Thời cơ vàng để các ngân hàng lớn hút vốn ngoại

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại 3 ngân hàng lớn (Vietinbank, Vietcombank và BIDV). Theo các chuyên gia, đây chính là 'thời cơ vàng' để các ngân hàng này hút vốn ngoại.

Cơ hội hút vốn ngoại đến với BIDV khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước.

Trong chiến lược phát triển các ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020, đối với các NHTM Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- Agribank), Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II, bảo đảm vai trò chi phối của Nhà nước trong các NHTM Nhà nước, trong đó Nhà nước nắm giữ tối thiểu 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Ba ngân hàng trên sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề, tiến tới niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài.

Đến giai đoạn 2021- 2025, Chính phủ xác định các NHTM Nhà nước nói trên tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, quyết định trên nêu rõ: đảm bảo tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở mức 51% tại nhóm ngân hàng này, tức giảm từ mức đảm bảo tối thiểu 65% sở hữu hiện nay.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đặt lộ trình thực hiện niêm yết cổ phiếu của các ngân hàng trên (VCB, BID và CTG) trên thị trường chứng khoán nước ngoài; riêng cố phiếu Agribank sau khi cổ phần hóa sẽ thực hiện niêm yết tại thị trường trong nước.

Theo ông Cấn Văn Lực- Chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện nay tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại VietinBank là 64,5%, tại BIDV là 95,3%, Vietcombank là 77,1% và Agribank là 100%. Như vậy, tính bình quân 4 ngân hàng trên, Nhà nước đang sở hữu trung bình khoảng 84%.

Nếu 4 ngân hàng này có nhu cầu bơm vốn, áp lực lên ngân sách là rất lớn. Mặt khác, để phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế, Nhà nước cần có lộ trình điều chỉnh tỷ lệ này giảm dần xuống mức 65%, rồi 51%.

Liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại những ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa như Vietcombank và BIDV, "room" ngoại vẫn chưa được lấp đầy. Trong khi đó, tại VietinBank, "room" sở hữu của khối ngoại đã được lấp đầy; tỷ lệ sở hữu của Nhà nước (qua Ngân hàng Nhà nước đại diện) hiện cũng đã giảm xuống 64,46% (tính đến 31/12/2017).

Tại sàn chứng khoán, thị giá cổ phiếu BID của BIDV hiện được giao dịch ở giá 30.000 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa ngân hàng này đạt khoảng 70 ngàn tỷ đồng, và là cổ phiếu có giá trị niêm yết lớn thứ 9 trên sàn HOSE. Thị giá cổ phiếu VCB là 62.800 đồng/cổ phiếu, CTG là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, các ngân hàng BIDV, VietinBank và Vietcombank đều có tổng tài sản quanh mức 1 triệu tỷ đồng, cụ thể BIDV đạt hơn 1,26 triệu tỷ, VietinBank hơn 1,11 triệu tỷ và Vietcombank khoảng 977 nghìn tỷ. Tổng tài sản của các ngân hàng này vẫn tăng đều đặn qua các năm, mức tăng phổ biến khoảng 10%.

Theo các chuyên gia, trong vòng 8 năm nữa, giả sử tốc độ tăng trưởng 5-10% đều đặn mỗi năm được duy trì thì tổng tài sản của các ngân hàng nói trên sẽ vượt qua mốc 1,5 triệu tỷ đồng. Mức này cũng tương đương với các ngân hàng trong top 100 hiện nay của châu Á.

Theo các chuyên gia, việc nới room ngoại cho hệ thống các ngân thương mại lúc này là cần hơn bao giờ hết để đáp ứng những nhu cầu về hội nhập, cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế trên thị trường tài chính. Nhà nước vẫn duy trì tỷ lệ đảm bảo có quyền chi phối (51%) và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Từ việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam không những đạt được những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn thu hút được lượng vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài, góp phần nâng cao năng lực về vốn, về quản trị điều hành, quản trị rủi ro và các tiêu chuẩn khác của các doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Theo các chuyên gia, động thái này cho thấy, nới room cho ngân hàng thương mại, đặc biệt những ngân hàng thương mại lớn mà Nhà nước nắm quyền chi phối trong giai đoạn hiện tại chính là "thời cơ vàng" để thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, khi mà TTCK đang ở trong giai đoạn bùng nổ.

Hà Phương

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thoi-co-vang-de-cac-ngan-hang-lon-hut-von-ngoai-134397.html