THOÁNG NHƯNG PHẢI CHẶT

Theo chương trình hôm nay (26-5), Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Một trong những vấn đề được cử tri quan tâm trong lần sửa đổi này là cần có cơ chế kiểm soát, giám sát ngành, nghề và các điều kiện về đầu tư kinh doanh (ĐTKD).

Toàn cảnh phiên họp chiều 25-5. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp chiều 25-5. Ảnh: quochoi.vn

Thời gian qua, cải thiện môi trường ĐTKD được đánh giá là điểm sáng trong công tác điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương. Đây là cơ sở để nước ta tạo sức hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Từ thủ tục đăng ký, khởi sự doanh nghiệp, phê duyệt dự án đến tiếp cận các nguồn lực, như: Đất đai, vốn, thị trường đã thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân và doanh nghiệp được bảo đảm quyền tự do ĐTKD, giúp khơi dậy nguồn lực trong nước, khơi thông dòng vốn mạnh mẽ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh những điểm tích cực thì việc thu hút đầu tư thiếu chọn lọc, thiếu cách thức kiểm soát hiệu quả cũng gây ra nhiều nguy cơ, như: Ô nhiễm môi trường; chiếm dụng đất; ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh (QPAN)... Do đó, cử tri hy vọng, Luật Đầu tư (sửa đổi) tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư nhưng vẫn phải bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ.

Cùng với thu hút đầu tư, yêu cầu khác đặt ra quan trọng không kém là phải hình thành một "bộ lọc" hiệu quả để ngăn dự án kém chất lượng, những "dự án ma", "công ty ma", núp bóng hoạt động sản xuất, kinh doanh để gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì thế, việc bổ sung thêm quy định về điều kiện bảo đảm QPAN trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án mới là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay. Hơn nữa, phải có thêm các quy định "hậu kiểm" ràng buộc, để khi dự án đi vào hoạt động nếu phát sinh các vấn đề ảnh hưởng tới QPAN, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng thì phải có cơ chế cảnh báo hoặc đình chỉ việc thực thi dự án. Cùng với đó, cần giám sát chặt chẽ việc hoạt động góp vốn, mua cổ phần, tránh tình trạng nhà đầu tư dùng tiền thao túng doanh nghiệp, sử dụng các bức bình phong để che giấu hành vi khuất tất nguy hiểm, làm sai lệch mục tiêu ban đầu khi phê duyệt dự án.

Không ít lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng với điều kiện hiện nay, Việt Nam cần thu hút đầu tư có chọn lọc. Chúng ta luôn chào đón những nhà đầu tư thiện chí, muốn phát triển công nghệ mới, tiết kiệm tài nguyên, làm ăn chân chính, nhưng cũng không chấp nhận những nhà đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu gây hại tới môi trường, mục đích kinh doanh thiếu lành mạnh. Thiết lập những tiêu chí rõ ràng sẽ giúp các nhà đầu tư chủ động trong công tác chuẩn bị, xác định đúng mục tiêu, đáp ứng các điều kiện đặt ra. Đón được làn sóng đầu tư lành mạnh và đưa dòng vốn đó đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sẽ là động lực quan trọng đưa đất nước tiếp tục chuyển mình mạnh mẽ.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/thoang-nhung-phai-chat-618944