Thoát nghèo từ rừng

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Do có thế mạnh về diện tích đất lâm nghiệp, những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người trồng rừng, góp phần giúp bà con các dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Diện tích trồng rừng ở Lạng Sơn ngày càng mở rộng.

Diện tích trồng rừng ở Lạng Sơn ngày càng mở rộng.

Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một thế mạnh của tỉnh cho nên trong những năm qua, Lạng Sơn đã ban hành các chính sách hỗ trợ người trồng rừng, nhờ đó diện tích trồng rừng năm sau luôn cao hơn năm trước. Từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng rừng của tỉnh đạt hơn 90.000 ha, bình quân đạt 9.500 đến 10.500 ha/năm, góp phần tăng độ che phủ của rừng đến nay lên hơn 62%.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa nghề rừng thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư, qua đó đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh quốc phòng. Toàn tỉnh có 171 doanh nghiệp và xưởng chế biến quy mô hộ gia đình, hàng năm chế biến được 20.500 m3 ván xẻ, 45.500 m3 ván bóc, trong đó có 20.000 tấn nhựa thông, 6.000 đến 6.500 tấn hồi khô…

Xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi chủ đạo, những năm qua, huyện Bình Gia tập trung vào phát triển một số loại cây gỗ lớn và cây có giá trị kinh tế cao như: keo, lát hoa…Hiện huyện có gần 1.000 ha quế, 1.300 ha lát hoa, là địa phương có diện tích trồng cây quế và lát lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Hiện nhiều hộ trồng rừng ở các xã như: Tân Hòa, Thiện Long, Hòa Bình, Vĩnh Yên…, có thu nhập trung bình 50 triệu đồng/năm, những hộ có diện tích trồng lớn và trồng rừng lâu năm mức thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng/năm.

Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Bình Lê Minh Tuấn - đia phương có nhiều diện tích rừng thông thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, người dân trên địa bàn huyện đã khai thác gỗ trồng hơn 7.124 m3 (chủ yếu là gỗ bóc) và nhựa thông được hơn 1.774 tấn. Nhựa thông và gỗ thông, bạch đàn, keo đều được các doanh nghiệp thu mua chế biến ngay trên địa bàn và xuất khẩu.

Tại thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh có khoảng 80 hộ dân. Những năm qua, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống chính là nhờ trồng rừng. Hiện trung bình mỗi hộ dân có từ 0,8 đến 3 ha rừng. Các loại cây lâm nghiệp thường phải từ 10-15 năm mới cho khai thác, nên trước đây nhiều hộ đã trồng xen canh thêm cây sắn đem lại thu nhập đáng kể trong thời gian cây lâm nghiệp chưa khép tán. Ngoài ra, bà con trong thôn đều tham gia triển khai dự án Việt – Đức từ năm 1996 nên hộ nào cũng được hỗ trợ trồng rừng.

Hiện rừng đã cho thu hoạch, trong thôn có hơn 50% số hộ có thu nhập từ rừng, mang lại nguồn thu đáng kể giúp bà con trang trải cuộc sống. Theo chia sẻ của anh Lê Văn Thắng, thôn Bản Tằng thì gia đình anh có hơn 2 ha rừng thông, trong đó có khoảng 2.600 cây cho khai thác nhựa. Năm 2018, gia đình thu được gần 300 triệu đồng từ khai thác nhựa thông và gỗ thông.

Nhận thấy lợi ích từ rừng, hiện phong trào trồng rừng ở huyện Đình Lập đang phát triển mạnh, mỗi năm, bà con trồng mới hơn 1.200 ha rừng. Theo ông Vi Văn Phúc, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập, trong quy hoạch phát triển rừng, huyện chủ trương phát triển 2 loại cây chính là thông và keo. Đối với vùng thông, huyện quy hoạch trồng tập trung tại các xã: Bắc Xa, Bính Xá, Kiên Mộc, Thái Bình, Đình Lập, thị trấn Đình Lập… Còn vùng keo, huyện quy hoạch trồng tại một số xã như: Bắc Lãng, Châu Sơn…Trong đó, Bắc Xa -một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập, nhờ phát triển rừng, kinh tế đang ngày càng phát triển. Toàn xã hiện có hơn 11 nghìn ha thông, trung bình mỗi gia đình trồng từ 10 – 20 ha. Với giá nhựa thông dao động từ 30 - 35nghìn đồng/kg, trung bình mỗi hộ trồng thông ở Bắc Xa có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Thanh Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/thoat-ngheo-tu-rung-tintuc458601