Thời cơ và thách thức

Ngày 12/2, tại phiên toàn thể diễn ra tại Strasbourg, Pháp, Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam. Theo kết quả bỏ phiếu, đối với EVFTA, tổng số 633 nghị sỹ bỏ phiếu, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn; đối với EVIPA, trong tổng số 648 nghị sỹ bỏ phiếu, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn. Đây là các quyết định rất quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU và Việt Nam, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp hai bên hết sức trông đợi sau gần 8 năm kể từ khi hai bên chính thức khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 6/2012.

Thủy sản, mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất sang EU. Ảnh: Quang Vinh.

Thủy sản, mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất sang EU. Ảnh: Quang Vinh.

Nếu việc EP phê chuẩn 2 Hiệp định là quyết định quan trọng để các Hiệp định sớm được triển khai “mở ra chân trời mới” và là “tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại” kết nối Việt Nam với châu Âu như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm 30/6/2019; thì việc phê chuẩn EVFTA là tấm vé thông hành quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận thị trường đầy tiềm năng của EU.

Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế của Việt Nam được gỡ bỏ sau 7 năm, 1% còn lại sẽ được tự do hóa thông qua hạn ngạch thuế quan. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU, sau 7 năm xóa bỏ 91,8% số dòng thuế và 98,3% số dòng thuế sau 10 năm. Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều lợi thế so với doanh nghiệp các nền kinh tế có trình độ phát triển tương tự tại thị trường rộng lớn EU, đẩy mạnh xuất khẩu và thâm nhập thị trường, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường và đối tác trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Hiệp định với những cam kết toàn diện và cân bằng về bảo hộ đầu tư sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư EU về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và ngược lại.

EVFTA và EVIPA là các Hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng nhất của EU với một thành viên đang phát triển, do đó quá trình phê chuẩn cần tuân thủ các quy định chặt chẽ của EP và của Nghị viện các quốc gia thành viên. “Nếu tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp chúng ta sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường EU để gia tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu, nhất là trong các lĩnh vực ta có thế mạnh và được ưu đãi thuế quan như dệt may, da giày, nông thủy sản… Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các nước hết sức phức tạp, Hiệp định EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp chúng ta đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và đối tác, tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường rất lớn EU. Người dân Việt Nam cũng tiếp cận với hàng hóa, thiết bị mà Việt Nam không có. Hiệp định EVFTA và EVIPA cũng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ EU, đi kèm với công nghệ, tri thức quản lý tiên tiến hàng đầu và những lĩnh vực mới của kinh tế số”- Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ với báo giới.

Nhưng, EVFTA và EVIPA đi cùng cơ hội cũng chính là thách thức. Chẳng hạn như, xu hướng bảo hộ gia tăng, những biến động trong chính trị nội bộ của EU, đặc biệt tiến trình Brexit, quan điểm và lợi ích khác biệt trong nội bộ EP, sự khác nhau về trình độ phát triển, thể chế chính trị - xã hội giữa hai bên... cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xem xét, phê chuẩn hai Hiệp định. Vì thế, để vượt qua hàng rào kỹ thuật của châu Âu, chúng ta không chỉ cần gia tăng năng lực sản xuất, đáp ứng điều kiện cơ bản về môi trường, lao động… mà còn cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong cải cách pháp lý cũng như các điều kiện cơ bản về môi trường phát triển bền vững, điều kiện của người lao động.... Bên cạnh các cam kết về kinh tế, EVFTA cũng bao quát nhiều cam kết mới về phát triển bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, quản trị rừng bền vững, các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường... Và phải tái cơ cấu hiệu quả, thực hiện cam kết một cách hiệu quả.

Ở góc độ của mình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Thực tế thời gian qua chúng ta thực hiện tương đối có hiệu quả chiến lược hội nhập và chiến lược đối ngoại này nên chúng ta chứng kiến vị thế ảnh hưởng của đất nước ngày càng tăng lên trong bình diện chính trị đối ngoại, quan hệ hợp tác quốc tế nói chung cũng như khía cạnh hội nhập kinh tế và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế nói riêng. “Chúng ta đã có tới hơn 200 đối tác kinh tế thương mại. Sự xuất hiện của các sản phẩm hàng hóa cũng như các dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên trong quá trình phát triển, mặc dù có chiến lược này nhưng hiện nay với độ mở lớn của nền kinh tế tới 200%, thương mại và xuất nhập khẩu của Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu GDP và trong phát triển của đất nước. Chính vì vậy, các thị trường lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản... đang tiếp tục thể hiện ảnh hưởng cũng như hiệu quả phát triển kinh tế đối ngoại cũng như kinh tế của Việt Nam”- Bộ trưởng Bộ Công thương nói.

Trong thời cơ và thách thức ấy, EVFTA là hiệp định có ý nghĩa đặc biệt trong chiến lược hội nhập hướng tới đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác kinh tế- thương mại cũng như hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/thoi-co-va-thach-thuc-tintuc458931