Thoát bẫy thu nhập trung bình, Hàn Quốc đã làm thế nào?

Tại phiên thảo luận của Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Giáo sư Yongrak Choi, nguyên thành viên Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc đã chia sẻ về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong phát triển kinh tế xã hội dựa vào phát triển doanh nghiệp công nghệ.

Mở đầu bài tham luận, ông Yongrak Choi cung cấp những con số quan trọng về kinh tế và công nghệ của Hàn Quốc. GDP năm 2017 là 1.530 tỷ USD gấp 765 lần so với năm 1960. Nền khoa học công nghệ Hàn Quốc cũng phát triển nhanh chóng...

Ông cho biết, điểm mạnh cốt lõi của Hàn Quốc là sự chuyển mình thành công từ nhập khẩu công nghệ thành quốc gia đi đầu về công nghệ, sở hữu nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và có năng lực chế tạo, nắm bắt công nghệ. Hàn Quốc cũng tiến hành tái cấu trúc sản xuất. Trong thập kỷ 60, quốc gia này tập trung vào tài nguyên thiên nhiên hay thập kỷ 70 tập trung vào công nghiệp nhẹ và đến nay thành cường cuốc công nghệ...

Ông lấy dẫn chứng về sự phát triển của những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới như Samsung, Hyundai... Thời gian đầu, Samsung đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi công nghệ. Sau 10 năm phát triển, Samsung trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới.

Trong khi đó, Hyundai cũng nhập khẩu mạnh mẽ công nghệ của nước ngoài, chịu khó học hỏi công nghệ lõi từ các nước sau đó phát triển công nghệ cho riêng mình. Tập đoàn Posco cũng nhận được sự phát triển mạnh mẽ của Chính phủ về đầu tư ban đầu và hạ tầng. Trong vòng 15 năm, doanh nghiệp này đã phát triển nhiều công nghệ tối tân để sản xuất thép.

Phát triển lĩnh vực CNTT và truyền thông (CTC) cũng là động lực tăng trưởng quan trọng của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 34% trong tổng sản lượng xuất khẩu. Chính phủ đã xác định một số ngành mũi nhọn như viễn thông, bán dẫn, điện thoại di động...

Giáo sư Yongrak Choi chia sẻ về kinh nghiệm thoát bẫy trung bình, phát triển doanh nghiệp công nghệ của Hàn Quốc.

Giáo sư Yongrak Choi chia sẻ về kinh nghiệm thoát bẫy trung bình, phát triển doanh nghiệp công nghệ của Hàn Quốc.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, Robot, Blockchain... Xác định các chương trình R&D là công nghệ lõi của cách mạng 4.0, quốc gia này định vị được phân khúc, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất thông minh...

"Động lực tự thân của các doanh nghiệp tư nhân là đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ, thúc đẩy quá trình học hỏi", ông nói.

Để phát triển mạnh về công nghệ, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư R&D, phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi cấu trúc hệ thống đổi mới... Các chính sách chính gồm: kết hợp quy hoạch CNTT dài hạn, ưu đãi tài chính, phát triển các chương trình R&D quốc gia...

Cũng theo đại diện Ban cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc, trao quyền tự chủ cho các cơ sở kinh tế hiện nay là cần thiết, song song với đó là việc phân tích tính khả thi của các khoản đầu tư trong khoa học công nghệ, thu hút nhân tài cho Chính phủ và tuyển dụng nhân tài. Để làm được điều này, Giáo sư Youngrak Choi cũng đưa ra một số khuyến nghị cho doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Một là khuyến nghị về chính sách. Theo đó, Việt Nam cần tích hợp Khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp; hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính trị cho việc phát triển Khoa học công nghệ. Giáo sư nhấn mạnh việc đầu tư mạnh tay cho R&D; phát triển nguồn nhân lực và cho rằng quyết tâm là một trong những yếu tố góp phần thành công cho sự phát triển này. "Chúng ta cần xác định động lực là sức mạnh nội tại của các doanh nghiệp", ông nói.

Hai là khuyến nghị chính sách quan điểm về kinh tế và công nghiệp. Giáo sư người Hàn cho rằng, cách tiếp cận "Chính phủ kiến tạo phát triển" hay chủ nghĩa tân tự do tại Việt Nam chưa thỏa mãn. Chính phủ cần kết hợp tốt với các doanh nghiệp, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích mạo hiểm, vượt qua ngại ngần cho các doanh nghiệp.

Bảo Bình

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thoat-bay-thu-nhap-trung-binh-han-quoc-da-lam-the-nao-d158265.html