Thỏa ước lao động tập thể: Mang lại lợi ích kép

Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, thỏa ước lao động tập thể không chỉ mang lại lợi ích cho người lao động mà còn cho doanh nghiệp. Bởi nếu thực hiện tốt quy định này, DN sẽ được hưởng lợi nhiều khi người lao động an tâm làm việc.

Trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ), thỏa ước lao động tập thể không chỉ mang lại lợi ích cho NLĐ mà còn cho DN. Bởi nếu thực hiện tốt quy định này, DN sẽ được hưởng lợi nhiều khi NLĐ an tâm làm việc.

Nhiều doanh nghiệp thực hiện

Công ty TNHH Fujiura Nha Trang (Khu Công nghiệp Suối Dầu, huyện Cam Lâm) là DN chế biến thủy sản 100% vốn Nhật Bản. Những năm qua, Công đoàn cơ sở công ty đã trực tiếp vận động, thương lượng với chủ DN ký kết thỏa ước lao động tập thể. Ông Trần Đình Tuy - Chủ tịch Công đoàn công ty chia sẻ: “Ban đầu vận động, chúng tôi gặp không ít khó khăn vì DN cho rằng đã thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi kiên trì vận động theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu” và đã thành công”.

 Khám sức khỏe cho công nhân Công ty TNHH Fujiura Nha Trang.

Khám sức khỏe cho công nhân Công ty TNHH Fujiura Nha Trang.

Bản thỏa ước đầu tiên vào năm 2011 đã đem lại nhiều lợi ích cho công nhân. Những năm tiếp theo, thỏa ước tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung thêm những nội dung có lợi cho gần 100 công nhân. Tiêu biểu như: Công nhân được nghỉ từ 2 đến 5 ngày hưởng nguyên lương để lo việc hiếu, hỷ; hỗ trợ từ 800.000 đến 1,3 triệu đồng/tháng đối với công nhân thuê trọ; hỗ trợ xăng xe từ 800.000 đến 1,3 triệu đồng/người/tháng; hỗ trợ ăn trưa 18.000 đồng/người/ngày, tăng ca được hỗ trợ thêm suất ăn 18.000 đồng/người; hàng năm, công nhân được công ty mua bảo hiểm thân thể… Chị Hoàng Thị Mỹ Linh - công nhân công ty chia sẻ: “Gần 10 năm gắn bó với DN, tôi cảm thấy hài lòng với những chính sách của DN. Đặc biệt, chủ DN đã dành thời gian lắng nghe và giải đáp thấu đáo kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi”.

Tại Công ty TNHH Môi trường đô thị Diên Khánh, công đoàn đã khéo léo vận động DN ký kết thỏa ước lao động tập thể với 14 nội dung ngoài luật có lợi cho NLĐ. Bà Võ Thị Hường - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, Công đoàn đã phân tích cho chủ DN thấy thỏa ước lao động tập thể không chỉ chú trọng vào quyền lợi của công nhân mà qua đó sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của NLĐ đối với công việc, từ đó sẽ tránh được các tác động khách quan, gây bất hòa, tranh chấp lao động. Khi cuộc sống của NLĐ ổn định, họ sẽ tận tâm làm việc, góp phần đưa DN ngày càng phát triển.

Chất lượng các bản thỏa ước ngày càng nâng cao

Theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Đóng tàu Sông Lô, để công ty ngày càng phát triển, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng, công ty luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Cuộc sống của NLĐ ổn định, họ sẽ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài, giúp cho DN ngày càng phát triển. Chính vì thế, ngoài thực hiện tốt các chế độ theo quy định, công ty còn tham gia ký thỏa ước lao động tập thể để NLĐ hưởng thêm quyền lợi… Được biết, Công ty TNHH Đóng tàu Sông Lô (TP. Nha Trang)có bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết với 15 nội dung có lợi cho NLĐ so với luật quy định như: Hàng năm, NLĐ được hưởng lương tháng 13 không quá 15% tổng quỹ lương cá nhân trong năm; nghỉ chờ việc được hưởng 100% lương theo hợp đồng; hỗ trợ ăn ca 40.000 đồng/người/ngày…

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 421/533 DN có tổ chức công đoàn đã ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt 79%. Chất lượng các bản thỏa ước ngày càng được nâng cao. Nếu như trước đây, nội dung chủ yếu liên quan đến phúc lợi như: Hiếu hỷ, hỗ trợ khó khăn, tổ chức hoạt động văn nghệ, thể thao… thì đến nay tập trung nhiều hơn đến các nội dung như: Tăng lương, thu nhập, trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng, bữa ăn ca, thời gian nghỉ hưởng nguyên lương… Tuy nhiên, vẫn còn DN không muốn ký kết thỏa ước lao động tập thể vì lo ngại bị ràng buộc trách nhiệm với NLĐ.

Ông Bùi Thanh Bình - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, việc ký kết thỏa ước lao động tập thể luôn mang lại lợi ích kép cho NLĐ và người sử dụng lao động, tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa và thể hiện trách nhiệm của DN. Bản thỏa ước có nhiều hay ít lợi ích đều phụ thuộc vào kỹ năng, sự khéo léo của cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng như: Biết lựa chọn thời điểm phù hợp để gửi yêu cầu thương lượng và tiến hành thương lượng; phải nêu bật được những lợi ích DN sẽ nhận được khi thực hiện các nội dung do công đoàn kiến nghị. Do vậy, thời gian tới, Công đoàn tỉnh sẽ chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng vận động ký kết thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn cơ sở; phối hợp với các ngành chức năng trong việc kiểm tra, yêu cầu DN ký kết và thực hiện thỏa ước đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

VĂN GIANG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202104/thoa-uoc-lao-dong-tap-the-mang-lai-loi-ich-kep-8214251/