Thoát nghèo nhờ liên kết sản xuất rau an toàn

Sinh sống ở địa bàn miền núi khó khăn nhưng nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình bước đầu liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.

Trao đổi với chị Lăng Thị Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đồng Lạc, chúng tôi được biết, hiện nay hội có khoảng 1.000 hội viên, trong đó chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... Trước đây, do tập quán sản xuất lạc hậu, người dân chỉ biết trông chờ vào hai vụ lúa. Tuy nhiên, từ năm 2011, với vai trò chủ tịch hội, chị Trang đã tích cực đi đầu trong thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Ban đầu, hầu hết hội viên phụ nữ không tin, không ủng hộ cách trồng rau này vì cho rằng thời gian sinh trưởng và phát triển của cây kéo dài, gây tốn kém, lợi nhuận thấp. Nhưng thực tế cho thấy mô hình mang lại hiệu quả tích cực.

Hội viên phụ nữ trong tổ liên kết trồng rau an toàn xã Đồng Lạc chăm sóc vườn rau (ảnh chụp trước ngày 27-4).

Hội viên phụ nữ trong tổ liên kết trồng rau an toàn xã Đồng Lạc chăm sóc vườn rau (ảnh chụp trước ngày 27-4).

“Để chị em nghe theo, trước hết mình phải làm có hiệu quả". Nghĩ là làm, chị Lăng Thị Trang đã đào giếng ngay tại chân ruộng lấy nước sạch tưới rau, trồng ớt để làm chế phẩm diệt sâu bọ. Chị tự pha chế các loại thảo mộc như nghệ, gừng, tỏi ngâm với rượu dùng làm dung dịch phun xịt trừ sâu. Với cách làm này, tuy rau không bắt mắt nhưng bù lại rất an toàn và thân thiện môi trường, được thị trường chấp nhận. Cứ như vậy, mô hình của chị Trang được các chị em học hỏi rồi từng bước nhân rộng. Đến năm 2016, các chị thành lập tổ liên kết trồng rau an toàn với 20 hộ tham gia. Năm 2017, con số này lên tới 40 hộ với 2ha trồng rau liên kết, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Chị Vy Thị Én, người dân tộc Nùng ở thôn Thiều, xã Đồng Lạc, cho biết: “Trước đây, nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, cả nhà chỉ trông vào vài sào lúa. Từ năm 2016, nhờ sự động viên của các chị trong hội phụ nữ, tôi đã mạnh dạn tham gia tổ liên kết sản xuất rau an toàn. Tôi đã chuyển đổi 3 sào lúa hiệu quả thấp sang trồng rau, mang lại thu nhập gần 30 triệu đồng/vụ. Nhờ đó, năm 2017, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị đã góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của nhiều chị em phụ nữ DTTS ở Đồng Lạc. Họ đã dần thoát khỏi tâm lý làm ăn nhỏ lẻ, manh mún và biết liên kết trong lao động sản xuất, qua đó góp phần làm tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, thời gian tới, Hội LHPN xã Đồng Lạc rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành chức năng.

Bài và ảnh: TUỆ ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dan-toc-ton-giao/cac-van-de/thoat-ngheo-nho-lien-ket-san-xuat-rau-an-toan-661738