Thoát nghèo từ mô hình làm vườn đa canh

Với mục tiêu giúp đồng bào dân tộc Thái xóa đói giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An) đã phối hợp với Hội Nông dân xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An triển khai xây dựng thành công mô hình làm vườn đa canh cho bà con.

Năm 2002, để nhường đất xây dựng Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ, gia đình chị Vi Thị Đa, người dân tộc Thái chuyển từ huyện Tương Dương về bản Tân Lâm, xã Ngọc Lâm. Năm 2019, gia đình chị Đa được Đồn Biên phòng Ngọc Lâm chọn làm điểm xây dựng mô hình làm vườn với 45 cây ổi, 45 cây táo, 20 cây mít và nhiều loại rau xanh khác.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm hướng dẫn gia đình chị Vi Thị Đa kỹ thuật trồng, chăm sóc rau xanh.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ngọc Lâm hướng dẫn gia đình chị Vi Thị Đa kỹ thuật trồng, chăm sóc rau xanh.

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm còn hỗ trợ gia đình chị Đa 3 con lợn đen giống bản địa do đơn vị chăn nuôi, nhân giống, đồng thời cử Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội vận động quần chúng theo dõi, giúp đỡ gia đình chị về mặt kỹ thuật chăm sóc để vườn cây, con giống phát triển. Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên cho biết: “Lúc đầu, gia đình chị Đa chưa quen với mô hình vườn mẫu đa canh, tuy nhiên với sự hỗ trợ, hướng dẫn thường xuyên của cán bộ biên phòng và hội nông dân, gia đình chị Đa đã làm quen với mô hình sản xuất mới. Ví dụ như trồng cây ổi, khi cây ra quả phải bọc quả lại để tránh sâu bọ hoặc các loại côn trùng phá hoại. Hay trong chăn nuôi lợn, gà phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, theo dõi để phòng tránh các loại bệnh tật...”.

Nhờ triển khai đúng kỹ thuật và được chăm sóc đúng cách, sau một năm, mô hình vườn mẫu đa canh đã cho gia đình chị Vi Thị Đa nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng. Đây là một số tiền không nhỏ đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Ông Lương Thanh Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Lâm cho biết: “Vườn mẫu đa canh là mô hình đầu tiên có sự phối hợp giữa Đồn Biên phòng Ngọc Lâm và Hội Nông dân xã với mục tiêu giúp các gia đình khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để xây dựng mô hình thành công, chúng tôi đã triển khai kế hoạch, khảo sát các hộ gia đình và lên phương án hỗ trợ cụ thể. Sau hơn một năm triển khai, đến nay, mô hình đã phát huy hiệu quả, từ đó giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này để các hộ dân trên địa bàn có điều kiện tiếp cận với cách sản xuất mới”.

Bài và ảnh: HẢI THƯỢNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thoat-ngheo-tu-mo-hinh-lam-vuon-da-canh-655918