Thời điểm Hà Nội cân nhắc nới lỏng hoạt động xã hội

Dưới góc nhìn kinh tế, chuyên gia cho rằng nới lỏng từng phần, từng khu vực là điều cần thiết khi ca bệnh ở Hà Nội chỉ rải rác với nguy cơ không cao.

Hai tuần qua, ngoại trừ ổ dịch tại huyện Đông Anh tiếp tục có ca dương tính mới, 29 quận, huyện, thị xã còn lại của Hà Nội cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Các ca mắc mới chủ yếu trong khu cách ly (gồm các F1 và người nhập cảnh). Ngày 10/6, tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết TP đang cân nhắc nới lỏng một số hoạt động thiết yếu.

Đồng tình với quan điểm này, GS. TS Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng đây là thời cơ hợp lý để TP tính đến các phương án nới lỏng, hạn chế tác động đến kinh tế, đời sống người dân.

Đánh giá từng khu vực để nới lỏng

Theo ông Cường, khi dịch bùng phát, Hà Nội đã chống dịch bài bản, quyết liệt, minh chứng cho việc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP đã có nhiều kinh nghiệm, năng lực trong vấn đề này. TP cũng rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc hạn chế, tạm dừng các hoạt động kinh doanh, để duy trì mục tiêu kép.

Nơi không có yếu tố dịch bệnh, Hà Nội nên nới lỏng để người dân sớm ổn định cuộc sống

GS. TS Hoàng Văn Cường

"Khi dịch bùng phát, tùy thuộc vào mức độ lây lan, TP đã có các phương án phù hợp, đảm bảo nghiêm các quy định, nhưng vẫn hạn chế phần nào tác động lên đời sống người dân. Như thay vì dừng hẳn hoạt động hàng quán, TP vẫn tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh bán mang về", ông Cường nói với Zing.

Đánh giá tình hình dịch hiện nay cơ bản ổn định, nhiều quận, huyện không phát hiện ca nhiễm mới nhiều tuần, vị giáo sư cho rằng TP cần tính đến những bước nới lỏng tiếp theo. TP cần đánh giá tổng thể nguy cơ của từng khu vực, khoanh vùng một cách chi tiết, từ đó đưa ra các phương án hạn chế, giãn cách hay duy trì hoạt động kinh doanh của người dân.

 Quán ăn tại Hà Nội chỉ được bán mang về từ ngày 25/5. Ảnh: Đức Anh.

Quán ăn tại Hà Nội chỉ được bán mang về từ ngày 25/5. Ảnh: Đức Anh.

"Tại khu vực có nguy cơ, TP vẫn duy trì chế độ chống dịch quyết liệt cùng các biện pháp cần thiết. Còn tại nơi không có yếu tố dịch bệnh, TP nên nới lỏng để người dân sớm ổn định cuộc sống. Chúng ta không áp dụng một cách máy móc, đồng loạt các biện pháp chống dịch trên tất cả địa bàn", vị chuyên gia phân tích.

Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng song hành với các biện pháp nới lỏng, các địa phương cần quản lý chặt chẽ hơn để người dân tuân thủ nguyên tắc, sống chung an toàn với dịch bệnh. Trong đó có quy định 5K của Bộ Y tế, chỗ ngồi cho khách hàng đủ khoảng cách, kiểm tra thân nhiệt và rửa tay thường xuyên...

Ông kiến nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP sớm đánh giá, phân vùng đối với các khu vực có nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn, từ đó áp dụng các biện pháp phòng dịch phù hợp. Theo ông, việc phân vùng có thể theo các yếu tố như số F0, F1, F2, số điểm bị phong tỏa, số ngày chưa ghi nhận ca mắc mới...

Hà Nội cân nhắc cẩn trọng

Trao đổi với Zing sáng 15/6, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh (Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội) cho biết Thành ủy Hà Nội đã có chủ trương về vấn đề nới lỏng từng bước khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Quận, huyện nào không có bệnh nhân, không có khu vực phong tỏa thì không có nguy cơ

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn

"Chủ trương có rồi, nhưng thành phố phải cân nhắc rất kỹ. Hà Nội vẫn còn một số ca bệnh rải rác trong cộng đồng. Diễn biến ở các tỉnh, thành khác vẫn rất phức tạp, đặc biệt là TP.HCM. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội phải đánh giá rất cẩn trọng", ông Hạnh cho biết TP sẽ sớm có quyết định về vấn đề này.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế, Hà Nội sẽ căn cứ vào quy định hiện hành của Bộ Y tế về đánh giá mức độ nguy cơ đối với các địa phương. Cùng với đó, ngành y tế sẽ có đánh giá về mặt chuyên môn, tham mưu cho UBND thành phố để đưa ra các quyết định phù hợp.

Người dân được yêu cầu không tụ tập tại khu vực công cộng. Ảnh: Đức Anh.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết tình hình dịch bệnh ở Hà Nội cơ bản được kiểm soát. Thành phố vừa phát hiện ca bệnh ở Bệnh viện Đức Giang; tuy nhiên, các trường hợp F1 đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Theo ông Tuấn, nguồn bệnh đáng lo nhất đối với Hà Nội hiện giờ là người về từ TP.HCM mà không khai báo y tế, đây là nguy cơ mầm bệnh trong cộng đồng. "Nếu họ chủ động khai báo, khi có dấu hiệu nghi ngờ sẽ lấy mẫu thì kiểm soát được. Đến nay, ngoài một trường hợp ở Hà Đông, chưa có trường hợp nào", ông Tuấn nói.

Về lộ trình nới lỏng một số hoạt động, ông Tuấn cho biết các cơ quan chuyên môn của TP đang kiến nghị, đề xuất, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội đang xem xét. Ông cũng cho biết CDC Hà Nội có thể đề xuất theo hướng nới lỏng từng khu vực.

"Quận, huyện nào không có bệnh nhân, không có khu vực phong tỏa thì không có nguy cơ. Nơi có điểm phong tỏa nhưng đã hết thời hiệu thì coi như khu vực nguy cơ thấp. Hà Nội hiện còn 9 quận, huyện có điểm phong tỏa là khu vực có nguy cơ. Vì vậy, có thể cân nhắc nới lỏng theo khu vực, nhưng việc này thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội", ông Tuấn nói.

Theo Phó giám đốc CDC Hà Nội, có thể TP sẽ ưu tiên các hoạt động kinh doanh ăn uống trước, rồi hoạt động thể dục thể thao, từng bước nới lỏng loại hình kinh doanh, dịch vụ như karaoke, quán bar, massage...

Theo Quyết định số 2686 năm 2021 về đánh giá mức độ nguy cơ trong phòng chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các quận, huyện được phân thành nhóm nguy cơ như sau:

Nguy cơ rất cao: 30% số xã trở lên có chùm F0 chưa rõ nguồn lây, nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc 50% số xã trở lên có F0 chưa rõ nguồn lây. Hoặc nơi có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lan nhanh trên 50% số xã.

Nguy cơ cao: 30% số xã trở lên có F0 chưa rõ nguồn lây, nằm rải rác trên địa bàn huyện hoặc 50% số xã trở lên có F0 hoặc có 1 xã có chùm F0 chưa rõ nguồn lây. Có nguồn lây nhiễm khó kiểm soát và có nguy cơ lây lan nhanh trên 20% số xã.

Nguy cơ: Trong 14 ngày, số F0 xác định được nguồn lây vượt tỷ lệ 1/100.000 người. Có xã ở mức độ nguy cơ rất cao hoặc 20% xã có nguy cơ cao hoặc 30% xã có nguy cơ.

Sơn Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoi-diem-ha-noi-can-nhac-noi-long-hoat-dong-xa-hoi-post1227346.html