THỜI CƠ CHO 'NGHỆ THUẬT SỐ' TIẾP CẬN KHÁN GIẢ

Sau một loạt vở diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trở nên ảm đạm khi dịch Covid-19 trở lại với những diễn biến phức tạp. Ngành biểu diễn nghệ thuật tiếp tục đối mặt với nỗi lo mất khán giả. Từ đó, mô hình nhà hát online được bàn tính đến như một giải pháp phù hợp trong tình hình hiện nay.

Thời gian qua, nhiều nhà hát danh tiếng trên thế giới đã ứng dụng mô hình nhà hát online và đạt được những hiệu quả nhất định. Một trong số đó có chương trình liveshow kéo dài gần nửa tháng của nhà hát Bolshoi nổi tiếng ở Nga trong quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát. Nhờ thế, không chỉ duy trì tình yêu nghệ thuật trong khán giả, những màn trình diễn ballet đỉnh cao của nhà hát này đã được thế giới đón nhận qua phương tiện truyền thông.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn khó khăn, không có nguồn thu, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn vừa gồng mình lo các khoản chi trả nội bộ, vừa tìm hướng hoạt động để nghệ sĩ duy trì tiếp cận, tương tác với khán giả. Kịp thời thích nghi với hoàn cảnh, nhiều nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật nhanh chóng sử dụng internet và nền tảng kỹ thuật số, lập các kênh YouTube, tạo nên các sân khấu biểu diễn trực tuyến.

 Đêm nhạc trực tuyến “Kiên cường Việt Nam” . Ảnh: TTXVN.

Đêm nhạc trực tuyến “Kiên cường Việt Nam” . Ảnh: TTXVN.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức biểu diễn trực tuyến chương trình ca nhạc “Niềm tin” phát trên trang Facebook, công diễn các ca khúc mới với nội dung toàn dân Việt Nam đồng lòng chống dịch Covid-19; Chương trình “Thanh âm kết nối” của thầy trò Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tạo hiệu ứng tương tác với người làm nghệ thuật và công chúng; những chương trình nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội dàn dựng công phu, màu sắc tươi mới, được ghi hình phát sóng trên kênh truyền hình và in băng đĩa phát hành tới các đơn vị quân đội phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên khắp mọi miền đất nước... Bên cạnh đó, các chương trình biểu diễn nghệ thuật của cá nhân, nhóm nghệ sĩ được tổ chức quay và phát trực tiếp trên trang web hoặc Facebook như các dự án: “24h-music marathon”, “Music home”, “Radio live concert”; các trích đoạn cải lương, phim điện ảnh và ca nhạc... tạo nên một không khí mới cho đời sống âm nhạc trong thời gian dịch bệnh và hình thành thêm một thói quen thưởng thức nghệ thuật mới cho người dân.

Không những thế, một số chương trình biểu diễn âm nhạc trực tuyến còn mang lại giá trị kinh tế hiệu quả. Điển hình là đêm nhạc trực tuyến “Kiên cường Việt Nam” có sự tham gia của 20 ca sĩ, nghệ sĩ, cầu thủ với 40.000 lượt theo dõi trực tuyến trong hơn hai giờ đã vận động được 1,3 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều cuộc họp bàn với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật để cùng xúc tiến cho giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0. Theo đó, các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, bộ sẽ hỗ trợ việc ứng dụng công nghệ vào quảng bá tới đông đảo khán giả thông qua mô hình nhà hát online. Đây không chỉ là giải pháp trong thời gian dịch Covid-19, mà còn được coi như một hướng đi mới để tiếp cận các hoạt động biểu diễn.

Để xây dựng mô hình nhà hát online hiệu quả, đòi hỏi tác phẩm phải có một đời sống hoặc khán giả có nhu cầu thật muốn thưởng thức; tác phẩm đó phải có giá trị nghệ thuật thông qua sự tìm tòi, đam mê sáng tạo của nghệ sĩ. Ở tầm nhìn dài hơi, cần tạo nền tảng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ biểu diễn của nghệ sĩ, cách thức thực hiện; khán giả có ý thức đăng ký và trả tiền tác quyền để các nghệ sĩ có thu nhập và tiếp tục sáng tạo. Từ đó, tổ chức những sự kiện văn hóa, nghệ thuật trực tuyến quy mô, tầm cỡ góp phần phát triển đời sống văn hóa tinh thần trong kỷ nguyên số cho nhân dân. Cũng thông qua đó thúc đẩy quảng bá cho các tác phẩm nghệ thuật, kéo khán giả đến sân khấu, nhà hát khi cuộc sống xã hội trở lại bình thường.

CHÂU XUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/thoi-co-cho-nghe-thuat-so-tiep-can-khan-gia-632369