Thoát nghèo nhờ biết giữ gìn, khai thác văn hóa truyền thống

Xã Ba Vì nằm trong tuyến đường du lịch trọng điểm của huyện Ba Vì (Hà Nội). Tuy vậy, cho đến trước tháng 4 năm nay, xã vẫn nằm trong vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Ba Vì đã thoát nghèo được 6 tháng nhưng không chỉ nhờ du lịch, mà còn nhờ khai thác tiềm năng văn hóa.

Giữ văn hóa, có nghề gia truyền

Xã Ba Vì có 2.284 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Dao. Tuy xã có diện tích 2.538ha nhưng thực tế chỉ 347ha có thể khai thác sản xuất nông nghiệp. Đất canh tác ít là một trong những yếu tố khiến đời sống nhân dân ở xã Ba Vì còn nghèo.

Hàng trăm năm trước, người Dao ở vùng núi Ba Vì có lối sống du canh, du cư, đến năm 1963 mới định cư ở khu vực này. Tuy cuộc sống du canh, du cư từng tồn tại lâu vậy, song phần lớn bản sắc văn hóa của dân tộc vẫn được gìn giữ. Ông Lăng Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì, cho biết: “Người Dao ở địa phương thuộc nhóm Dao quần chẹt, có nhiều nét văn hóa rất riêng, độc đáo, như: Chữ viết, trang phục, lễ, Tết. Hiện những nét văn hóa này vẫn được giữ gìn trọn vẹn”. Dễ thấy, người dân luôn có ý thức gìn giữ văn hóa dù đời sống có lúc còn nhiều khó khăn.

 Ngày Tết trong một gia đình người Dao ở thôn Yên Sơn.

Ngày Tết trong một gia đình người Dao ở thôn Yên Sơn.

Chúng tôi vào thăm thôn Yên Sơn, nơi Đảng ủy, UBND xã đã và đang xây dựng mô hình làng nghề-làng văn hóa. Người dân ở đây có nghề làm thuốc từ các loại thảo dược. Ông Triệu Văn Cao, Trưởng thôn Yên Sơn cũng là một thầy mo nổi tiếng của vùng. Ông Cao vui vẻ giải thích: “Theo tập tục và văn hóa người Dao thì thầy mo cũng là trưởng làng, có nhiệm vụ chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, bảo ban việc xây dựng kinh tế, lối sống. Thầy mo giữ gìn nhiều kiến thức truyền thống”.

Thầy mo bây giờ khác xưa, họ là người truyền bá văn hóa cổ truyền. Ở thôn Yên Sơn có rất nhiều người biết chữ Hán-Nôm nhờ được học từ sách của thầy mo. Phần lớn những người đọc được tuổi đời còn rất trẻ. Gia đình ông Triệu Văn Cao có hơn chục đầu sách chép lại từ những pho sách cổ. Sách ghi lại truyền thuyết về người Dao, bên cạnh những câu chuyện về trời đất, thiên nhiên, nghi lễ, lối sống, còn ghi chép kinh nghiệm về cách làm thuốc từ các loại cỏ cây.

Việc học sách cổ ở xã Ba Vì được tiến hành rộng rãi. Người dân tự mở lớp. Căn cứ theo tình hình lúc nào thấy thanh niên có vẻ xao nhãng việc học, quên mặt chữ là họ mở lớp, mỗi tối học hai giờ, kéo dài trong hai năm. Vậy là nhờ biết giữ gìn vốn liếng văn hóa của cha ông để lại, nhiều gia đình biết cách ghép, bốc các loại lá làm thuốc trị bệnh.

Đồng tâm xây dựng làng nghề

Lá thuốc người Dao ở Yên Sơn đến nay đã rất nổi tiếng, tuy thực tế vẫn còn một vài khó khăn. Thứ nhất là tình trạng loạn bài thuốc ở Yên Sơn. Ở thôn Yên Sơn có khoảng 250 hộ gia đình và mỗi gia đình lại sở hữu một vài bài thuốc. Nhưng những bài thuốc này có hiệu nghiệm hay không lại nhờ phần nhiều tài định lượng, hay kết hợp tỷ lệ các loại lá. Dù có thể học từ sách như nhau nhưng không phải ai cũng làm được.

Từ rất nhiều năm trước, ông Triệu Hữu Bằng ở thôn Yên Sơn được biết đến với những bài thuốc chữa thận, dạ dày, trị đau xương cốt. Không bằng lòng với hiệu quả của thuốc, chỉ thông qua những kiểm nghiệm ở mỗi bệnh nhân, ông hướng con gái đi theo nghề đông y. Hiện, con gái ông đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú Khoa Đông y, Trường Đại học Y Hà Nội và đang công tác tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Với những kiến thức vừa truyền thống, vừa hiện đại, nhiều loại thuốc lá của gia đình ông Bằng ngày càng có uy tín. Tuy vậy, theo ông Bằng, thời gian gần đây, nghề thuốc gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu. Cây thuốc phải đi lấy xa hơn, từ nhiều tỉnh khác. Bài thuốc thì có nhiều nhưng không có thương hiệu nên dẫn đến tình trạng giả, nhái, mất uy tín.

Bí thư Đảng ủy xã Lăng Văn Hà rất trăn trở về những vấn đề này. Theo ông, nguyên nhân vẫn nằm ở chỗ thu nhập của người dân địa phương còn thấp, chưa thể bứt phá vươn lên. Năm nay, thu nhập trung bình của người dân trong xã ước đạt gần 13 triệu đồng/người/ năm. Ông Hà nói: “Chủ trương của xã vẫn là tập trung vào làng nghề. Động viên những gia đình dám nghĩ, dám xây dựng kinh tế hộ gia đình, xa hơn là xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho nghề trồng lá thuốc”.

Thực tế mấy năm qua, nhiều gia đình ở Yên Sơn đã chuyển hẳn sang nghề làm lá thuốc người Dao, ví như gia đình ông Lý Văn Nguyên vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống này. Tuy vậy, những vấn đề như khâu cung ứng vật tư còn hạn chế; nhiều hộ gia đình vẫn giữ bí quyết riêng; chưa có thương hiệu thật sự uy tín… đang ghìm đà phát triển của làng nghề. Vì vậy chúng tôi cho rằng, khắc phục những bất cập trên, với sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của chính quyền, biết tận dụng khai thác văn hóa truyền thống kết hợp với tri thức tiến bộ, bà con dân tộc Dao của xã Ba Vì sẽ xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, giàu mạnh.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/thoat-ngheo-nho-biet-giu-gin-khai-thac-van-hoa-truyen-thong-526134