Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Nuôi dê đang trở thành hướng phát triển kinh tế giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Từ năm 2016, mô hình chăn nuôi dê sinh sản đã bắt đầu được HND các cấp quan tâm, mang lại hiệu quả cao. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Năm 2016, Dự án mô hình “Chăn nuôi dê sinh sản” tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, được triển khai với tổng số vốn đầu tư trên 335 triệu đồng, cung cấp 50 con dê giống cho 25 hộ nghèo nuôi. Theo anh Lê Văn Sình, thôn Thủy Cơ, đàn dê tăng trưởng rất nhanh. Mỗi năm, 1 cặp dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 2 con, trọng lượng khoảng 10kg; giá bán khoảng 180.000 đồng/kg dê giống, 150.000-200.000 đồng/kg dê thịt. Một trong những ưu điểm của chăn nuôi dê là các hộ không phải mua thức ăn hàng ngày vì dê thích ăn lá cây rừng đã sẵn có trong tự nhiên, không mất công trông coi, người nuôi có thời gian kết hợp làm ruộng, phát triển kinh tế vườn rừng...

Mô hình nuôi dê thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Ảnh: Hoàng Nga

Mô hình nuôi dê thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Ảnh: Hoàng Nga

Nuôi dê sinh sản thời gian sinh lời, quay vòng vốn lâu hơn so với những vật nuôi khác như lợn, gà nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn. Trung bình cứ 6 tháng, dê nái lại sinh nở một lần. Lứa đầu đẻ một con, nhưng về sau, số con trong một lần sinh càng nhiều hơn. Đối với dê có khả năng sinh sản thấp vẫn xuất bán được giá. Hiện nay, mỗi con dê trưởng thành (khoảng 6 tháng tuổi) có giá bán trên thị trường khoảng 4-5 triệu đồng. Sau 1 năm triển khai ở Tiên Yên, một số hộ đã chủ động vay vốn, mở thêm đàn. Nhận thấy mô hình có hiệu quả, năm 2017, 2018, HND tỉnh tiếp tục triển khai nuôi dê sinh sản ở thôn Phai Làu, xã Đồng Văn và thôn Lục Ngù, xã Húc Động, huyện Bình Liêu. Dự án có 39 hộ nghèo tham gia với tổng kinh phí hơn 490 triệu đồng, cung cấp 117 con dê giống. Phần lớn nguồn vốn được Nhà nước hỗ trợ 50-60% để tránh tư tưởng ỷ lại, tạo động lực cho người dân tự vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, HND các cấp còn mở nhiều lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi, phòng và trị bệnh cho dê, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, tiền thuốc thú y, cử cán bộ theo dõi chỉ đạo mô hình, đồng hành cùng người dân nuôi và phát triển đàn.

Để nhân rộng mô hình nuôi dê sinh sản, HND huyện Bình Liêu cũng đã tạo điều kiện cho 19 hộ hội viên nông dân ở 2 xã Húc Động và Vô Ngại tiếp tục vay 900 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư nuôi dê sinh sản. Với sự hỗ trợ của HND huyện, các hộ dân mạnh dạn bỏ gần 1,2 tỷ đồng để tăng quy mô đàn từ 10 - 20 con lên 40-50 con. Chỉ sau gần 4 năm thực hiện, dự án “Nuôi dê sinh sản” của 2 xã mang lại hiệu quả cao, cả 19 hộ tham gia đã phát triển đàn dê của gia đình tăng mạnh về số lượng và cho thu nhập cao. Nhiều hộ nuôi 70-100 con, mỗi tháng cho thu nhập 7-20 triệu đồng.

HND tỉnh giải ngân vốn hỗ trợ cho các hội viên nông dân xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Phong trào nuôi dê đã góp phần đa dạng hóa vật nuôi giúp một số bà con giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tạo động lực cho các hộ dân khác mạnh dạn tham gia đầu tư nuôi dê, tạo sức lan tỏa cho mô hình. Theo Phó Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Văn Đường, trong thời gian tới, HND sẽ tiếp tục nghiên cứu mô hình chăn nuôi dê để nhân rộng ra các địa phương khác, nhất là kêu gọi hội viên nghèo mạnh dạn tham gia. Cùng với Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội sẽ huy động các nguồn vốn từ một số chương trình của Trung ương và địa phương như: Chương trình 135, xây dựng NTM, Ngân hàng chính sách xã hội… Đồng thời, thành lập các ban chủ nhiệm giám sát hiệu quả của mô hình, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh cho dê, sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ kịp thời cho người dân khi cần thiết.

Dương Hà

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201907/thoat-ngheo-nho-nuoi-de-2446787/