Thời cơ cho thể thao Việt Nam

Hướng tới một sân chơi công bằng, bình đẳng, chủ nhà Việt Nam sẽ đưa nhiều môn ASIAD, Olympic vào thi đấu tại SEA Games 31-2021. Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của thể thao Việt Nam (TTVN). Phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục thể dục thể thao (TDTT) để hiểu thêm về nội dung trên.

Phóng viên (PV): Thưa TS Trần Đức Phấn, đến thời điểm hiện tại công tác chuẩn bị SEA Games 31 đã thực hiện được những gì?

TS Trần Đức Phấn:Một trong những sự kiện quan trọng nhất của ngành TDTT nhằm hướng tới SEA Games 31 là chương trình “Khởi động cùng SEA Games 31” đã được tổ chức thành công, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến người dân trong nước và bạn bè quốc tế ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng cai tổ chức SEA Games 31. Ban tổ chức đã công bố biểu trưng ASEAN Para Games, SEA Games 31 là tác phẩm “Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V” cùng sao la - linh vật của đại hội. Gần nhất, chúng tôi đã tổ chức Phiên họp thứ nhất Tiểu ban Hậu cần và Dịch vụ công cộng Ban tổ chức SEA Games 31. Thời gian qua, các thành viên Tiểu ban đã tích cực xây dựng dự thảo quy chế và kế hoạch hoạt động của Tiểu ban. Sau khi thống nhất ý kiến, Tiểu ban sẽ hoàn thiện, trình Ban tổ chức phê duyệt đưa vào triển khai thực hiện. Về việc biên soạn tài liệu bằng tiếng Anh cụ thể là sách hướng dẫn ăn, ở, tài liệu này phải được phát hành sớm tuy nhiên tiến độ còn phụ thuộc vào việc chốt danh sách địa điểm lưu trú. Bộ phận thường trực và Tiểu ban sẽ phối họp để rà soát và bổ sung nhân sự cho Tiểu ban. Sau khi có ý kiến đóng góp của các thành viên dự họp, Tiểu ban sẽ tiến hành hoàn thiện quy chế và kế hoạch hoạt động, trình Ban tổ chức phê duyệt…

TS Trần Đức Phấn. Ảnh: HOA LƯ

TS Trần Đức Phấn. Ảnh: HOA LƯ

PV: Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 đã và đang được Hà Nội cùng các địa phương lân cận triển khai ra sao, thưa ông?

TS Trần Đức Phấn: Thời gian qua, Tổng cục TDTT đã cử đoàn công tác đến kiểm tra, rà soát công tác chuẩn bị SEA Games tại Hà Nội và một số địa phương lân cận. Về cơ bản khi làm việc thì các địa phương đều rất chủ động triển khai công việc, hầu như đã chuẩn bị tốt kế hoạch. Những địa phương sửa chữa nâng cấp công trình đã bảo đảm quy định và triển khai tương đối tốt. Tuy nhiên, đối với địa phương và trung ương thì cần có hệ thống văn bản liên quan đến phân tách nhiệm vụ trung ương lo, địa phương lo và chúng tôi đang triển khai. Sau Tết Nguyên đán thì sẽ có hệ thống văn bản về việc này.

Cách đây vài tháng, cơ sở vật chất tổ chức môn quần vợt là điều khiến chúng tôi lo nhất. Bởi thời điểm đó Hà Nội dự kiến đăng cai nhưng vì không chuẩn bị kịp cơ sở vật chất nên đã chuyển lại cho Bắc Ninh. Chúng tôi có hai buổi làm việc với Bắc Ninh, họ đã làm xong khoảng 40% trong đó có 6 sân ngoài trời và 1 sân trong nhà. Còn về trường đua xe đạp tại Hòa Bình, cơ sở vật chất đang được triển khai đúng tiến độ. Tóm lại, các địa điểm thi đấu đã triển khai đầy đủ, và dự kiến tất cả sẽ hoàn thành trong tháng 9 trước khi đưa vào thử nghiệm.

PV: SEA Games 31 được đánh giá là kỳ đại hội đặc biệt nhất trong lịch sử, ông hãy cho biết thêm về điều này?

TS Trần Đức Phấn: Theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ở kỳ SEA Games 31 lần này từ công tác tổ chức đến chuyên môn cần phải thay đổi trên nhiều phương diện. Nước chủ nhà sẽ đưa toàn bộ hệ thống môn ASIAD, Olympic vào thi đấu tại SEA Games 31, ngoài ra thêm một số môn thể thao truyền thống, thế mạnh của Việt Nam vào thi đấu, tuy nhiên con số này là rất ít. Đây sẽ là một kỳ SEA Games đặc biệt, rất khác so với các kỳ đại hội trước đó và Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong đi đầu trong việc tổ chức SEA Games với số lượng môn thể thao Olympic nhiều nhất từ trước đến nay. Dù vậy, mục tiêu lớn nhất mà Việt Nam hướng đến chính là làm sao bảo đảm hài hòa các nội dung thi đấu với các đoàn tham dự, từ đó tạo sân chơi công bằng, sòng phẳng và để lại hình ảnh đẹp về công tác tổ chức của nước chủ nhà. Đặc biệt, cần tránh hoàn toàn việc lựa chọn các nội dung thế mạnh của nước chủ nhà vào thi đấu để thâu tóm huy chương và loại bỏ những nội dung thế mạnh của các quốc gia khác. Tất cả sẽ cạnh tranh bình đẳng ở những nội dung nằm trong hệ thống Olympic của từng môn được ban tổ chức đưa vào.

Điền kinh Việt Nam được kỳ vọng sẽ bảo vệ được vị trí số 1 tại SEA Games 31. Ảnh: VIỆT AN

PV: Việc đưa hầu hết các môn Olympic vào thi đấu tại SEA Games 31 được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thi đấu của TTVN. Chúng ta đã tính đến phương án TTVN không giữ được vị trí số 1 hay chưa?

TS Trần Đức Phấn: Hiện tại SEA Games chưa diễn ra nên rất khó để nhận định trước, nhưng việc đưa nhiều môn Olympic vào thi đấu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của TTVN. Đã tổ chức đại hội thì chủ nhà nào cũng muốn thành tích, cũng muốn đứng đầu toàn đoàn. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế để xem bản chất của nó. Và SEA Games 31 sẽ trả lời cho câu hỏi TTVN đang đứng ở đâu tại Đông Nam Á khi so sánh các môn trong hệ thống ASIAD và Olympic. Điều này rất quan trọng trong việc định hướng chiến lược của TTVN trong giai đoạn tới. Lần này Tổng cục TDTT tham mưu, theo đúng tin thần các môn Olympic tổ chức hết tất cả các nội dung. Từ trước đến nay chưa một kỳ SEA Games nào làm việc này nên chúng ta chưa biết thực lực của các nước đến đâu. Ví dụ môn boxing có 13 nội dung Olympic thì SEA Games 31 sẽ tổ chức hết. Tại SEA Games 30 chủ nhà Philippines chỉ tổ chức 5 nội dung boxing, 6 nội dung còn lại không biết quốc gia nào hơn. TTVN sẵn sàng đối diện với sự thật và chúng tôi sẵn sàng chấp nhận thực tế nếu như đoàn TTVN không xếp thứ 1 tại SEA Games 31.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

HOÀI PHƯƠNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thoi-co-cho-the-thao-viet-nam-651639