình như một số bạn cùng trang lứa. Lúc đó, vì sợ địa phương không chấp thuận cho đi thanh niên xung phong bởi hoàn cảnh gia đình neo người nên tôi lấy kim châm vào đầu ngón tay cho chảy máu và viết vào đơn những dòng chữ thấm đẫm tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ tình nguyện đi vào chiến trường để tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc".

Các nữ lái xe Trường Sơn tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Các nữ lái xe Trường Sơn tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Không giống như hoàn cảnh của chiến sĩ Lê Thị Hải Nhi, bà Dương Thị The ra nhập Đại đội lái xe Trường Sơn năm 20 tuổi. Lúc đó bố mẹ biết tin con gái sẽ vào Trường Sơn và làm nhiệm vụ lái xe thì khóc nhiều lắm đồng thời tìm mọi cách ngăn cản không cho đi nhưng với quyết tâm ra đi để được cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, nữ chiến sĩ này đã làm đơn và lấy tên chị gái để giấu bố mẹ.

“Lúc lên tàu để vào chiến trường, tôi phải trốn trong một chiếc chăn để bố không tìm thấy. Khi ấy bố tôi chạy theo lên tàu, tìm các toa để bắt tôi về. Khi tàu bắt đầu chạy mà bố vẫn không tìm thấy tôi nên ông đi xuống. Lúc đó tôi mới thò đầu ra và đồng thời tàu chuyển bánh, tôi nói với theo chào bố. Nhìn bố lúc đó bực mình cầm hòn đá ném theo đoàn tàu mà nước mắt tôi trào ra vì thương ông. Khi vào đến Trường Sơn, tôi ít viết thư về nhà vì chữ viết không được học nhiều nên chưa thuần thục. Lúc đó, gia đình, bố mẹ khóc nhiều lắm vì lo sợ tôi hy sinh ở mặt trận”, bà Dương Thị The nhớ lại.

Cho dù mỗi người một hoàn cảnh và xuất phát điểm khác nhau nhưng họ luôn giữ gìn và phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Bà Nguyễn Thị Kim Quy vào Trường Sơn năm 21 tuổi. Để được trở thành nữ thanh niên xung phong, người phụ nữ này cũng phải trốn bố mẹ thì mới đi được. Khi bà làm đơn đi thanh niên xung phong, bố mẹ không hề hay biết. Lúc lĩnh quân tư trang phải mang về gửi nhà bạn. Khi lên xe đi vào chiến trường thì bố mẹ mới biết. Mẹ thương con gái vất vả và cũng lo sợ ngày tiễn con lên đường là lần cuối cùng gặp con nên mẹ cứ chạy theo xe và khóc, rồi dõi theo con đến khi khuất tầm mắt mới về.

Với những người làm cha làm mẹ thì thời nào cũng vậy, luôn mong muốn con của mình được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình và đương nhiên là không muốn con dấn thân vào những nơi hiểm nguy, đặc biệt là con gái. Với những người cha người mẹ của các nữ lái xe Trường Sơn cũng vậy, họ cũng sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng chịu đựng gian khổ để góp phần giải phóng quê hương đất nước nên việc ngăn cản con gái không cho đi vào chiến trường là bởi họ không muốn con mình phải nếm mùi đạn bom khi tuổi đời còn quá trẻ.

Những nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn.

Khi phụ nữ cầm vô lăng

Là nam giới đảm đương nhiệm vụ lái xe trên đường Trường Sơn, dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù mà chỉ được đi vào ban đêm, không được bật đèn đã vất vả thì với phụ nữ càng khó khăn hơn gấp bội phần. Vậy mà, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giờ đây, đất nước đã thống nhất, Đại đội này người còn, người mất nhưng ký ức về những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và hoài bão mãi để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời mỗi người.

Trước khi trở thành nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn, họ phải trải qua khóa đào tạo 45 ngày, sau đó mới được cầm vô lăng. Khi nhận nhiệm vụ, nếu ai lái vững thì được giao phụ trách một xe, còn ai lái chưa vững thì đi kèm cùng 1 người nữa. Lúc đó, Lê Thị Hải Nhi là chiến sĩ có tay tái vững của Đại đội nên được giao nhiệm vụ lái xe đi chở thương binh nặng, thực phẩm...

Tái hiện hình ảnh xe tải ở Trường Sơn trong những năm chiến tranh tại di tích Nhà tù Hỏa Lò.

“Tôi nhớ có lần được giao chở 4 trường hợp nặng, trong đó có một đồng chí bị thương nặng lắm. Hầu hết các anh đều bị thương nên không thể ngồi mà phải nằm sau thùng xe. Tôi thấy một anh thương binh cứ lấy tay bóc da mình rồi cho vào mồm. Tôi thấy lạ nên hỏi một đồng chí bên cạnh rằng tại sao anh có hành động kỳ quặc vậy, đồng chí đó cho biết, anh thương binh này bị bom bi găm vào khắp cơ thể dẫn đến mê man. Thương các anh lắm, tôi cố gắng đi thật chậm, tránh những chỗ đường xóc để các anh không bị đau nhưng vì là thời chiến, mặt đường gồ ghề, không thể tránh được. Lúc đó, tôi chỉ đi số 1 và vừa đi vừa rà phanh. Người thương binh nặng mặc dù không tỉnh táo nhưng vẫn nói được và tiếng thì hơi méo. Các anh đề nghị tôi vừa lái xe vừa hát. Tôi đồng ý và vừa lái xe vừa hát hết bài này đến bài kia. Tôi hát cả những làn điệu chèo, quan họ đến những ca khúc cách mạng. Mặc dù tôi không phải ca sĩ chuyên nghiệp nhưng cũng biết hát nên các thương binh rất chăm chú lắng nghe. Khi đến trạm dừng chân, tôi dừng xe và hỏi các thương binh rằng nghe tiếng hát của tôi có thấy đỡ đau hơn không thì các anh bảo đỡ nhiều lắm, còn anh bị thương nặng nhất đã qua đời trên đường đi trong lúc nghe tôi hát. Các đồng đội nói rằng, nghe xong bài hát của tôi là đồng chí này trút hơi thở cuối cùng. Nghe đến đấy, nước mắt tôi cứ trào ra và tôi đã khóc suốt chặng đường đi tiếp theo. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc này, tôi cũng không cầm lòng được”, bà Lê Thị Hải Nhi nhớ lại.

Mặc dù phải chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ ngay trước mặt, kể cả sự hy sinh của đồng đội nữa. Thương đau vô cùng nhưng nữ chiến sĩ Lê Thị Hải Nhi vẫn nén lại để tiếp tục công việc của mình.

Ở Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn trong thời gian 2 năm từ 1968 đến 1970, bà Nguyễn Thị Kim Quy cũng làm nhiệm vụ lái xe chở súng, đạn, lương thực thực phẩm vào chiến trường. Vừa nhắc đến kỷ niệm ở chiến trường, mắt bà đã đỏ hoe. Giọng nói bà nghẹn ngào xúc động khi nhắc đến hình ảnh của 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Khi ấy, xe của nữ chiến sĩ này đi qua Ngã ba Đồng Lộc, bà còn với tay ra chào các chị em, 10 cô gái còn nói đùa với bà rằng, khi về nhớ có quà. Nhưng bà Kim Quy đâu có ngờ rằng, buổi gặp gỡ chốc lát với 10 cô gái lại là lần cuối cùng bởi khi xe bà đi ra thì các cô gái đã hy sinh.

“Nghe tin ấy, tôi đau đớn vô cùng bởi các cô gái ấy đều còn rất trẻ. Tôi chưa kịp đưa quà cho các cô như lời hứa lúc đi thì các chị, các em đã hy sinh hết rồi. Nén nỗi đau thương tột cùng đó, tôi càng quyết tâm phục vụ, sát cánh cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để góp phần giải phóng quê hương”, bà Nguyễn Thị Kim Quy bày tỏ.

Với bà Dương Thị The năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn nhớ rất rõ thời khắc bố cùng với dân làng ra đón khi nữ chiến sĩ này lái xe về làng năm 1972. Nhìn nét mặt rạng rỡ vui mừng và tự hào của bố cùng với bà con hàng xóm, người phụ nữ này cảm thấy thật vinh dự bởi chị đã hoàn thành nhiệm vụ tuy khó khăn, hiểm nguy nhưng đã góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc.

Khỏi phải nói thì ai cũng sẽ biết và hiểu rằng khi phụ nữ cầm vô lăng mà vào thời điểm chiến tranh thì vất vả biết nhường nào. Thức ăn của chị em khi đó chủ yếu là lương khô và rau rừng. Ăn uống kham khổ, công việc nặng nhọc chủ yếu chỉ được lái xe vào ban đêm và ban ngày thì mang xe đi giấu để không bị địch phát hiện. Hiểm nguy, gian nan là thế nhưng Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn đã thể hiện được bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ.

Giờ đây, mỗi năm các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn đều cùng nhau trở về thăm lại chiến trường xưa. Cảm giác được nhớ lại từng gốc cây, từng đoạn đường năm xưa mà các bà, các chị đã đi qua thật ý nghĩa. Mặc dù cảnh quan nơi này giờ đã phát triển và thay đổi nhiều nhưng với những người phụ nữ từng vào sinh ra tử ở chiến trường thì Trường Sơn mãi là con đường huyền thoại trong trái tim của mỗi người.

Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn C13 được thành lập ngày 18-12-1968, tiền thân là Trung đội Nữ lái xe, làm nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo lái xe duy nhất của quân đội trong hai cuộc kháng chiến của đất nước mang tên Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Hạnh. Đại đội gồm 40 nữ thanh niên xung phong.

Ghi nhận chiến công và những thành tích đặc biệt xuất sắc của các nữ lái xe Trường Sơn trong cuộc kháng chiến, ngày 23-7-2014, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho Đại đội Nữ lái xe Trường Sơn và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Đại đội trưởng Phùng Thị Viên.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/thoi-hoa-lua-cua-nhung-nu-lai-xe-truong-son-655368