Thời điểm này, giữ vàng là thiếu khôn ngoan?

Với 500 tấn vàng trong dân, tôi tin chỉ cần có một chút lãi suất nào đó, người dân sẽ ủng hộ việc huy động. Duy chỉ có điều, đối tượng là gia đình cán bộ dẫu là vàng có nguồn gốc rõ ràng cũng khó bỏ ra vì ngại chuyện lý giải.

Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân diễn ra tại Hà Nội, các doanh nhân đã mong muốn Chính phủ chia sẻ trước thông tin người Việt Nam gửi hơn 3 tỉ USD sang Mỹ để mua nhà.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, điều vừa nêu trên một phần cho thấy ở một khía cạnh khác, rất cần suy nghĩ về câu chuyện này. "Ví dụ như có chăng vì vấn đề lãi suất USD bằng 0, ngành ngân hàng nên quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân" - Thủ tướng nói.

Tôi thấy băn khoăn về một thời gian dài vừa qua, chủ trương của nhà nước không khuyến khích trả lãi khi người dân muốn gửi ngoại tệ mạnh và kim loại quý vào ngân hàng. Nó có cái gì đó chưa ổn trong khi chúng ta thì cần vốn phải đi vay nước ngoài.

Người dân Việt Nam lâu nay vẫn có truyền thống tích trữ vàng. Ảnh: TBNH

Người dân Việt Nam có lẽ cũng là nước khá tiêu biểu ở châu Á có truyền thống giữ vàng trong nhà làm “của để dành” phòng xa.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm lại đây, thị trường vàng nước ta ít biến động, giá vàng không còn chênh nhiều so với thế giới, tình hình kinh tế, chính trị nói chung cũng ổn định nên việc dân giữ vàng trong nhà không còn là cách tối ưu.

Tôi nghĩ, đây là thời điểm thích hợp khi chúng ta bàn về chủ trương vận động người dân bỏ vàng ra xây dựng đất nước theo kiểu “cho vay với lãi suất thấp”.

Trong buổi  việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói: “Các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất trúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VNĐ".

Thống đốc Ngân hàng cũng dẫn chứng, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, một phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành VNĐ và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.

Rồi ông Hưng khẳng định: “Ngay cả với vàng, trong những năm qua chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa mà chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực, nhưng làm sao bảo đảm ổn định".

Chúng ta có khoảng 500 tấn vàng trong dân

Nếu căn cứ vào con số do Hiệp hội Kinh doanh vàng Thế giới công bố dựa trên số liệu nhập vàng của Việt Nam thì lượng vàng trong dân khoảng 500 tấn (13,3 triệu lượng), tương đương 20 tỉ USD.

Đây là nguồn tài chính khá lớn cần cho nền kinh tế, trong bối cảnh việc huy động vốn của các ngân hàng đang gặp khó, 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn tín dụng từ các ngân hàng.

Nhưng để huy động được nguồn lực này, cần thiết tư duy theo hướng: Huy động vàng trong dân làm sao để dân có lợi.

Tôi tin chỉ cần có một chút lãi suất nào đó, có thể “chỉ gọi là” thôi cũng được, người dân sẽ tích cực hưởng ứng.

Cái khó nằm ở chỗ, trong hơn 500 tấn vàng đang nằm trong nhà dân, khi nhà nước huy động thì đối tượng nào sẽ hưởng ứng?

Đối tượng gia đình cán bộ, quan chức khó bỏ ra vì ngại chuyện lý giải vì sao mình lại có nhiều vàng như thế?

Đối tượng trữ vàng nhờ kinh doanh giỏi thì lúc nào cũng phòng xa: “ngộ lúc khó vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng thì còn bán vàng mà dùng, khỏi cần phải vay mượn”.

Đối tượng còn lại, không nhiều vàng như hai đối tượng trên nhưng là chiếm đa số. Phần lớn người dân phải được hưởng đôi chút lợi lộc gì thì mới "dũng cảm" bỏ vàng ra, xem như đầu tư sinh lời nhưng lại được bảo toàn vốn so với việc gửi nội tệ ngân hàng.

Với tình hình hiện tại, kinh tế ổn định, chính trị cũng có thể xem như vậy và tăng trưởng kinh tế nhích dần đều, một khi nhà nước muốn huy động vàng nhàn rỗi trong dân thì cần có chính sách khuyến khích để dân có lợi mà nhà nước cũng đỡ phải vay nước ngoài như đi vay vốn ODA chẳng hạn.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thoi-diem-nay-giu-vang-la-thieu-khon-ngoan-793696.html