Thời cơ, vận hội cho công nghiệp cất cánh

Cùng với Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 được đưa vào hoạt động, nối tiếp sự ra đời 8 sản phẩm công nghiệp của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, năm 2019, ngành công nghiệp trong tỉnh tiếp tục đón chào 'thành viên' mới. Tháng 9-2019, sau quá trình đầu tư xây dựng, dây chuyền 1 - Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn với công suất 1 triệu tấn/năm đã đi vào vận hành, cho ra những sản phẩm phôi thép đầu tiên.

Hệ thống nghiền xi măng đến đóng bao tại Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn được đưa vào vận hành năm 2019.

Với công nghệ luyện thép lò điện, đúc liên tục và cán thép được chuyển giao từ Tập đoàn DANIELI (Italia), sản phẩm phôi thép của nhà máy đáp ứng tiêu chí sản phẩm công nghiệp xanh, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Những hạng mục tiếp theo nhà máy hiện vẫn đang tích cực triển khai thi công. Chủ đầu tư cho biết đang nỗ lực đưa 4 dây chuyền với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng của nhà máy vận hành thương mại trong năm 2020.

Với sự góp mặt hùng hậu về sản lượng, giá trị các sản phẩm công nghiệp mới, ngành công nghiệp trong tỉnh tiếp tục đạt được những thành quả ấn tượng. Năm 2019, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 126.085 tỷ đồng, tăng 32,3% so với cùng kỳ. Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục dẫn đầu về phát triển công nghiệp khu vực Bắc Trung bộ. Nhiều nhà máy công nghiệp truyền thống như may mặc, giày da, bia, xi măng, chế biến thủy sản... cũng không ngừng đổi mới công nghệ, năng động tìm kiếm đối tác và vươn xa trên thương trường quốc tế.

Từ sức lan tỏa của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và những dự án đã đi vào hoạt động, cùng với nhiều hình thức xúc tiến đầu tư được triển khai đa dạng, phong phú, đã khiến các dự án công nghiệp “tỷ đô” tiếp tục đến mảnh đất tiềm năng tỉnh Thanh. Không chỉ tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp trong tỉnh tiếp tục khởi sắc. Trên công trường thi công hạ tầng Khu Công nghiệp Bỉm Sơn, các nhà thầu thi công đang huy động tối đa nhân lực hoàn thiện các hạng mục để đón chào các dự án mới vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến hết năm 2019, Khu Công nghiệp Bỉm Sơn đã thu hút được 33 dự án, đưa Bỉm Sơn trở thành đầu tàu công nghiệp phía Bắc của tỉnh.

Theo phân tích của Sở Công Thương, năm 2020 và những năm tiếp theo, ngành công nghiệp trong tỉnh sẽ tiếp tục đón những cơ hội mới để tăng trưởng đột phá. Sau khi hoàn thành công tác bảo dưỡng vào cuối năm 2019, năm 2020, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến hoạt động đạt 90% công suất, với sản lượng đạt 7,2 triệu tấn, giá trị ước đạt 50.500 tỷ; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn dự kiến đạt sản lượng từ 800.000 tấn, với giá trị 4.532 tỷ đồng... Các ngành sản xuất công nghiệp truyền thống dự kiến cũng tăng thêm gần 7.500 tỷ đồng và giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt 151.300 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Đại diện Sở Công Thương, chia sẻ: Để đưa công nghiệp tiếp tục khởi sắc, đóng góp đột phá vào tăng trưởng của tỉnh, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành công nghiệp trọng điểm. Trước hết, Sở Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tạo điều kiện để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động ổn định, đạt tối đa công suất thiết kế và thực hiện tốt khâu phân phối sản phẩm. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành giải quyết tận gốc các vấn đề phát sinh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành, nhất là những dự án công nghiệp lớn đang triển khai thi công. Phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được quảng bá sản phẩm, lưu thông hàng hóa ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Nghiên cứu chiến lược xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao vị thế trên thương trường.

Bài và ảnh: Minh Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/thoi-co-van-hoi-cho-cong-nghiep-cat-canh/113412.htm