Thời cơ tăng tốc tái cơ cấu các ngành sản xuất

Trong bối cảnh nhiều mặt hàng xuất khẩu đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, tin vui từ Nghị viện châu Âu về việc chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp phải lập kế hoạch để tái cấu trúc, gia tăng năng lực, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật. Ảnh: Lê Tiên

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, doanh nghiệp phải lập kế hoạch để tái cấu trúc, gia tăng năng lực, vượt qua được các hàng rào kỹ thuật. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, đây chính là thời cơ để Việt Nam tăng tốc tái cơ cấu các ngành sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu theo hướng chất lượng và bền vững.

Khắc phục điểm yếu về thị trường, chất lượng hàng hóa

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đây là kết quả tốt đẹp, rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện và kéo dài đến nay cho thấy hạn chế, bất cập trong phát triển thị trường cũng như năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, cần phải cơ cấu lại”.

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp (DN) lĩnh vực dệt may, da giầy… có nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất do phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu Trung Quốc. Nhiều sản phẩm nông thủy sản cũng như một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị ách tắc, đình trệ tại các cửa khẩu do hạn chế thông quan. Trong sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hàng hóa gắn với sản xuất, chế biến sâu cũng như đảm bảo các điều kiện gắn với truy suất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng… còn hạn chế. “EVFTA có những hàng rào kỹ thuật rất cao với xuất khẩu, cũng là thực tiễn trong thương mại quốc tế chúng ta phải tuân thủ cho dù giao thương với đối tác nào. Điều này cho thấy chúng ta đang rất cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tái cơ cấu các ngành sản xuất phù hợp hơn”, người đứng đầu ngành công thương nhìn nhận.

Đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng cho thấy, ngành nông lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp (linh kiện điện tử, may mặc, da giầy…) đang gặp bất lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc.

Cách nào đẩy mạnh xuất khẩu vào EU?

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì nhiều khả năng EVFTA sẽ có hiệu lực trong tháng 7/2020, mở ra cơ hội lớn cho DN xuất khẩu Việt Nam, bởi EU là thị trường tiềm năng với quy mô lên tới 18.000 tỷ USD. Một số sản phẩm của Việt Nam như cà phê, thủy sản… cho dù đã có sự phát triển tốt, song tiềm năng còn rất lớn. “Vì vậy, EVFTA là cơ hội và công cụ để chúng ta phát triển bền vững, mở rộng thị phần và tiếp tục có sự gia tăng giá trị xuất khẩu tại thị trường này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Thị trường EU có vai trò quan trọng, giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào một thị trường, tạo sức ép để nâng cấp nền kinh tế từ tiêu chuẩn cao của thị trường mua và nguồn cung cấp máy móc, công nghệ hiện đại”.

Trong năm đầu tiên EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85% số dòng thuế, tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Con số này tăng lên 99% sau 7 năm thực hiện. 1% còn lại được hai bên thống nhất giảm về 0% theo thuế suất trong hạn ngạch thuế quan. Bên cạnh đó, EVFTA được đánh giá mở ra các điều kiện thuận lợi khác giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ nguồn phục vụ cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ, đáp ứng tốt chất lượng sản phẩm trong chuỗi cung ứng chúng ta cùng tham gia với EU.

Dù có nhiều thuận lợi về thuế quan, song để vượt được hàng rào kỹ thuật nhằm gia tăng sự hiện hữu của sản phẩm Việt Nam tại thị trường EU, các ý kiến đều đánh giá, không đơn giản chỉ là gia tăng năng lực sản xuất mà còn phải thực hiện hàng loạt giải pháp trong cam kết hội nhập tại Hiệp định, nhất là cải cách hệ thống pháp lý đáp ứng các điều kiện cơ bản về xuất xứ hàng hóa, môi trường, phát triển bền vững…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, EVFTA là hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao nên cũng đòi hỏi rất nhiều sự điều tiết của Nhà nước về đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc DN và nền kinh tế. Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, DN phải lập kế hoạch để tái cấu trúc, xây dựng lại tệp đối tác, thị trường và mức độ đa dạng của nó để vừa có thể tận dụng, lại vừa giảm bớt khó khăn, tác động bất lợi, cũng như phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng, để đáp ứng yêu cầu khắt khe về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… của EU, các DN ngoài cải thiện công nghệ, chất lượng sản phẩm, rất cần nâng cao chất lượng nhân lực, trình độ quản lý…

Việt Anh

Nguồn Đấu Thầu: http://baodauthau.vn/thoi-su/thoi-co-tang-toc-tai-co-cau-cac-nganh-san-xuat-121522.html