'Thoát hiểm' nhờ tự động hóa

Một doanh nghiệp rất nhỏ, sản xuất trong lĩnh vực quần áo trẻ em, chỉ với 20 lao động nhưng sản phẩm hiện diện ở hầu hết các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc, với khoảng 90.000 – 100.000 sản phẩm/tháng. Làm sao với từng ấy công nhân mà họ lại sản xuất được nhiều sản phẩm như thế? Tất cả là nhờ đổi mới sáng tạo trong công nghệ…

Một ngày cuối năm 2017, trong nhà máy của công ty cổ phần may thêu Minh Long Hưng, quận 9, TP.HCM có vài công nhân nhưng họ điều khiển, vận hành hàng chục loại máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa như những con robot trong các phân xưởng lớn trên thế giới.

‘Thoát hiểm’ nhờ tự động hóa. Trong ảnh: Công nhân đang vận hành máy trải vải ở công ty Minh Long Hưng.

Ông Lý Thành Sinh, giám đốc công ty cho biết, nếu không kịp đổi mới thì có lẽ năm 2017 vừa qua, Minh Long Hưng đã không còn tồn tại trên thị trường.

Theo ông Sinh chia sẻ, quyết định quá trình đổi mới sáng tạo của mình được hun đúc và bắt đầu từ năm 2015 khi tham gia khóa học “Tư duy sáng tạo có hệ thống” của BSA tổ chức do các chuyên gia đổi mới sáng tạo từ Israel đứng lớp.

Vì sao một doanh nghiệp sản xuất quần áo trẻ em nhỏ phải thay đổi? Ông giải thích: trong những năm qua, Việt Nam ký hàng loạt các hiệp định thương mại với các nước khu vực. Hàng hóa của các nước tràn vào Việt Nam rất nhiều. Hàng các nước ASEAN âm thầm “lót ổ”, nhiều thương hiệu của họ uy tín, giá cạnh tranh nên đánh bật sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ra một bên. Cùng với đó là hàng Trung Quốc vào Việt Nam bằng nhiều hình thức cũng không ít…

Do đó, bài toán cho doanh nghiệp Việt đặt ra là phải trụ lại trên sân nhà của mình, mà muốn như thế chỉ có một cách là doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, phải đưa tự động hóa vào các quy trình sản xuất kinh doanh.

“Công ty chúng tôi tìm hiểu trên thị trường và đầu tư cho hệ thống máy móc, chọn mua những thiết bị từ Đức, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong từng khâu, công ty bắt đầu làm mới, như mua hệ thống máy cắt và máy trải vải tự động, máy in sơ đồ tự động”, ông Sinh nói. Các khâu này, theo ông, trước đây có hơn 20 công nhân làm việc, nhưng giờ chỉ cần hai người, vừa có độ chính xác cao, vừa tiết kiệm vải…

Cùng với đó là việc công ty đầu tư thêm các loại máy in trên sản phẩm, từ in bán thành phẩm, máy in nhãn vào sản phẩm, hay máy in lên cây vải. Ngoài ra, máy quậy và chế biến phụ phẩm, mấy sấy, máy nén khí, máy ép nhiệt, máy làm phiên bản thiết kế, cũng được doanh nghiệp này tìmvà thay thế.

Những công nghệ này, ông Sinh cho rằng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm của Minh Long Hưng rất nhiều, từ mẫu mã, thiết kế, màu, hình ảnh trên chiếc áo…

“Như kỹ thuật sấy của chúng tôi hiện nay là sấy bằng hơi nóng, giúp cho sản phẩm quần áo không bị co rút, khác biệt hoàn toàn so với sấy nhiệt trước đây”, vị giám đốc này cho hay, đồng thời nhẩm tính máy móc đã thay thế được phần việc của 80 công nhân, từ chỗ dao động100 người, còn khoảng 20 người tất thảy.

Đánh bật hàng nhái, hàng giả nhờ công nghệ

Lâu nay, không ít doanh nghiệp Việt bị tình trạng hàng giả, hàng nhái áp đảo, nhưng không có nhiều biện pháp để “khắc chế”. Nhiều doanh nghiệp cam phận “sống chung” với nạn hàng gian, hàng giả mà không biết kêu ai. Với Minh Long Hưng, một công ty sản xuất quần áo cũng thế, họ luôn bị tình trạng hàng nhái, hàng giả bủa vây, dẫu xử lý nhiều cách vẫn không hiệu quả.

Tuy nhiên, từ khi đầu tư cho công nghệ tự động hóa, hiện đại, ông Thành Sinh khẳng định “cửa sinh”… đã mở ra. Theo ông phân tích, thứ nhất, có công nghệ mới nên công ty “chạy” nhanh hơn về mẫu mã, đa dạng chủng loại để những người làm giả (đa phần là những nhà may tư nhân nhỏ) họ không đủ con người và phương tiện thiết bị theo kịp.

Thứ hai, nhờ công nghệ về phối màu, trộn màu mà Minh Long Hưng sản xuất ra những sản phẩm có tính chất vùng miền, đi vào chiều sâu của nghiên cứu thị trường – những người làm hàng giả không làm điều này, như khu vực Tây Nguyên họ thích hàng màu, rẻ tiền, chất lượng; hay như khu vực miền Nam không thích dùng bo mà thích dùng viền, thích ống lửng, không thích ống dài; còn ngoài Bắc thì ngược lại…

Thứ ba, doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu “độc” mà đối tượng làm giả không có được, hoặc liên kết với các doanh nghiệp trong hội dệt may để nhuộm sản phẩm theo mã số quốc tế.

Và cuối cùng, theo ông Lý Thành Sinh, bài toán “chấp nhận lời ít đi”, cũng là giải pháp đánh cho hàng giả không còn đất sống.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/thoat-hiem-nho-tu-dong-hoa-848102.html