Thời gian biểu đầy ám ảnh của các bà mẹ bỉm sữa Nhật, xem xong các bà mẹ bỉm sữa Việt cũng 'hết hồn'

Thoạt nghe có vẻ đầy quyền lợi, suốt ngày ở nhà lo nấu nướng, giặt giũ, trông coi chơi cùng con cái, cuối tháng còn được trả lương, 'sướng thế cơ mà'. Nhưng sự thật thì không đơn giản như mọi người nghĩ.

Không giống như Việt Nam, làm nội trợ tại Nhật vốn được xem là một nghề nghiệp được công nhận và được trả lương đàng hoàng với thuật ngữ riêng - Sengyou Shufu, dịch nôm na là "Nội trợ chuyên nghiệp" hay "Nội trợ toàn thời gian". Độc đáo hơn, nghề này không chỉ dành cho phụ nữ mà còn có thể dành cho đàn ông.

Thời gian trước, khi vai trò "dâu hiền, vợ thảo" còn là chiếc gông đày đọa người phụ nữ Nhật, nhiều đàn ông Nhật luôn xem thường vợ mình vì suốt ngày chỉ quanh quẩn việc bếp núc, giặt giũ. Họ só sánh với công việc đầy áp lực ngoài xã hội. Tuy nhiên, giờ đây nội trợ thực sự được coi là một nghề của người phụ nữ Nhật. Người mẹ cống hiến 100% sức lực với việc chăm sóc con cái, quan tâm việc học và lo toan việc nhà. Và đây là điều mà họ cực kì tự hào về bản thân.

Nếu như đọc đến đây bạn đang nghĩ nghề nội trợ chỉ đơn giản là ngày đến công sở, tối về dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giặt giũ như các bà mẹ bỉm sữa ở Việt Nam thì bạn lầm rồi, nghề nội trợ ở Nhật cực kì vất vả.

Ngoài việc gìn giữ nhà cửa cho đẹp đẽ, sạch sẽ, đảm bảo ngày 3 bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho cả nhà, quan hệ hàng xóm láng giềng, thực hiện những nghĩa vụ của một hộ gia đình trong tổ dân phố, người phụ nữ còn phải lo lắng cho việc học tập của con cái, từ khi vào mẫu giáo cho tới khi tốt nghiệp đại học và xin việc làm.

Việc lựa chọn trường mẫu giáo nào, tiểu học nào, hoặc cho con thi vào trường cấp 2 hoặc cấp 3 nào để có thể sau này vào được trường đại học nào... đa phần là do các bà mẹ suy nghĩ, lựa chọn và giai đoạn sau cùng là báo cáo lại với chồng để cùng nhất trí.

Người mẹ được cho là phải tận tâm hết sức chăm lo cho con mọi điều. Nếu bạn còn nghi ngờ đều đó, hãy xem lại trào lưu chuẩn bị cơm hộp cho con của các bà mẹ Nhật. Phụ nữ Nhật kì công dành nhiều giờ liền để chuẩn bị những bữa cơm trưa rất dễ thương cho con mang đến trường.

Một khi trẻ đi học mẫu giáo, người mẹ cần theo sát con trong mọi hoạt động của trường, từ những việc thêu bảng tên của con lên đồ vật của con hay việc đảm bảo con biết thể hiện thái độ đúng mực với giáo viên, người lớn tuổi.

Họ là người cầm cân nảy mực trong quản lý tài chính của gia đình. Chi tiêu cho vấn đề gì, chi tiêu như thế nào, từ việc nhỏ đến việc lớn là công việc của người phụ nữ.

Sự phân chia trách nhiệm này có thể nói là được "chuyên môn hóa" sâu sắc đến mức trang Japan-Talk còn hướng dẫn người nước ngoài nhận diện nam giới Nhật chưa lập gia đình bằng cách minh họa hình ảnh một người đàn ông đầu tóc bơ phờ, áo quần xốc xếch, trên tay cầm một loại thức uống công nghiệp chứ không phải là một hộp cơm trưa với chú thích "Người đàn ông này hiển nhiên là còn độc thân".

Đã là một nghề thì đương nhiên sẽ được trả lương, vậy ai sẽ trả lương cho những bà nội trợ chuyên nghiệp này? Và mức lương là bao nhiêu? Tất nhiên không phải là bất kỳ ông chủ nào, cũng không phải Giám đốc công ty nào mà người trực tiếp có trách nhiệm trả lương cho họ chính là chồng/vợ. Vì với họ, nội trợ là một công việc quá khó, một công việc cần được trả tiền vì nếu như không có vợ thì họ cũng sẽ phải thuê một người khác để chăm sóc con cái mình và phải trả một số tiền tương ứng, thậm chí còn lớn hơn. Người ta rất coi trọng người phụ nữ làm việc nhà, đó là việc rất cao quý, là việc mà đàn ông tưởng chừng như không có phụ nữ gánh vác thì họ khó lòng làm gì được, không thể yên tâm với công việc của mình.

Ngoài ra, phải nói thêm là người nội trợ ở Nhật Bản không chỉ có lương mà còn có lương hưu. Lương của bà nội trợ Nhật được cộng gộp vào tiền lương của chồng hàng tháng và không chỉ trực tiếp nhận lương của chồng, bà nội trợ Nhật còn được nhà nước cấp cho 50% lương hưu của chồng.

Nếu chỉ là những việc nội trợ như vậy thôi thì cuộc sống của họ thực là đơn điệu và buồn tẻ. Nhưng không phải vậy. Giữa những công việc gia đình bộn bề, họ vẫn bố trí thời gian để tham gia những lớp học tùy sở thích của mỗi người. Ví dụ học nấu ăn, học vẽ, học cắm hoa, học chụp ảnh hoặc học để lấy chứng chỉ về những kiến thức chuyên môn, ví dụ về rau quả, về rượu vang...

Và đây chính là thời gian biểu làm việc điển hình của một người "nội trợ chuyên nghiệp" (đã có 2 con) tại Nhật Bản, đảm bảo xem xong các bà mẹ bỉm sữa ở Việt Nam cũng phải khóc thét:

Trên chỉ là thời gian biểu điển hình của một người vợ làm nghề "nội trợ chuyên nghiệp" có 2 con. Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình, thói quen, nề nếp sinh hoạt mà những người hành nghề này sẽ có cách phân bổ thời gian phù hợp khác nhau, nhưng nhìn chung các hoạt động như trên vẫn không có gì thay đổi.

Riêng với người làm nghề "nội trợ chuyên nghiệp" mà vẫn làm việc thêm bên ngoài thì thời gian biểu sinh hoạt thậm chí còn nặng nề hơn, xoay như chong chóng, ngày này qua ngày nọ không thay đổi.

Với việc làm mẹ gần như được nâng tầm lên thành nghệ thuật, thật không khó để hiểu tại sao phụ nữ Nhật sẵn sàng gạt bỏ sự nghiệp sang một bên để toàn tâm nuôi dạy con cái trong khi văn hóa Nhật Bản chính là làm việc không ngừng nghỉ, đặt công việc lên trên gia đình và lương thấp – nguyên nhân cốt lõi đằng sau việc thiếu hụt lao động nữ toàn thời gian ở các công sở.

Lily (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/thoi-gian-bieu-day-am-anh-cua-cac-ba-me-bim-sua-nhat-xem-xong-cac-ba-me-bim-sua-viet-cung-het-hon-20200818121201553.htm