Thóc chuột

(LĐ) - - Ngành khảo cổ học vừa công bố 4 vấn đề lớn được khảo cổ trong năm 2010. - Cậu chuyển sang “buôn đồ cổ” từ bao giờ thế?

- Từ khi các nhà khảo cổ tìm thấy hạt thóc 3.000 năm. - Căn cứ vào đâu? - Bác bình tĩnh nào, làm gì mà cứ xồn xồn. Người ta tìm thấy ở Hà Nội lò nấu đồng và di tích luyện kim đã 3.000 năm. Từ đó suy ra mũi tên đồng Cổ Loa được đúc ở Hà Nội. Thế rồi bỗng nhiên phát hiện ra vài hạt thóc ở gần lò đúc đồng. Thế là thành thóc 3.000 năm. - Đơn giản thế thôi à? - Chưa xong, đem gieo thóc nảy mầm, 3 tháng sau thu hoạch. Thóc nằm dưới đất 3.000 năm vẫn nảy mầm là chuyện xưa nay chưa hề có trên thế giới. Thế mà ta có mới tài! - Nghe cũng khó tin... - Nhiều người, cả các nhà khoa học cũng không tin. Tin hay không tin đang là cả vấn đề nan giải. - Nan giải cái quái gì? Có thì tin, không có thì thôi. - Nếu thế đã tốt; đằng này mỗi vị nói một phách. Người thì nói đây là loại thóc hiện đại, người bảo lúa của An Dương Vương. - Các bác khoa học đầu ngành đâu? - Nên nhớ rằng đầu ngành là chắc ăn 100% các bác mới lên tiếng. Còn tranh luận, còn... im lặng. - Cứ tranh luận mãi à? - Giải pháp trong mọi tranh luận khoa học hiện nay ở ta là nhờ quốc tế phán hộ. Ta gửi vỏ trấu “3.000 năm” sang Nhật giám định. - Phía Nhật xanh lè mắt, thừa nhận Việt Nam là cái nôi lúa nước của thế giới? - Không, họ nói đây là giống lúa Khang Dân 18, bà con nông dân vẫn gieo cấy hiện nay. - Thế là xong, kết thúc một “tấn hài kịch”. - Còn ai hơn mà nói, quốc tế đã phán rồi. - Vậy thóc Khang Dân 18 từ đâu lại chui xuống đất khảo cổ? - Đây không phải vấn đề khảo cổ, các nhà khoa học không bao giờ lạc lĩnh vực. Thế mới là khoa học. Tuy nhiên, cũng có ý kiến rất đơn giản là đào nhầm phải hang chuột. Bọn chuột là hay “tích cốc phòng cơ” lắm! Lý Sinh Sự

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/thoc-chuot/15361