Thoát nghèo nhờ đào tạo nghề

100% lao động nông thôn (LĐNT) huyện Quốc Oai sau khi được đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg đều có việc làm. Sau một năm làm nghề, nhiều hộ nông dân thoát được nghèo, tỷ lệ hộ khá tăng lên.

100% học viên nông dân có việc làm

Trước đây, chị Kiều Thị Sáu, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai chỉ ở nhà làm ruộng, thu nhập bấp bênh bởi phụ thuộc vào thời tiết và làm theo kinh nghiệm. Năm 2018, khi biết thông tin huyện Quốc Oai mở lớp dạy nghề Mộc dân dụng, chị Sáu mạnh dạn đăng ký tham gia.

Sau khóa học 3 tháng, chị Sáu đã được làm những công việc cơ bản như đứng máy cưa, bào, cắt... có thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Nhiều nông dân xã Đông Yên khi đang theo học lớp đào tạo nghề Sản xuất hàng mây tre giang đan cũng được DN nhận bao tiêu sản phẩm nên rất phấn khởi, chăm chỉ đến lớp.

 Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn khảo sát thực tế học viên học nghề Sản xuất mây tre giang đan được DN bao tiêu sản phẩm, tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. Ảnh: Thủy Trúc

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn khảo sát thực tế học viên học nghề Sản xuất mây tre giang đan được DN bao tiêu sản phẩm, tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai. Ảnh: Thủy Trúc

Thông tin về hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956 trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết: Năm 2018, huyện đào tạo nghề cho LĐNT cho 1.943 lao động.

100% lao động sau học nghề có việc làm và làm đúng với nghề đào tạo. Sau một năm học nghề, người nông dân có việc làm ổn định đã góp phần giảm được 19 hộ nghèo. 5 xã và thị trấn có từ 10% trở lên hộ gia đình có mức thu nhập vươn lên thành khá.

Năm 2019, huyện Quốc Oai đã đào tạo cho 1.555 LĐNT, tăng 158 lao động so với kế hoạch đề ra. Đáng phấn khởi, 100% lao động sau khi học đã có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo. Các DN sử dụng lao động qua đào tạo đã đánh giá tay nghề của người lao động (NLĐ) được nâng lên, năng suất và chất lượng sản phẩm cũng tăng.

Thu nhập ổn định

Qua kiểm tra sổ sách và khảo sát thực tế, Đoàn kiểm tra TP Hà Nội đã ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại huyện Quốc Oai. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn nhận xét: Huyện Quốc Oai đã có định hướng đúng, chỉ đạo sát sao nên việc triển khai đồng bộ, bài bản và đạt hiệu quả. Đặc biệt, việc tổ chức dạy các nghề vừa theo nguyện vọng của nông dân, lại là xu hướng phát triển kinh tế của địa phương nên bà con tích cực học tập.

Phó Chủ tịch huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết thêm, căn cứ vào cơ cấu, tỷ trọng phát triển kinh tế của huyện năm 2018 và những năm tiếp theo cũng như Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 1956 huyện đã triển khai mô hình điểm đào tạo nghề cho LĐNT. Đó là các nghề có cam kết tuyển dụng 100% lao động sau học nghề của chủ DN, chủ xưởng hoặc hợp đồng bao tiêu sản phẩm và các nghề liên quan đến phát triển làng nghề. Đến nay, NLĐ sau khi được đào tạo nghề theo mô hình điểm đã có việc làm, thu nhập tháng ổn định trên 4,5 triệu đồng. Riêng nghề Kỹ thuật điêu khắc gỗ, NLĐ có thu nhập tháng từ 6 – 8,5 triệu đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Quyết định 1956 trên địa bàn huyện Quốc Oai cũng gặp những khó khăn. Đó là tình hình dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Đến nay vẫn chưa có DN ký hợp đồng tuyển dụng lao động hoặc bao tiêu sản phẩm nông sản cho lao động học nghề nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số DN chưa hợp tác với cơ quan chức năng để đào tạo nghề cho NLĐ ở các vị trí công việc phải qua đào tạo vì phải trả lương cao hơn ít nhất 7% so với lao động chưa đào tạo. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương đề nghị các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế thu hút DN đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp để NLĐ có việc làm ổn định.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, huyện Quốc Oai cần chú trọng gắn chương trình đào tạo nghề cho LĐNT với phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời gắn mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo với nhu cầu của DN sẽ tuyển dụng lao động học nghề hoặc bao tiêu sản phẩm cho người học. Như thế lao động sau học nghề sẽ đảm bảo được tuyển dụng, có việc làm, sản phẩm làm ra được DN đón nhận.

Từ công tác đào tạo nghề, trong 2 năm (2018 và 2019), toàn huyện Quốc Oai đã có 1.669 lao động chuyển từ làm nghề nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Nhằm tạo điều kiện cho NLĐ sau khi học nghề có việc làm, phát triển sản xuất, Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 huyện Quốc Oai đã giải quyết cho 26 hộ vay tổng số tiền 980 triệu đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thoat-ngheo-nho-dao-tao-nghe-358516.html