Thời điểm nhân viên y tế dễ bị nhiễm nCoV khi tiếp xúc bệnh nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Huy, khi thực hiện thủ thuật đặt ống nội khí quản hay thở máy cho bệnh nhân, các nhân viên y tế rất dễ bị dính giọt bắn mang virus.

Được cử tới chi viện cho Bắc Giang và làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích điều trị Covid-19, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thành Huy, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết thực tế là trước đây, cơ sở này chỉ điều trị bệnh nhân tâm thần, không điều trị bệnh nhân nặng. Do đó, công việc của đội ngũ y, bác sĩ gần như không liên quan kiểm soát nhiễm khuẩn.

"Chính vì vậy, khi chuyển sang công năng mới là Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị Covid-19, nơi này phải thiết lập mới gần như hoàn toàn hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn. Mục tiêu cuối cùng là làm sao trong quá trình hoạt động, bệnh nhân được điều trị tốt nhất và nhân viên y tế an toàn nhất, không để xảy ra lây nhiễm chéo", bác sĩ Huy chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Thành Huy cho biết trong quá trình làm việc của y, bác sĩ, thời điểm dễ lây nhiễm nCoV nhất là khi thực hiện các thủ thuật như đặt ống nội khí quản hay công việc liên quan thở máy, ECMO. Lúc đó, khả năng nhân viên y tế bị dính giọt bắn mang virus rất cao. Vì thế, các quy trình này được đội ngũ kiểm soát nhiễm khuẩn giám sát, nhắc nhở rất nghiêm ngặt, không để xảy ra sai sót.

"Chúng tôi hàng ngày phải kiểm tra giám sát rất chặt chẽ, điều chỉnh từ khâu mặc trang phục phòng hộ, chừng nào mà người giám sát của kiểm soát nhiễm khuẩn thấy an toàn thì mới cho nhân viên y tế bước vào khu điều trị", bác sĩ Huy chia sẻ.

Khi vào bên trong, các hoạt động như vệ sinh môi trường, vệ sinh bề mặt, vệ sinh thiết bị máy móc dụng cụ phục vụ điều trị đều rất tỉ mỉ và quan trọng.

 Nhân viên y tế có nguy cơ cao hứng giọt bắn mang virus khi thực hiện các thủ thuật như đặt nội khí quản, thở máy hay ECMO. Ảnh: Bộ Y tế.

Nhân viên y tế có nguy cơ cao hứng giọt bắn mang virus khi thực hiện các thủ thuật như đặt nội khí quản, thở máy hay ECMO. Ảnh: Bộ Y tế.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho biết hệ thống thông khí, thông gió, nhiệt độ phải không quá nóng (vì nhiệt độ càng cao, nguy cơ nhiễm trùng càng cao).

“Trong hồi sức tích cực, nhiệt độ 24-25 độ là phù hợp. Trước đây, không có điều hòa nhiệt độ vì điều hòa phòng kín thì không đảm bảo lưu thông. Trong trường hợp này, làm sao kết hợp vừa giảm được nhiệt độ (điều hòa cây) và mở cửa thông gió, để giảm nguy cơ nhiễm trùng”, bác sĩ Huy nói.

Việc cải thiện điều kiện nhiệt độ như thế giúp bệnh nhân dễ chịu và nhân viên y tế với trang phục phòng hộ trên người có thể chịu được để làm việc trong thời gian dài.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Huy, công đoạn cũng dễ lây nhiễm nhất là cởi phương tiện phòng hộ khi hết ca. Các bác sĩ phải cử người giám sát từng bước.

Đặc biệt, chất thải cũng là nguồn lây nhiễm. Quá trình điều trị sẽ phát sinh chất thải y tế, dụng cụ y tế, đồ vải y tế (áo quần nhân viên, bệnh nhân, drap bệnh nhân...). Vì vậy, việc thu gom cũng phải đảm bảo quy trình để xử lý và tái sử dụng an toàn.

“Chúng tôi bố trí thời gian thu gom, luồng đi, nơi và cách thức xử lý. Dụng cụ y tế thì ở đây không có hệ thống tiệt khuẩn nên phải tổ chức khử nhiễm tại chỗ rồi chuyển sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiệt khuẩn, sau đó mới chuyển về”, bác sĩ Huy thông tin.

Mai Phương - Ngọc Mai

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-diem-nhan-vien-y-te-de-bi-nhiem-ncov-khi-tiep-xuc-benh-nhan-post1227872.html