Thoát khỏi ma túy nhờ methadone

Với quyết tâm từ bỏ ma túy và làm lại cuộc đời, thời gian qua, nhiều bệnh nhân đã kiên trì điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone. Nhờ đó, nhiều trường hợp đã cai nghiện thành công, có việc làm ổn định để tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình.

Bác sĩ Võ Ngọc Ẩn, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 4 (TP.Long Khánh) thăm hỏi, động viên người bệnh

Bác sĩ Võ Ngọc Ẩn, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 4 (TP.Long Khánh) thăm hỏi, động viên người bệnh

* Nỗ lực đoạn tuyệt với ma túy

Anh T.T.H. (31 tuổi, ngụ TP.Long Khánh) kể, mới 15 tuổi, anh đã tập tành ăn chơi, đua đòi cùng bạn bè. Một lần thấy bạn sử dụng heroin, anh cũng tò mò dùng thử rồi nghiện lúc nào không hay. Cứ mỗi lần đến “cữ”, anh H. cảm thấy trong người khó chịu và phải tìm mua ma túy để sử dụng. Số lần anh sử dụng ma túy ngày càng nhiều, chi phí ngày một tăng khiến gia đình kiệt quệ.

Theo bác sĩ Nguyễn Giỏi, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh), việc điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone mang lại nhiều lợi ích mà lợi ích quan trọng là giảm tình trạng lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, việc uống methadone sẽ giúp cho bệnh nhân phục hồi sức khỏe, tham gia lao động kiếm tiền chân chính, giảm số người sử dụng ma túy trong cộng đồng và giảm tệ nạn xã hội.

“Nếu sử dụng ma túy theo cữ (lên cơn thèm mới dùng) thì mỗi ngày tôi phải tốn từ
500-700 ngàn đồng. Còn xài thoải mái thì tôi phải tốn từ 1-2 triệu đồng/ngày. Mỗi tháng tôi phải chi hàng chục triệu đồng để chơi ma túy” - anh H. cho biết.

Từ nghiện ma túy nặng, anh H. bắt đầu sợ vì quá lệ thuộc vào nó, nhất là mỗi khi lên cơn thèm mà chưa có ma túy sử dụng, cơ thể anh rất mệt mỏi. Từ năm 2005, anh đi cai nghiện ở nhiều nơi, tuy nhiên việc cai nghiện của anh cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại tái nghiện.

Cuối năm 2015, khi biết tại TP.Long Khánh mở Cơ sở điều trị methadone số 4, anh đã đến đăng ký và quyết tâm cai nghiện ổn định từ đó đến nay. “Việc dùng methadone hằng ngày đã giúp tôi dần quên đi ma túy, ăn uống ngon miệng và thể trạng khỏe hơn nhiều so với trước đây. Hiện tại, tôi đã khỏe mạnh và phụ giúp gia đình chăm sóc vườn, rẫy” - anh H. vui vẻ cho biết.

Năm 1997, anh H.H.Đ. (39 tuổi, TP.Biên Hòa) bị té xe dẫn đến gãy chân, vết thương thường hoành hành đau nhức. Thấy vậy, bạn bè xấu “xúi” anh sử dụng ma túy để điều trị giảm đau. Lúc bấy giờ, ông không rõ tác hại ma túy, cứ nghĩ sử dụng ma túy để giảm đau một thời gian rồi bỏ. Thế nhưng ông bị nghiện lúc nào cũng chẳng hay.

Bệnh nhân đang uống methadone tại Cơ sở điều trị methadone số 4 (TP.Long Khánh)

Những lúc tỉnh táo, ông Đ. nằm suy nghĩ, vì dính vào ma túy, ông đã đánh đổi rất nhiều thứ quan trọng trong cuộc đời, hạnh phúc gia đình đổ vỡ (vợ bỏ đi) cho đến hàng xóm xa lánh, mất niềm tin của người thân. Từ đó, ông quyết tâm cai nghiện để làm lại cuộc đời. Nhiều lần, ông đi cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện ma túy nhưng sau đó trở về vẫn quay lại con đường cũ vì không thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy.

Năm 2017, khi biết ở TP.Biên Hòa có mở Cơ sở điều trị methadone số 1, ông Đ. đã đăng ký để cai nghiện ma túy. Từ đó đến nay, dù trời mưa hay nắng, ông cũng đến uống thuốc đều đặn. “Nhờ điều trị methadone mà tôi không còn thèm nhớ đến ma túy, sức khỏe hồi phục nhiều. Tôi đã xin được công việc bảo vệ ở một công ty. Nhờ đó, đời sống cũng ổn định hơn trước” - ông Đ. bộc bạch.

* Tận tình cai nghiện cho bệnh nhân

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 7 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone gồm: Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và 6 trung tâm y tế các địa phương như: Biên Hòa, Long Khánh, Long Thành, Ðịnh Quán, Trảng Bom, Xuân Lộc. Hiện toàn tỉnh đã tổ chức điều trị cai nghiện bằng thuốc methadone cho 1.340 bệnh nhân (đạt 95% chỉ tiêu của Chính phủ giao). Sắp tới, tỉnh sẽ đưa Cơ sở điều trị methadone số 8 (huyện Vĩnh Cửu) vào hoạt động nhằm đáp ứng điều trị 1.404 bệnh nhân như chỉ tiêu Chính phủ đã giao.

Để việc điều trị thuốc methadone mang lại hiệu quả tốt, ngoài sự nỗ lực của bệnh nhân thì sự tận tâm chăm sóc, chia sẻ của đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở điều trị methadone cũng góp phần rất quan trọng.

Bác sĩ Võ Ngọc Ẩn, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 4 (TP.Long Khánh) cho hay, theo quy định, thời gian mở cửa cho bệnh nhân đến uống methadone bắt đầu từ 7 giờ. Thế nhưng, do có rất nhiều bệnh nhân muốn uống thuốc sớm hơn để kịp giờ đi làm, nhất là những người làm công nhân nên Cơ sở điều trị methadone số 4 cũng như các cơ sở khác trong tỉnh đã linh động cho bệnh nhân uống thuốc sớm hơn quy định từ 30 phút đến 1 tiếng.

Cũng theo bác sĩ Võ Ngọc Ẩn, Cơ sở điều trị methadone số 4 đi vào hoạt động từ ngày 1-12-2015 đến nay và hiện đang điều trị cho 330 bệnh nhân; trong đó, có nhiều bệnh nhân nỗ lực cai nghiện rất tốt. Hiện có 4 bệnh nhân cai nghiện thành công và đã giao về cho địa phương quản lý. Khi cơ sở mới đi vào hoạt động, trong số bệnh nhân đến đăng ký điều trị thì tỷ lệ thất nghiệp chiếm khoảng 60%, nhưng sau một thời gian điều trị ổn định, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn khoảng 36%. Bởi sau khi dùng methadone, họ khỏe mạnh trở lại và tự đi kiếm việc làm để nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.

“Chúng tôi thường hay gọi điện hoặc đến trực tiếp gia đình để thăm hỏi thì 4 người này đều dứt bỏ được ma túy và hiện có việc làm ổn định (một người phụ gia đình đi giao nấm bào ngư ở ngoài chợ, một người đi làm thợ sơn và 2 người phụ xe tải cho gia đình). Chúng tôi cảm thấy rất vui khi giúp họ từ bỏ được ma túy” - bác sĩ Võ Ngọc Ẩn chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Lộc, phụ trách Cơ sở điều trị methadone số 6 (huyện Định Quán) cho biết: “Ngoài việc giúp bệnh nhân từ bỏ ma túy, tôi còn khuyên bảo họ về cách ăn nói, ứng xử. Nhờ vậy, nhiều người đã thay đổi cách sống, ăn mặc lịch sự và hòa nhập tốt với cộng đồng”.

Y sĩ Trương Thị Hà, Cơ sở điều trị methadone số 1 (TP.Biên Hòa) cũng cho hay, đa số bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị, tuy nhiên vẫn còn số ít người có những lời nói, hành động không chuẩn mực, đã gây nhiều áp lực cho đội ngũ y, bác sĩ. Chẳng hạn, nhân viên đến trễ vài phút vì kẹt xe hay xe hư thì bệnh nhân bức xúc; bệnh nhân đánh nhau chỉ vì giành vị trí xếp hàng để chờ lượt uống thuốc hoặc nhân viên góp ý nhưng họ không nghe mà còn cự lại, thậm chí đe dọa...

“Đôi lúc chúng tôi cũng cảm thấy buồn, nhưng rồi nỗi buồn đó cũng nhanh qua và vẫn tận tình chăm sóc họ như bao bệnh nhân khác chứ không ghét bỏ. Điều này đã giúp cho họ tự nhận thấy lỗi sai và sau đó quay lại xin lỗi” - y sĩ Hà tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Giỏi, Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, đội ngũ thầy thuốc ở trung tâm luôn tận tình điều trị cho bệnh nhân. Những lúc rảnh, các bác sĩ còn ngồi trò chuyện, quan tâm chia sẻ về cuộc sống của từng bệnh nhân để từ đó động viên họ sống lạc quan hơn. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân nghe theo, kiên trì điều trị và mang lại kết quả tốt.

Để điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone hiệu quả, theo bác sĩ Võ Ngọc Ẩn, ngoài sự quan tâm chăm lo, giúp đỡ của người thầy thuốc, gia đình và xã hội còn rất cần sự quyết tâm của chính bệnh nhân (yếu tố này quyết định đến 50% thành công của việc cai nghiện ma túy). Bệnh nhân phải kiên trì uống thuốc đều đặn hằng ngày chứ không được điều trị gián đoạn.

“Chúng tôi mong rằng, sau khi bệnh nhân cai nghiện thành công trở về thì rất cần sự giúp đỡ của các ban, ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là giúp họ có việc làm ổn định để không quay lại con đường cũ” - bác sĩ Võ Ngọc Ẩn nói.

Nhân An

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201909/thoat-khoi-ma-tuy-nho-methadone-2964954/