Thổi giá lan đột biến để lừa bịp

Chuyên gia nhận định nhiều người đang lợi dụng mức độ quý hiếm của lan đột biến để thổi giá lên cao hoặc tạo ra những thương vụ ảo, khiến thị trường mua bán hoa lan bị xáo trộn.

Hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến các thương vụ mua bán lan đột biến xảy ra vừa qua khiến người dân lo lắng khi thị trường mua bán lan đang bị xáo trộn. Nhiều người đặt câu hỏi về giá trị thực sự của loài lan này.

Không đúng giá trị thực

Trao đổi với Zing, ông Trần Công Cảnh, Phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho biết lan đột biến là một cá thể hoa được tìm thấy và phát hiện trong rừng nhiệt đới của Việt Nam. Đây là loài hoa lan quý và hiếm.

Giá trên thị trường của loài lan này cao hay thấp phụ thuộc vào mức độ quý hiếm của từng loại. Tuy nhiên, ông Cảnh cho rằng dù quý và hiếm, đây vốn chỉ là loại hoa, loại cây để ngắm. Nhiều người đang thổi giá loài lan này để trục lợi.

 Nhiều người đổ xô kinh doanh lan đột biến vì lợi nhuận cao. Ảnh: Quốc Nam.

Nhiều người đổ xô kinh doanh lan đột biến vì lợi nhuận cao. Ảnh: Quốc Nam.

"Loài hoa này ban đầu không có giá 5-10 tỷ, nhưng nhiều người mua qua bán lại, thổi giá lên khiến thị trường lan đột biến trở nên sôi động. Lúc này, người ta mới rao bán những cây lan với giá vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ", ông Cảnh nói.

Do đó, dù rất mừng khi thấy loài lan này có thể được phát triển và nhân giống, ông Cảnh phản đối việc giá lan đột biến đang bị đẩy lên quá cao, không đúng giá trị thực. Vị chuyên gia nhận định việc thổi giá này đã làm xáo trộn thị trường mua bán lan.

Theo PGS TS Đặng Văn Đông, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, hoa lan là loài thực vật có thể xảy ra biến dị sinh học trong quá trình phát triển.

Việc xuất hiện lan đột biến là hiện tượng tự nhiên của sinh vật, không chỉ diễn ra ở cây lan mà ở mọi loại sinh vật. Loại lan này có từ lâu nhưng trước đây chưa được chú ý.

Cần chặn những thương vụ bất minh

Theo ông Đông, những cây lan đột biến mà người dân thường thấy chưa chắc đã là loại lan hình thành từ sự “biến dị đột biến”, mà còn có thể là do "biến dị tái tổ hợp". Tức là quá trình thụ phấn đã tạo ra những hạt lan lai, để từ đó tạo ra những cây lan mới, khác với đặc tính, màu hoa của cây bố mẹ.

Trong một số cây mà mọi người gọi “đột biến”, có thể có cả những cây thường biến (biến dị không di truyền) tức là cây chỉ khác biệt với cây gốc (hoặc cây mẹ) ở thời gian và môi trường nhất định, sau đó sẽ trở về trạng thái, với những tính trạng ban đầu.

"Điều này lý giải tại sao một số cây ban đầu có màu hoa này, sau lại chuyển sang màu hoa khác", ông Đông nói.

Thị trường hoa lan đang bị xáo trộn bởi nhiều vụ lừa đảo, thổi giá. Ảnh: Gia An.

Nói về giá trị của loài lan này, ông Đông cho biết “lan phi điệp đột biến” mới chỉ được công nhận giá trị về mặt sinh vật cảnh, chưa có công trình khoa học nào công bố tác dụng làm dược liệu hoặc công dụng khác.

"Nếu nói về 'cái đẹp', đây là chỉ tiêu định tính nên còn phụ thuộc vào con mắt và sự cảm nhận của mỗi người. Nếu có người yêu thích loại hoa này mà tạo ra những 'cơn sốt' về giống lan đó thì không biết thị trường sẽ ra sao?", ông Đông đặt câu hỏi.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo nhiều người đang lao vào tìm mọi cách để nhân nhanh, phát triển những cây lan đột biến, nhưng có những người yêu hoa chưa có điều kiện tiếp cận được những giống lan đột biến này.

Thời gian sau nữa, khi loại hoa này được nhân giống và phát triển, lúc đó sẽ có nhiều cây lan đẹp tương tự, giá hạ hơn, mọi người có thể dễ dàng mua với giá hợp lý hơn.

Ông Đông cũng khuyến cáo những người đang có kế hoạch đầu tư kinh doanh loại lan này cần tìm hiểu kỹ thị trường và giống cây, đưa ra lựa chọn sáng suốt. Người dân cần cân nhắc kỹ để tránh việc đầu tư số tiền lớn nhưng không tiêu thụ được.

Trong khi đó, chuyên gia Trần Công Cảnh cho rằng các cơ quan chuyên môn có thể khuyến cáo người dân, đồng thời hỗ trợ phát triển, nhân giống loài lan này một cách bài bản.

Quan điểm của vị chuyên gia là phải đưa được đến với nhiều người, phù hợp với đa số người chơi cây cảnh, đồng thời đảm bảo đời sống của những người kinh doanh về lan, nhưng cũng cần chặn những thương vụ trục lợi, thổi giá.

"Không phải vì lan quý và hiếm mà để xảy ra tình trạng kinh doanh đẩy giá, lừa bịp lẫn nhau, làm lợi bất chính", ông Cảnh đưa quan điểm.

Trao đổi với Zing chiều 13/4, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo lừa đảo liên quan việc mua bán hoa lan đột biến. Theo chỉ đạo của Bộ Công an, Công an Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương xác minh, điều tra.

Tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), công an đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo liên quan việc mua bán hoa lan đột biến.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền bài viết có nội dung chủ vườn lan H.T. (ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bỏ trốn cùng khoảng 200 tỷ đồng của người mua bán hoa. Tuy nhiên, em trai của anh N.H.T. (chủ vườn lan) phủ nhận thông tin trên và cho biết anh T. đang làm việc với cơ quan công an về "thông tin thất thiệt".
Em trai chủ vườn lan cho biết anh T. đang là nạn nhân trong một cuộc làm ăn.

Mỹ Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/can-chan-nhung-thuong-vu-thoi-gia-lan-dot-bien-de-truc-loi-post1204227.html