'Thoát ly' cơ quan chủ quản

Sự kiện chiều 9/6, lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng lên tiếng phản đối cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trở nên hết sức nóng trên các diễn đàn GD–ĐT và được báo giới quan tâm đặc biệt.

Ảnh internet

Ảnh internet

Nóng vì đây là lần đầu tiên một trường đại học phản đối cơ quan chủ quản chính mình. Nóng vì nhiều cán bộ, giảng viên đại học này đã gửi đơn phản đối Tổng Liên đoàn buộc trường phải nộp 30% phần chênh lệch thu chi tài chính sau khi nộp thuế. Nóng vì những nội dung phản đối này đều là những vấn đề liên quan đến quyền tự chủ đại học. Đặc biệt nóng hơn nữa vụ việc này diễn ra gần đến thời điểm Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.

Xin không bàn ở đây đúng sai thuộc về bên nào, việc này các cơ quan quản lý Nhà nước đang xem xét. Nhưng nhân sự kiện này, một câu hỏi đặt ra là có nên tồn tại bộ, cơ quan chủ quản đối với các trường đại học hay không. Khi mà thực tế là hoạt động của các nhà trường hết sức độc lập và cũng đã có kết quả hết sức khả quan, không hẳn đã cần thiết phải có một bộ, cơ quan chủ quản.

Thực tế là chủ trương bỏ bộ chủ quản đã có từ lâu. Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 xác định giải pháp đổi mới cơ chế quản lý: “Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, xây dựng cơ chế đại diện sở hữu Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập”. Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng Đề án trình Chính phủ thí điểm bỏ bộ chủ quản đối với 3 trường đại học đang trực thuộc là Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trước đó, mô hình không có bộ chủ quản cũng đã được triển khai tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh và ĐHQG Hà Nội từ năm 1995. Việc thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện mà không có cơ quan chủ quản của 2 ĐH này đã và đang khẳng định một quan điểm, chủ trương đúng đắn là các ĐH không cần thiết phải có cơ quan chủ quản. Không phải bàn cãi gì nữa, việc bỏ cơ quan chủ quan sẽ giúp cho trường tự chủ toàn diện hơn khi trường hoạt động độc lập hoàn toàn, thủ tục hành chính sẽ giảm, không còn phải trình ba cấp. Từ việc tự quyết trong đầu tư công, chủ động trong điều hành trong quản lý, bổ nhiệm nhân sự, tự do học thuật và trực tiếp làm việc với các bộ ngành liên quan mà không cần phải thông qua bộ chủ quản - Hội đồng trường sẽ là cơ quan quyền lực cao nhất điều hành hoạt động nhà trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của trường.

Nói như Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, khi không còn bộ chủ quản, Hội đồng trường sẽ có “thượng phương bảo kiếm” trong tay. Hội đồng trường quyết định tất cả mọi vấn đề của trường, từ bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, đến vấn đề đào tạo, nhân lực của trường cũng như các vấn đề liên quan đến tài chính, cơ sở vật chất, khoa học công nghệ của trường.

Từ vụ việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản ứng cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ Việt Nam càng cho thấy sự cần thiết phải bỏ cơ quan chủ quản trong các trường đại học. Luật GDĐH sửa đổi, ngày 1/7 tới đây sẽ chính thức có hiệu lực, một lần nữa khẳng định quyền tự chủ và trách nhiệm tự chủ của các trường. Khi được thực hiện quyền tự chủ tối đa thì giáo dục đại học sẽ hướng đến chất lượng tốt hơn. Để thực thi quyền tự chủ đầy đủ nhất, phải nâng cao vai trò của Hội đồng trường. Quyền lực thực sự phải nằm trong tay Hội đồng trường, hơn ai hết họ sẽ tự biết trách nhiệm với người học và xã hội.

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/thoat-ly-co-quan-chu-quan-4010128-b.html