Thoát khỏi cảnh đi nhậu cùng sếp, giới trẻ Hàn chăm lo cho bản thân

Văn hóa đề cao thứ bậc từng khiến người trẻ Hàn không được phép từ chối yêu cầu từ cấp trên. Giờ đây, họ chọn không tham gia đi nhậu với sếp mà dành thời gian cho bạn bè, bản thân.

Zing.vn trích dịch bài viết trên PRI, phản ánh câu chuyện người lao động tại Hàn không còn lo sợ việc phải đi nhậu, đi hát karaoke với sếp sau giờ làm, thứ từng khiến họ mệt mỏi vì bị ép buộc tham gia trong nhiều năm.

“Tôi thích hát với bạn bè hơn là hát trước mặt người lạ”, Jin Kyu Wan (Seoul) thổ lộ.

Cứ tối thứ 6 cuối tuần, cô gái 24 tuổi lại cùng bạn trai và nhóm bạn đại học tụ tập tại hàng karaoke trong thành phố, cùng vui chơi đến quá nửa đêm.

“Nếu tôi hát không hay, bạn bè sẽ trợ giúp, giúp tôi cảm thấy tự tin hơn”, Jin chia sẻ.

Hàn Quốc, những buổi tối đi chơi với bạn bè hoặc đồng nghiệp thường kết thúc bằng việc cả nhóm kéo nhau đi hát karaoke và hiếm ai ra về trước đêm khuya.

Hát karaoke cũng là hoạt động yêu thích giới “cổ cồn trắng” tại xứ củ sâm.

Trong xã hội coi trọng tuổi tác và thứ bậc như Hàn Quốc, văn hóa đi nhậu sau giờ làm, trong đó nhân viên thường bị bắt buộc đi uống rượu, đi hát karaoke cùng sếp dù không thích đã là câu chuyện quá quen thuộc.

Nhưng khi chính phủ nước này nỗ lực ngăn chặn tình trạng “làm việc tới chết”, trao cho người lao động nhiều tiếng nói tại môi trường công sở hơn, các cuộc vui khiến người Hàn “mệt mỏi vì bị ép buộc tham gia” cũng dần thưa thớt.

Giới trẻ ít đi nhậu, karaoke đóng cửa hàng loạt

Người Hàn Quốc ưa chuộng hát karaoke trong các phòng riêng biệt dành cho nhóm đi chung, thường được gọi là noraebang.

Các noraebang này là một phần không thể thiếu của cuộc sống Seoul về đêm. Khi thành phố lên đèn, cũng là lúc nhiều cơ sở trên khắp các quận thủ đô bước vào thời gian hoạt động nhộn nhịp.

Noraebang đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống tinh thần người dân Hàn Quốc kể từ khi hình thức hát karaoke du nhập vào nước này những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.

Các phòng karaoke thường là nơi tụ tập của giới văn phòng Hàn Quốc sau giờ làm. Ảnh: Korea Boo.

Các phòng karaoke thường là nơi tụ tập của giới văn phòng Hàn Quốc sau giờ làm. Ảnh: Korea Boo.

Nhưng giờ đây, hình thức giải trí này không còn là lựa chọn hàng đầu mỗi khi người Hàn cần tụ tập, vui chơi nữa.

Một số lượng kỷ lục các noraebang đã ngừng hoạt động trong năm qua và việc mở các cơ sở mới cũng ở mức thấp nhất từng thấy, theo nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính KB.

Năm 2011, mô hình kinh doanh này chứng kiến sự phát triển cao nhất khi trên cả nước có đến 35.000 cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn chưa đến 33.000 cơ sở. Từ tháng 5 năm ngoái, gần 1.500 tiệm karaoke rơi vào tình trạng ế ẩm, buộc phải đóng cửa.

“Năm vừa rồi, tôi mất đến phân nửa số khách hàng của mình”, Myeong Ok-hee, chủ của một quán karaoke 9 phòng tại Seoul cho hay.

Myeong đổ lỗi cho nền kinh tế đất nước đang trong trạng thái trì trệ là lý do khiến việc kinh doanh ế ẩm.

“Tôi nghĩ mọi thứ sẽ tốt dần lên và tôi không phải đóng cửa chỗ làm ăn của mình”, người phụ nữ nói thêm.

Những cuộc tụ tập bên bàn nhậu thưa thớt dần khi người lao động Hàn Quốc chăm lo hơn cho đời sống cá nhân. Ảnh: Korea Times.

Lời của sếp không còn là mệnh lệnh tuyệt đối

Tuy nhiên, báo cáo của Tập đoàn tài chính KB cho rằng sự suy giảm của noraebang phản ánh một hiện tượng kinh tế xã hội khác: Các ông chủ Hàn Quốc không còn bắt buộc nhân viên phải đi uống rượu và hát hò tới tận đêm khuya như trước kia.

Các buổi tụ tập sau giờ làm việc của giới văn phòng, thường được gọi là hwaesik trong tiếng Hàn, là một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh tại Hàn Quốc.

Các buổi đi chơi này thường bao gồm bữa tối và đồ uống, sau đó là hàng giờ hát karaoke kết thúc vào đêm muộn.

Những người sếp Hàn Quốc cũng dần học cách tôn trọng thời gian và sở thích riêng của nhân viên cấp dưới. Ảnh: Phim Nameless Gangster: Rules of Time.

Frank Ahrens, tác giả của một cuốn hồi ký về thời gian làm việc cho tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc, cho biết uống rượu được coi là cách xóa nhòa khoảng cách giữa nhân viên cấp dưới và cấp cao của một công ty.

Nhưng việc từ chối rượu giữa các đồng nghiệp và sếp tại Hàn Quốc với nhau không phải là chuyện dễ dàng làm được.

“Trừ khi có vấn đề về sức khỏe thật sự, còn đâu việc hầu rượu sếp là bắt buộc”, Frank cho hay.

Trong bối cảnh các cuộc chơi luôn khiến người tham gia say bí tỉ, việc phải dành cả tối sau giờ làm tại các noraebang khiến không ít nhân viên nữ cảm thấy mệt mỏi.

“Quấy rối tình dục thường xảy ra ở các cuộc vui như vậy. Để tránh làm phật lòng mọi người, bạn buộc phải nhảy với sếp hoặc đồng nghiệp. Sự đụng chạm cơ thể với người khác giới thường xuyên diễn ra, khoảng cách giữa hai người có khi rất gần và bạn phải cố gắng chịu đựng. Điều đó thực sự khó chịu”, một nữ nhân viên 39 tuổi giấu tên kể lại.

Lee Tae-ha, Giám đốc điều hành một công ty truyền thông tại Hàn Quốc, cho biết các nhân viên trẻ ngày nay cũng cảm thấy thoải mái hơn khi từ chối việc uống rượu quá mức tại các phòng karaoke. Cấp trên cũng không còn cho lời mình là mệnh lệnh cần tuân theo tuyệt đối.

Sự thay đổi diễn ra trong bối cảnh chính phủ Hàn đang nỗ lực cải thiện tình trạng làm việc quá sức diễn ra mỗi ngày tại nước này.

Kể từ tháng 7/2018, tất cả các công ty có từ 300 nhân viên trở lên phải giảm thời gian làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 tiếng xuống còn 52 tiếng với mỗi lao động, theo đạo luật "WoLiBal" (viết tắt của work-life balance - cân bằng công việc và cuộc sống).

Thay vì quá chú trọng số giờ làm việc, người trẻ nước này giờ đây quan tâm hơn đến chất lượng cuộc sống cũng như hiệu quả công việc.

“Ngày càng nhiều quản lý như tôi tôn trọng điều đó”, Lee cho hay.

“Một số người không muốn dành quá nhiều thời gian đi nhậu và muốn trở về nhà sau giờ làm. Số khác không thể uống rượu nhiều, số khác hát không hay. Các sếp cũng phải dần học cách chấp nhận sở thích riêng của mỗi người”, người đàn ông 52 tuổi nói.

Vị giám đốc cho hay vì đến các noraebang và uống rượu, các buổi tiệc văn phòng của công ty bây giờ chỉ đơn giản ở mức cả phòng ăn tối cùng nhau hoặc đi xem phim, đến sân vận động xem thi đấu thể thao.

Các cuộc vui thường kết thúc tại cửa hàng café và mọi người chia tay nhau trước 22 giờ tối.

“Tôi vẫn thích hát karaoke, nhưng bây giờ tôi hát cùng bạn bè và người thân, thay vì với nhân viên của mình”, ông Lee kết luận.

Trà My

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thoat-khoi-canh-di-nhau-cung-sep-gioi-tre-han-cham-lo-cho-ban-than-post998512.html