Thoát vỡ nợ vào phút chót, China Evergrande vẫn đứng trên bờ vực

Ngay cả khi China Evergrande đã trả lãi trái phiếu vào phút chót, số phận của tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc vẫn rất bấp bênh.

China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - đã thoát khỏi một vụ vỡ nợ nhờ việc trả lãi trái phiếu bằng USD vào phút chót. Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, cuộc khủng hoảng tiền mặt của China Evergrande sẽ không sớm được cải thiện.

Hôm 22/10, giá cổ phiếu trên sàn Hong Kong của tập đoàn đã tăng gần 8% sau khi China Evergrande thanh toán 83,4 triệu USD cho ngân hàng ủy thác trái phiếu Citibank.

Tháng trước, tập đoàn không thể thanh toán lãi suất trái phiếu đúng hạn. Thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày sẽ kết thúc vào ngày 23/10.

Điều này trái ngược với dự đoán trước đó của giới quan sát. Họ cho rằng tập đoàn sẽ ưu tiên trả nợ trái chủ trong nước, nhà cung cấp, nhà thầu và khách mua nhà.

 China Evergrande đã trả lãi trái phiếu coupon vào cuối khoảng thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày. Điều này giúp tập đoàn có thêm thời gian giải quyết khủng hoảng nợ. Ảnh: Reuters.

China Evergrande đã trả lãi trái phiếu coupon vào cuối khoảng thời gian ân hạn kéo dài 30 ngày. Điều này giúp tập đoàn có thêm thời gian giải quyết khủng hoảng nợ. Ảnh: Reuters.

Sự can thiệp từ phía Bắc Kinh?

Một số nhà quan sát cho rằng chính quyền Trung Quốc đã can thiệp vào việc thanh toán khoản nợ bằng USD của China Evergrande. Bắc Kinh muốn tránh những biến động trên cả thị trường và giữ ổn định xã hội.

Hôm 20/10, Phó thủ tướng Lưu Hạc cho biết chính quyền Trung Quốc sẽ "xử lý nguy cơ vỡ nợ của một số tập đoàn lớn một cách thích hợp". Hôm 21/10, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã khẳng định rằng việc bảo vệ "điểm cốt yếu" của ổn định tài chính là cần thiết cho "sự vận hành ổn định của nền kinh tế."

Theo Nikkei Asian Review, các tổ chức tài chính Trung Quốc có thể đã cấp vốn cho China Evergrande. Theo ông Zou Lan - Trưởng bộ phận Thị trường tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, vào cuối tháng 9, ngân hàng trung ương đã yêu cầu các nhà băng tiếp tục "cấp vốn ổn định và có trật tự" cho lĩnh vực bất động sản.

Các điều kiện trong ngành đang xấu đi nhanh chóng, điều này có thể tác động trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc nói chung.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu Wind của Trung Quốc cho thấy cuộc khủng hoảng tín dụng cũng đã lây lan. Vài tháng sau cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande, thị trường tín dụng nội địa 12.000 tỷ USD của Trung Quốc bắt đầu có những dấu hiệu căng thẳng.

China Evergrande - tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn - rơi vào khủng hoảng nợ sau nhiều năm vay tiền ồ ạt để mở rộng. Ảnh: Reuters.

Tính từ đầu năm đến giai đoạn ngày 1-22/10, trái phiếu bằng NDT do các tập đoàn địa ốc phát hành - bao gồm thương phiếu - đã giảm 65% xuống còn 8,3 tỷ NDT (1,3 tỷ USD).

Sự hạ nhiệt nhanh chóng của thị trường nhà ở đã ăn sâu vào một nguồn tiền quan trọng khác. Doanh số bán nhà mới từ ngày 1/10 đến ngày 17/10 đã giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, theo Nomura International.

Doanh số bán nhà hiện có giảm 81,6% trong cùng kỳ. Nhiều người mua nhà không muốn ký hợp đồng với các nhà phát triển bất động sản có nguy cơ vỡ nợ. Giá nhà lao dốc cũng khiến nhà đầu tư ngần ngại bỏ tiền vào lĩnh vực bất động sản.

Số phận bấp bênh

Trên thực tế, việc trả lãi trái phiếu không làm thay đổi tình thế bấp bênh của China Evergrande. Tập đoàn đã không thể thanh toán khoản lãi trái phiếu trị giá 47,5 triệu USD vào tháng 9. Khoảng thời gian ân hạn sẽ kết thúc vào tuần tới.

Hoạt động bán hàng của tập đoàn cũng sẽ trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới. Hơn một nửa trong số 800 dự án đã bị dừng thi công vì China Evergrande không thể trả tiền cho các nhà cung cấp và nhà thầu.

China Evergrande sẽ phải trả 573 triệu USD lãi suất trái phiếu trong năm nay và 7,7 tỷ USD trái phiếu vào năm tới. Một số trái chủ ở nước ngoài đã thuê các công ty luật và cố vấn để bảo vệ lợi ích của mình.

"China Evergrande đang cố dùng tiền để mua thời gian, thay vì thực sự giải quyết vấn đề", ông Wu Qiong - Giám đốc điều hành tại BOC International Holdings - nhận định.

China Evergrande đang cố dùng tiền để mua thời gian, thay vì thực sự giải quyết vấn đề

Ông Wu Qiong, Giám đốc điều hành tại BOC International Holdings

Đế chế bất động sản Trung Quốc đang cố gắng bán tài sản, chẳng hạn cổ phần trong đơn vị xe điện và công ty quản lý tài sản của tập đoàn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Trong một cuộc họp nội bộ, tỷ phú Hứa Gia Ấn - nhà sáng lập China Evergrande - cho biết tập đoàn sẽ "thu hẹp đáng kể quy mô và hoàn thành việc chuyển từ bất động sản sang xe năng lượng mới trong vòng 10 năm tới", theo truyền thông Trung Quốc.

Nikkei Asian Review nhận định China Evergrande cần một cuộc tái cơ cấu tài sản và nợ triệt để nhằm giải quyết "núi nợ" 1.970 tỷ NDT, tương đương hơn 300 tỷ USD.

"Chính phủ Trung Quốc có thể tốn thời gian để đảm bảo một cuộc hạ cánh an toàn cho China Evergrande", Nikkei Asian Review dẫn lời một luật sư chuyên về tái cấu trúc doanh nghiệp bình luận.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thoat-vo-no-vao-phut-chot-china-evergrande-van-dung-tren-bo-vuc-post1272631.html