Thời điểm chín muồi cho đầu tư vào Việt Nam

Hội trường hội nghị đầu tư quốc tế của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mang tên Vietnam Access Day trong ba ngày từ 5 đến 7-3 không còn chỗ trống vì những nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế cùng đến để nghe và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

 Các diễn giả trong phiên thảo luận về thương mại điện tử tại hội nghị đầu tư quốc tế do Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức. Ảnh Toàn Lê

Các diễn giả trong phiên thảo luận về thương mại điện tử tại hội nghị đầu tư quốc tế do Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức. Ảnh Toàn Lê

Ấn tượng với những thành tựu phát triển Việt Nam đã đạt được, ông Tony Foster, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringe, người đã có 25 năm sống và làm việc tại Hà Nội, nói vui rằng sự phát triển của Việt Nam dễ dàng nhìn thấy qua khung cửa sổ. “Khi tôi mới đến Hà Nội, văn phòng lẫn nhà tôi ở đều nằm kế bên nhà lụp xụp. Thế nhưng cả hai hiện nay đều nằm kế các khách sạn 5 sao sang trọng. Văn phòng của tôi nằm kế khách sạn Melia, một trong những nơi vừa qua đã đón chào những nhà lãnh đạo trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều”, ông Tony nói và cho rằng chỉ cần nhìn ra cửa sổ phòng làm việc hay nhà của mình thì có thể hình dung Việt Nam đã đi xa thế nào trong những năm vừa qua.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết năm 2018 Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 7,08%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, nhưng điều đáng mừng là sự tăng trưởng này không đi cùng tăng trưởng tín dụng cao như những năm trước. Năm 2018, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vào khoảng 14%, mức thấp nhất trong bốn năm gần đây. Ông Thành cũng cho rằng năm 2018 nhiều người quan ngại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến kinh tế Mỹ - Trung, thế nhưng trên thực tế cả xuất khẩu lẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đều ghi nhận có sự tăng trưởng. Ông dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay sẽ ở mức 6,8-6,9%, với lạm phát vào khoảng 3,9% và tăng trưởng tín dụng 13-14%.

Trong số các ngành được trình bày tại hội nghị, bán lẻ và đặc biệt là thương mại điện tử (e-commerce) được đông đảo nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu.

Thương mại điện tử: thời điểm tốt để “nhảy vào”

Nói về thương mại điện tử, ông Aske Ostergaard, CEO của Công ty nghiên cứu thị trường Decision Lab, cho biết số lượng các trang web thương mại điện tử đã tăng “chóng mặt” từ năm 2014 đến nay. Cụ thể, năm 2014 nếu số trang web thương mại điện tử là 4.653 thì con số này trong các năm 2015, 2016, 2017 lần lượt là 9.429, 13.510 và 18.783, tăng gấp bốn lần chỉ trong ba năm. Điều đặc biệt là hiện nay mọi sản phẩm mà người tiêu dùng thường mua tại siêu thị, đại lý, chợ... đều đã được bày bán trên các trang thương mại điện tử.

Theo Decision Lab, 46% người Việt mua hàng trực tuyến bằng điện thoại thông minh, 42% qua máy tính và 12% bằng phương pháp khác.

Doanh thu thương mại điện tử cũng có mức tăng đáng kể với 6,2 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, tăng 24% so với 5 tỉ đô la trong năm 2016. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có doanh thu thương mại điện tử đứng thứ 2, sau Indonesia. Năm 2017, doanh thu thương mại điện tử của Indonesia là 7,1 tỉ đô la Mỹ, kế đến là Việt Nam với 6,2 tỉ đô la, gấp hơn hai lần mức doanh thu của Thái Lan.

Một điểm nhấn mà CEO Decision Lab đưa ra đó là các nhà đầu tư châu Á đang rót nhiều tiền vào các “tay chơi lớn” của thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Cụ thể như JD.com - công ty bán lẻ trực tuyến theo mô hình “B2C” (trực tiếp từ doanh nghiệp đến khách hàng) lớn thứ hai tại Trung Quốc, hồi tháng 1-2018 đã đầu tư 44 triệu đô la Mỹ vào Tiki. Tính đến tháng 3-2018, Alibaba đã đầu tư 4 tỉ đô la Mỹ vào Lazada. Tháng 2-2018, Creador đã rót 43,8 triệu đô la vào Thế giới Di động.

Khi được hỏi liệu có phải đã quá trễ để đầu tư vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam, ông Aske Ostergaard, cho rằng đây là thời điểm tốt để đầu tư vào e-commerce. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam chính là thỏi nam châm phát triển trong thời điểm này. Đây là thị trường lớn về thương mại điện tử.

Bà Hằng Đỗ, Giám đốc điều hành của SCommerce, cũng nhận định đây là thời gian hợp lý để đầu tư vào e-commerce tại Việt Nam vì đất nước vẫn đang ở giai đoạn đầu trong hành trình phát triển của thị trường số. Thứ nhất, về con người, ngày càng có nhiều bạn trẻ được đào tạo bài bản để khởi nghiệp và phát triển quy mô công ty. Thứ hai, về vốn, có nhiều doanh nhân sau khi thành công ở các ngành nghề khác sẽ trở thành nhà đầu tư thiên thần. Thứ ba, so với khu vực, Việt Nam đang là thị trường trẻ, năng động và tích cực với nhà đầu tư.

Trong khi đó, ông Bob Willet, thành viên Hội đồng quản trị của Thế giới Di động và PNJ, nhận xét rằng Việt Nam là một trong những thị trường tốt nhất để đầu tư vào thời điểm này; rất nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang đến Việt Nam để tìm những đối tác phù hợp.

Thị trường bán lẻ: nhiều mô hình mới ra đời

Nói về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Pawin Sriusvagool, CEO của Guardian Việt Nam, đã lấy mình ra làm dẫn chứng vui. Ông đã có bảy năm kinh nghiệm làm việc tại các thị trường khác nhau như Mỹ, Anh, Singapore, Hong Kong, từng giữ chức vụ quản lý trong Zung Fu Motors, nhà phân phối độc quyền của Mercedes Car tại Macau, nhưng ông đã đưa toàn bộ gia đình đến Việt Nam sống và hàng ngày đi làm bằng Grab. Kể cả trong lúc thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, bán lẻ thông qua thực thể vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển, với mức tăng trưởng trung bình được dự báo là 11% từ nay đến năm 2022, ông Pawin Sriusvagool nói.

Trong khi mô hình bán lẻ truyền thống như chợ vẫn đang chiếm ưu thế về số lượng nhưng tăng trưởng rất thấp, 2% mỗi năm, thì mô hình bán lẻ hiện đại cụ thể là các cửa hàng tiện lợi, siêu thị... đang có mức tăng trưởng cao, đến 40% mỗi năm. Theo quan sát của ông Pawin Sriusvagool, mô hình các điểm bán lẻ đang có sự thay đổi, chuyển từ mô hình lớn, đa dạng hàng hóa như siêu thị, sang các cửa hàng nhỏ, chuyên biệt, phục vụ một đối tượng nhất định như cửa hàng chuyên mặt hàng mẹ và bé (Con Cưng), sức khỏe và sắc đẹp (Guardian, Medicare), hay phục vụ nhu cầu trong đời sống hàng ngày (Mumuso, Daiso).

Nói về những yếu tố thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam, ông Richard Burrage, CEO của Công ty nghiên cứu thị trường Cimigo, cho rằng đó là tốc độ đô thị hóa đòi hỏi việc mua sắm phải cực kỳ tiện lợi - thúc đẩy sự phát triển các kênh bán lẻ hiện đại, độ mở nền kinh tế Việt Nam cao, khối lượng thương mại và đầu tư trong châu Á ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, tinh thần kinh doanh cao của người Việt Nam, và nền kinh tế Internet của Việt Nam ngày càng lớn với quy mô hiện tại là 9 tỉ đô la Mỹ.

Triều Lan

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286272/thoi-diem-chin-muoi-cho-dau-tu-vao-viet-nam.html