Thời gian của đàn bà

1Tôi đến dự buổi sự kiện. Về kinh doanh.Có ca nhạc làm nóng mở đầu. Rồi giới thiệu quan khách. Rồi phát biểu nội dung chương trình. Các VIP chém gió. Ban tổ chức tặng hoa... Và cuối cùng là tiệc đứng. Một màn giao lưu kiểu Tây đang thịnh hành trong văn hóa giao tiếp nước ta.

Minh họa: Huỳnh Ty.

Nhấc một ly vang cầm tay. Tôi lượn lờ trong phòng tiệc, tia mắt xem có ông bạn nào đến dự thì đấu láo chút. Những gương mặt lạ lẫm lướt qua. Những nụ cười mỉm xã giao kèm theo những cái gật đầu chiếu lệ của những quý ông quý bà doanh nhân thành đạt. Tôi chạm cốc chào lại. Hơi thất vọng. Tôi đang nghĩ có lẽ mình lẳng lặng rút lui, ra quán bia hơi vỉa hè chém gió về giải bóng đá thế giới đang hồi căng thẳng với mấy ông bạn thì hay hơn.

Bỗng.

“Cậu Hùng! Sao lại ở đây?”

Một quý bà đứng sững trước mặt tôi. Cười cười. Gương mặt có những nét khá quen thuộc. Tôi căng đầu cố nghĩ xem ai. Chịu. Tôi không tài nào nhớ ra.

“Chị Bình. Dốc Cây Đa Nhà Bò đây”.

Tôi suýt đánh rơi ly rượu xuống nền nhà. Bàng hoàng.

“Sao cậu lại đi làm nhà báo?”.

Chị Bình hỏi luôn câu nữa, giọng thảng thốt. Đã mấy chục năm qua tôi không gặp chị...

“Sao chị lại là... giám đốc?”. Tôi hỏi lại, cũng sửng sốt không kém chị Bình.

Chị Bình bật cười khích khích... mở túi xách, đưa cho tôi cái danh thiếp rồi bảo: “Địa chỉ tổng công ty chị đây, lúc nào rỗi đến chơi chị kể cho nghe. Bây giờ chị phải đi tiếp khách. Cậu đến sớm nhé”.

Thì ra chị Bình là chủ của công ty đồng tài trợ sự kiện này. Trong lòng tôi bỗng dấy lên một nỗi tò mò vô hạn. Làm sao mà một người đàn bà lam lũ xưa, nay lại ra một quý bà doanh nhân thành đạt?

Và tôi đến.

2

Với mối thân tình xưa cũ, chị Bình mở lòng ngay.

“Chuyện của chị với Bảo, cậu biết rồi chị không kể nữa. Cơ mà ngay sau đó anh nhà chị cũng qua đời kia. Thật đúng là họa vô đơn chí. Chồng chết. Tiền hết. Tưởng không gượng lại được. Chị đem con bé Huyền My về gửi bà ngoại nuôi hộ. Bán gian phòng ở, lấy tiền chạy sang Đức kiếm ăn. Chị ở bên đó năm năm. Kiếm được một số kha khá rồi về Việt Nam. Mới đầu là mua đi bán lại nhà phố. Cơ mà số chị đỏ cậu ạ. Làm ăn gặp. Mấy anh cùng bên Đông Âu về rủ góp tiền mua cái nhà máy cũ ở cuối phố. Đập đi xây lại thành căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại. Thắng lớn cậu ạ. Rồi chị nhượng lại cổ phần cho các anh ấy, lấy tiền ra mua đất lập công ty riêng. Mới đầu cũng vất vả. Nhưng nay ổn rồi, nhà máy vận hành tốt, sản phẩm được thị trường chấp nhận. Doanh thu năm nào cũng tăng cao”.

Tôi ngắm bà chị. Chỉ còn vài nét của bà chị tốt bụng ở cạnh ký túc xá dốc Cây Đa Nhà Bò thời sinh viên của tôi xưa. Chị Bình giờ như một người đàn bà không tuổi. Độc thân. Tóc nhuộm màu. Khuôn mặt tô vẽ hoàn hảo. Thân hình săn chắc gọn gàng... “Chị đi tập gym hàng ngày đấy. Chị khoái nhất môn đấm bốc. Cậu có chơi được môn ấy không?”.

Tôi cười. Giờ mà tôi lên sàn, chắc bị chị cho knock out trong nửa giây. Tôi thắc mắc: “Cơ mà đang đi buôn nhà, sao chị lại biết mà đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ kia vậy?”.

Chị Bình cười khích khích. Vẫn cái giọng cười khi xưa, ngày chị bán hàng nước ở chân khu nhà tập thể. Cái quán nước tôi và thằng bạn tên Bảo hay ra ngồi. Mà tôi cũng gặp lại thằng Bảo cách đây chưa lâu. Cuộc đời của nó coi như thất bại. Hình như mỗi cá nhân đều có số phận định sẵn, không thể khác được.

“Số chị cũng may cậu ạ. Chị gặp nhiều người. Toàn những người đàn ông giỏi giang. Họ tư vấn cho chị”.

Sau khi gặp lại chị Bình, tôi tìm hiểu thêm. Hóa ra chị Bình khá nổi tiếng trong giới doanh nhân. Chị như có bàn tay vàng, động vào cái gì cái đó ra tiền. Chị giàu. Nhưng nghe nói khá tốn trai. Là thiên hạ đồn thế! Chị Bình lại cười khích khích khi trong một bữa ăn tối thân mật cùng với vài người bạn, tôi mượn hơi rượu hỏi suồng sã vậy. Chị bảo, thực ra không đến mức như thiên hạ đồn, nhưng quả là có một số kha khá đàn ông đã đi qua cuộc đời chị thật!

“Chị kể cho em nghe đi. Biết đâu em có thể viết thành một quyển tiểu thuyết”.

3

Tôi vẫn gọi chị Bình là chị. Và chị Bình gọi tôi là cậu từ xưa.

Cách xưng hô này hình như nó tự nhiên tạo cho mối quan hệ giữa hai người vốn xa lạ thành ra thân thiết. Có lẽ bởi trong gia đình người Việt, mối quan hệ giữa chị gái và cậu em trai cũng luôn đặc biệt hơn những mối ràng buộc ruột thịt khác. Một cách tự nhiên, bà chị được coi như người mẹ thứ hai của cậu em. Và cậu em cũng tự nhiên được hưởng cái quyền ngầy ngà, mè nheo bà chị...

Hồi đại học, tôi học một ngành không liên quan gì đến chữ nghĩa. Khá thời thượng. Thế nhưng sau hơn hai chục năm theo nghề, tôi bỗng thấy chán. Lắm lúc gần như là tuyệt vọng. Có hàng đêm tôi đã nằm tự vấn về cái mục đích sống của mình, mục đích công việc của mình. Đến một lúc bức bối không chịu nổi nữa, tôi bỏ việc chuyển sang viết lách. Tôi cũng có vài thành công. Và tôi trở thành, “nhà văn nói láo nhà báo nói điêu”, như lời thiên hạ bây giờ. Khi vô tình gặp lại, dù hơi bàng hoàng nhưng chị Bình lại có vẻ khoái. Chị bảo, dù gì có thằng em viết lách, nổi tiếng phết. Cũng hay!

Và thế là không như thông lệ của các doanh nhân thành đạt nước ta bây giờ. Rất kín tiếng. Chị Bình cực kỳ cởi mở với tôi...

4

Người đàn ông thứ tư của chị, gặp bên nước Đức.

Khi ấy chị mới ba mươi mốt tuổi còn anh ta ba mươi lăm. Anh ta sang nghiên cứu sinh. Anh ta không có gì nổi bật cả về hình dáng lẫn các tài lẻ. Thậm chí còn dị tướng: đen lùn, hói, râu quai nón rậm rì. Được cái học giỏi. Chị thì buôn bán giỏi. Sang Đức một thời gian, phù hợp với khí hậu chị bỗng đẹp ra một cách rực rỡ: Như bông hồng nhung mãn khai - ấy là lời anh ta tán tỉnh chị! Công việc buôn bán phải khuân vác hàng họ, đi lại khá vất vả. Thế nhưng nó lại như một hoạt động thể lực khiến cho chị săn chắc hơn cả hồi xưa. Và anh ta mê chị. Tán tỉnh ngày đêm. Thậm chí anh ta ly dị vợ ở Việt Nam để được chị chấp nhận. Rồi họ thành vợ chồng.

“Thì cậu tính, lúc ấy chị mới ngoài ba mươi. Đàn bà một thân một mình xứ người, sao mà ở nổi một mình được? Không ngã vào lòng người này cũng ngả vào vai kẻ khác mà thôi”.

Hồi hương, chị mua một căn nhà trên phố, đón con gái về ở. Chị lao vào làm kinh tế. Còn anh chồng giảng dạy ở một trường đại học chuyên ngành. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi. Khá sung túc. Rồi chồng chị muốn tham chính. Thế là chị gặp một số tay có máu mặt cùng từ Đông Âu về. Họ tư vấn cho chị bỏ tiền đầu tư đúng cửa. Và chồng chị từ giáo sư đại học trở thành quan chức cấp cao. Vị trí của chồng cũng khiến cho việc làm ăn của chị ngày càng phát đạt hơn. Nhưng chị và anh ta không có con chung. Chỉ có con riêng Huyền My nên chị dồn hết cả tình thương lẫn vật chất để chăm sóc con. Thuê riêng một nữ giáo viên âm nhạc trẻ về dạy piano tại nhà. Và tay chồng háo sắc của chị và nàng giáo viên piano đa tình kia nhảy bổ vào nhau lúc nào không biết. Bởi lúc đó tổng công ty của chị đang phát triển dữ dội. Rất nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước đổ về. Chị quay cuồng trên những chuyến bay xuyên đêm trong và ngoài nước. Đến khi hai kẻ khốn kiếp, một mang cái bộ mặt ủ ê rầu rĩ giả vờ, một mang cái bụng bầu tháng thứ năm tới văn phòng xin lỗi, thì chị Bình mới ngã ngửa người ra.

5

Chị Bình thuộc diện tốn trai.

Chồng chị là một. Lúc tôi biết thì anh ấy đã bị tai nạn lao động. Liệt vị. Rồi tay quản đốc phân xưởng gỗ bên Cầu Đuống. Tay này còm, hom hem. Tôi và thằng Bảo nhòm trộm họ tình tự ở vườn hoa Yersin rồi về phòng bình luận rằng, lão kia cưỡi lên bà Bình như con nhái bén ôm con ếch... Thế mà sau này do “hoàn cảnh đưa đẩy”- là lời thằng Bảo nói với tôi, chị quay sang “chén” luôn nó. Lúc ấy tôi cũng không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Xung năng đàn bà mãnh liệt của chị làm cho thằng Bảo sau vài năm diễn bài “cơm no bò cưỡi” cũng phải chạy mất dép. Hồi học trong trường năm thứ nhất, một ông giáo sư giảng về sinh lý học cơ thể con người nói, mọi vĩ nhân trên thế giới này hàm lượng nội tiết tố nam tính, testosterone trong máu đều cao hơn người bình thường. Mà testosterone chính là cái chất quyết định khả năng tình dục của một người. Thế nên những người tài năng thường máu gái! Giảng đến đó, thầy mỉm cười đắc ý, mắt ngước lên trần nhà có vẻ rất kiêu hãnh. Tôi hơi ngạc nhiên. Bởi cho đến lúc đó tôi vẫn nghĩ các ông thày đã là bậc giáo sư tiến sĩ thì phải gần bằng thần thánh chứ chả còn là người thường nữa. Cơ mà tôi nhầm to! Đến lúc giải lao, ra ngoài vỉa hè phố Lê Thánh Tông ngồi uống chè chén ở quán cóc của bà cựu nhân viên hành chính trong trường, hỏi thăm, bà ấy mới kể tông tốc ra một lô về ông thày nổi tiếng của tôi. Nào là bỏ bẵng bà vợ già suốt ngày cặp kè các em trẻ. Nào là bọn sinh viên nữ, đứa nào vú to mông nẩy cứ lên văn phòng áp vào sau lưng thày mà xin xỏ là kiểu gì điểm cũng cao. Cơ mà chị Bình thì khác, hồi xưa tôi đã thấy hàng họ của bà chị lúc nào cũng cứ nẩy tanh tách rồi. Sau mấy chục năm mới gặp lại, vẫn cứ nẩy! Tôi lại nhớ đến bài giảng của ông thày khi xưa. Hình như điều ấy đúng với cả đàn bà. Bà nào giỏi giang đều rực lên. Càng có tuổi càng rực hay sao ấy.

“Cậu đừng tưởng chị hết thời nhé! Nhầm nghiêm trọng đấy! Chị tập gym, yoga đều. Thỉnh thoảng lại bay nước ngoài sang sửa, làm trẻ lại. Chị mày vẫn hơi bị ngon đấy nhé!”.

6

Đánh đu theo bà chị một thời gian thì tôi hiểu, tại sao bà chị giàu thế.

Hầu như mọi quyết định kinh doanh của chị đưa ra đều do trực cảm chứ chả cần phải dựa trên các bài toán kinh tế phân tích nọ kia gì cả. Chị cứ cảm thấy được là quyết thôi. Cứ làm. Vướng mắc ở đâu thì gỡ ở đó. Mà môi trường kinh doanh ở ta bây giờ có cả muôn trùng rắc rối tơ vò.

“Nếu cứ đứng ngoài nhìn vào thì chả ai dám kinh doanh ở Việt Nam. Cứ xông vào làm, gặp gỡ trao đổi với các đối tác. Đối thoại với các cơ quan công quyền thì thấy nó cũng... đơn giản! Mọi việc đều có cách giải quyết. Mọi khó khăn vướng mắc đều có thể được tháo gỡ. Mọi chướng ngại đều có thể được san phẳng bằng sức mạnh của... ông Đô nan Trăm!”. Chị Bình lại cười khích khích.

“Thế nhưng mà nhỡ có bác nhớn, bác ấy không cần ông Trăm, bác ấy chỉ muốn “chén” thì chị tính sao?”.

“Tiên sư cái thằng này! Em út gì mà chỉ rình cơ móc máy chị vậy”. Chị Bình quay lại, chỉ thẳng vào trán tôi bảo: “Này, nhớn thế nào thì nhớn, cứ phải thích thì chị mới nhích, nhé! Còn không, cho A- lê- co- xon!” Kinh! Bà này còn bắn cả tiếng Pháp nữa!

Bạn cũ với tôi có vài tay cũng thuộc hàng đại gia. Thỉnh thoảng vẫn gặp uống rượu chém gió. Một thằng kể, “Bọn mày không biết đâu. Như chúng tao tiếng là đại gia, dưới quân quyền hàng nghìn người. Nói có người nghe, đe có người sợ. Thế nhưng nhiều lúc cũng nhục hơn chó. Cái thân mình ấy. Vào nhà sếp nhớn, phải nịnh khen từ con chó nhà nó khen đi. Ra ngoài xã hội, nhiều lúc còn phải hy sinh cả trinh tiết của mình vì công việc đấy!”.

Bàn rượu hôm ấy có thằng tí chết sặc vì cười. Mấy em nhân viên nhà hàng buồn cười quá, không chịu nổi, chạy ráo cả vào toa lét cười cho hết cơn về cái sự trinh tiết của tay đại gia U50, ba vợ, mấy tá nhân tình này.

7

Nhân nói chuyện thư giãn, có hôm tôi bảo chị Bình, “Này chị, làm ăn căng thẳng thế thì lúc nào chị hưởng thụ cuộc sống? Có làm việc thì phải có nghỉ ngơi. Chị cứ làm suốt không cho bản thân mình được thư giãn rồi sinh bệnh mà chết. Hỏi lúc ấy tiền nhiều mà làm gì?”.

Chị Bình nhìn tôi như nhìn vật thể lạ. Rồi chị hạ giọng, “Thế cậu tưởng chị đi suốt thế chỉ là công việc chắc. Chỗ cậu thì chị nói thật nhé, chị đi chơi là chính đấy!”.

Tôi nhớ ra là ông bạn đại gia của mình cũng từng bảo, “Càng doanh nghiệp lớn càng nhàn ông ạ. Mình chỉ đề ra chiến lược, xây dựng bộ máy cho chuẩn, xong rồi thì nhân viên cứ thế mà làm thôi. Mình chỉ kiểm tra giám sát và giao du thắt chặt các mối quan hệ là ok. Tôi nói thật, việc bận nhất của tôi bây giờ là... tán gái!”.

Tôi chợt hiểu. Bà chị tốn trai của mình cũng rất biết tận hưởng cuộc sống.

Một chiều chủ nhật. Tôi đang ngồi bên máy tính thì có điện thoại của chị Bình:

- A lô, lên Paradis uống rượu với chị đi. Paradis là quán bar ở gần quảng trường trung tâm phố cổ, nơi tập trung của giới thượng lưu Hà Thành.

- Em đang viết...

- Viết cũng bỏ đấy, lên đi!

Nghe giọng bà chị có vẻ gì rất lạ. Tôi đóng máy, phóng lên phố.

Chị Bình ngồi có một mình. Một chai Macallan limited đã khui trước mặt.

“Các ông anh thân thiết của chị đâu mà ngồi mình vậy?”.

Chị Bình không nói, lặng lặng rót rượu, ra hiệu cho tôi uống. Kể từ khi gặp lại sau hồi ở dốc Cây Đa Nhà Bò, tôi mặc nhiên được chị coi là chỗ thân thiết. Bởi chị cũng chả có nhiều người thân thích trong thành phố này. Mẹ thì đã mất từ lâu. Cô con gái duy nhất của chị đi học nước ngoài rồi yêu, cưới luôn một chàng trai ngoại quốc và định cư bên kia.

Chị Bình quý tôi vì nhiều lẽ. Vì chuyện xa xưa. Vì chuyện nay. Vì tôi biết nói lúc cần nói. Biết im lúc cần im. Như chiều nay. Tôi ngồi đối diện, nhưng cả hai chị em đều xoay người nhìn ra quảng trường phố đi bộ. Chậm rãi uống rượu. Chiều xuống hình như tấp nập hơn. Từng tốp nam nữ trẻ trung phơi phới ríu rít chơi đùa, nhảy nhót. Tiếng nhạc văng vẳng rộn vào cả trong bar. Nhiều gia đình cả vợ chồng con cái dắt nhau dạo phố, thong thả nối tay nhau đi. Vô sự. Nhẩn nha. Thanh bình.

Bỗng có tiếng gì. Như tiếng của nước mắt. Tôi xoay người lại...

“Cậu Hùng à, chị bỗng thấy cuộc đời vô nghĩa quá! Cả đời chị lăn lộn kiếm thật nhiều tiền. Và chị đã có rất nhiều tiền. Thế nhưng chiều nay ngồi một mình ngắm mọi người ngoài kia, chị bỗng thấy mọi sự vô nghĩa quá em ạ. Đời vô nghĩa quá...”.

Tôi nhìn người đàn bà mình đã quen biết mấy chục năm nay. Người đàn bà có gương mặt mà lắm lúc tôi nghĩ như là không tuổi. Tôi chợt thấy hình như bao nhiêu thời gian bỗng chốc đô dồn cả về một lúc. Trên những dòng nước mắt đang lặng lẽ xuôi...

Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/thoi-gian-cua-dan-ba-1312050.tpo